Những thước phim ghi lại tổn thất nặng nề sau cơn bão Yagi. Bộ trưởng Lê Minh Hoan hiệu triệu toàn ngành Nông nghiệp khôi phục sản xuất. Doanh nghiệp, nhà tài trợ trong và ngoài nước cùng nhau sẻ chia, hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn.
Trắng tay sau cơn bão dữ
Cơn bão số 3 - bão Yagi đi qua cũng đồng nghĩa với những món nợ khổng lồ đang ập tới đối với người sản xuất nông nghiệp.
Bão số 3 - Bão Yagi đổ bộ vào các địa phương ven biển phía Bắc và đất liền nước ta trưa ngày 7/ 9 với sức gió giật cấp 14 và là siêu bão trong vòng 30 năm qua.
Hoàn lưu sau bão gây thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản tại 26 tỉnh, thành.
Nông nghiệp là một trong lĩnh vực gánh chịu hậu quả nặng nề nhất
Hàng nghìn lồng nuôi trồng thủy sản bị cuốn phăng, người nông dân trắng tay sau cơn bão
Những diện tích lúa, hoa màu bị nhấn chìm chưa thể thống kê chính xác
Gà, lợn, thủy cầm cũng cùng chung số phận
Người sản xuất trắng tay
Cơn bão dữ đã đi qua, nhưng những món nợ khổng lồ đang ập tới.
Những gì còn lại của một trại lợn 5.000 con trên địa bàn xã Tuy Lộc, TP Yên Bái
Xác lợn chết la liệt, ngổn ngang trong trang trại…
Và cả ngoài đồng, đường làng, bờ sông…
Hàng chục dãy chuồng nuôi lợn giờ chỉ còn vài chục con sống sót
Nhiều ngày nay, chị Vinh quên ăn quên ngủ vì hàng chục tỷ đồng đầu tư vào trại lợn, giờ trắng tay, chị không biết bắt đầu lại từ đâu?
Chị TRẦN THỊ VINH
Giám đốc Dự án nông nghiệp Hòa Bình Minh, Tỉnh Yên Bái
“Chắc chỉ còn được 50 con thôi, chị không dám đòi hỏi gì cả vì ở đây bà con người ta cũng mất nhiều quá, chỉ mong được hỗ trợ tý nào hay tý đó, còn bao nhiêu công nhân, bao nhiêu gia đình ở đây giờ cũng không còn không ăn việc làm nữa, mất hết rồi”
Những đàn cá giống vừa mới thả giờ chỉ còn lại là những xác cá.
Những con cá song có trọng lượng từ 3 - 10 kg, sau nhiều năm nuôi dưỡng cũng chung số phận.
Hơn 260 lồng cá của nhà ông Dương dự định thu hoạch vào dịp Tết này giờ chỉ còn vài con sót lại, số khác đã thoát ra khỏi lồng nuôi.
Toàn bộ lồng, bè của gia đình ông đã bị sóng đánh chìm hoặc bị cuốn đi.
Ông PHẠM VĂN DƯƠNG
Khu 9, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh
“Tích cóp 40 năm mới làm được cái khu này, bão phá trong 4 giờ, không thể tưởng tượng nổi, 25 tỷ đồng, coi như mất trắng, không còn cái gì”
Chung tình cảnh với ông Dương là hơn 30 hộ nuôi trồng thủy sản khác tại HTX Vân Hải, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đều là những người dạn dĩ với biển cả, có hàng chục năm làm nghề biển, giờ đã bước sang tuổi 70 nhưng chưa bao giờ ông Thìn - GĐ HTX chứng kiến một cơn bão nào có sức tàn phá khủng khiếp như bão Yagi.
Ông NGUYỄN VĂN THÌN
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Vân Hà, Vân Đồn, Quảng Ninh
Quá khó khăn, khó khăn chồng chất khó khăn. Để mà khắc phục thì không phải một sớm một chiều, phải có một thời gian. Có những hộ còn không thể khắc phục được nữa bởi giờ còn gì đâu. Tài sản, nhà thế chấp ngân hàng rồi. Làm lại từ đầu thì không phải vài chục triệu là có thể làm được. Đã khôi phục lại phải vài ba trăm triệu mới làm được. Thế bây giờ, tiền ấy ở đâu, vay ở đâu và làm như thế nào?
Nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, ước tính đã có trên 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản đã bị thiệt hại, ít thì vài trăm triệu đồng, nhiều thì vài chục tỷ đồng, cá biệt có những hộ thiệt hại lên đến hơn một trăm tỷ đồng.
Ông PHẠM VĂN DƯƠNG
Khu 9, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh
“Mong cái thứ nhất là được khoanh nợ, cái thứ 2 là nếu mà nhà nước cho vay thêm thì cho lãi suất thấp thôi, chứ cứ 6-7% một năm là cũng không thể trụ nổi”
Bão đi qua, 170 ha chuối - cây trồng chính chiếm 90% diện tích canh tác tại xã Hà Thanh, huyện Tứ Kì, tỉnh Hải Dương đã bị đánh gục hoàn toàn. Mọi hy vọng của người dân dồn cả vào vụ chuối Tết năm nay, nhưng thay vì sẽ thu được thu 20 triệu đồng/ sào như mọi năm thì giờ đã mất trắng.
Ông PHẠM VĂN ĐIỀM
Thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương
Trồng cây chuối này cỡ 10 tháng mới được thu hoạch, mà chỉ trông mong vào cây chuối, giờ rất tiếc và buồn. Quá tiếc, vì nhiều tiền lắm, trông thế thôi, đến Tết phải đôi trăm triệu đấy.
Ông NGUYỄN TRỌNG TẢI
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương
Năm nay chúng tôi tính dự kiến bình quân mỗi 1 sào thu hoạch từ 19 triệu – 21 triệu đem lại lợi nhuận cho bà con rất lớn nhưng cơn bão số 3 về làm ảnh hưởng nặng nề cho bà con nông dân trồng chuối ở Tứ Kỳ, đến giờ phút này là bị thiệt hại đến 95-97%. Chúng tôi rất mong muốn hỗ trợ để bà con tái sản xuất.
Càng đầu tư lớn, thì thiệt hại càng cao.
Bão đi qua, hơn 4.000m2 nhà lưới của chị Cuối tan hoang.
Nếu mưa thuận, gió hòa, năm nay dự kiến thu được 400 triệu đồng lợi nhuận.
Nhưng con số ấy giờ quá xa vời, trong khi món nợ hơn 1,5 tỷ vay mượn để đầu tư thì hiện hữu trước mặt.
Chị PHẠM THỊ CUỐI
Xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, Hải Dương
Chưa thu được gì mất hết, hơn 1 tỷ rưỡi, tỷ sáu rồi mất hết, huy động anh em có thêm vốn liếng để làm, giờ không còn gì.
Cơn bão số 3có tên quốc tế là YAGI - là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào nước ta trong 30 năm qua; trước khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão đạt cấp siêu bão (gió cấp 16, giật trên cấp 17); trên Vịnh Bắc Bộ bão vẫn gây gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17; khi đổ bộ vào đất liền gây gió mạnh cấp 14. Riêng tại Bãi Cháy (Quảng Ninh), bão giật cấp 17. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra đợt mưa rất lớn, kéo dài liên tục trên diện rộng tại khắp các địa phương khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa phổ biến từ 250-500mm; riêng tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên tổng lượng mưa phổ biến từ 400-600mm, một số nơi trên 700mm, gây ra đợt lũ lớn tại hầu hết các sông ở Bắc Bộ, nhiều nơi trên báo động 3. Tại tỉnh Yên Bái lũ sông Hồng vượt 1,31m so với lũ lịch sử năm 1968 ; mực nước sông Hồng tại Hà Nội dưới báo động 3 khoảng 0,2m (đây là mức lũ cao nhất trong hơn 20 năm qua tại Hà Nội). Mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng... ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực thấp trũng ở cả miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Vụ sạt lở kinh hoàng tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã xóa sổ làng Nủ - nơi sinh sống của 37 hộ dân với 158 nhân khẩu và cướp đi sinh mạng 46 người dân.
Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch tại 26 tỉnh, thành phía Bắc. Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9/2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ…Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.
Ngay từ khi bão số 3 hình thành và đi vào biển Đông, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung theo sát tình hình, dự báo sát, chính xác diễn biến cường độ và đường đi của bão, cảnh báo nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất và triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp trước, trong và sau bão. Bộ trưởng Bộ NN và PTNT cùng các thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ cũng trực tiếp xuống thực địa, chỉ đạo các địa phương lên phương án ứng phó với bão và khắc phục hậu quả sau bão. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xác định mức độ thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của các địa phương và trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ; tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống, thức ăn, hóa chất và các vật tư cần thiết cho các địa phương để khôi phục sản xuất nông nghiệp một cách tích cực.
Để thực hiện tốt Nghị quyết 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, Bộ NN và PTNT đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong ngành ủng hộ tiền, các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp để phục hồi sản xuất. Tính đến 19 giờ ngày 18/9, tổng giá trị hỗ trợ từ các doanh nghiệp đã đạt hơn 21 tỷ đồng. Lãnh đạo Bộ tin tưởng, với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng như từ nguồn lực địa phương và các chính sách, giải pháp hỗ trợ, nông dân trồng trọt sẽ sớm phục hồi sản xuất nông nghiệp, giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2024.
Ông LÊ MINH HOAN
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT
Hành trình phục hồi sau mưa lũ vẫn còn dài, nhưng với sự chỉ đaoh quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc khẩn trương của Bộ NN và PTNT cùng với tinh thần đoàn kết và sự hỗ trợ kịp thời tử các cấp chính quyền và người dân cả nước, cùng với nỗ lực không ngừng của người dân, chắc chắn rằng những khó khăn hiện tại sẽ sớm qua đi. Những vùng đất đã từng bị cuốn trôi bởi lũ sẽ lại xanh tươi trở lại.