Văn bản pháp luật ở nước ta đang vướng thực trạng vừa nhiều điều khoản vừa kém hiệu quả. Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 của Quốc hội khóa 15, được tổ chức từ 27 đến 29/8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ băn khoăn về không ít luật mới thực hiện chưa được bao lâu đã phải chỉnh sửa. Ngoài ra, cũng cần rút kinh nghiệm khi xây dựng luật rườm rà. Ví dụ, một luật của Nhật Bản chỉ vài trang, còn một luật của nước ta đến mấy trăm trang.
Đã rất nhiều năm nay, ngay cả những người hành nghề luật sư cũng than phiền về sự rắc rối của hệ thống văn bản pháp luật. Vì vậy, nhiều địa phương và nhiều đơn vị rất ngao ngán và rất dè chừng để áp dụng sao cho đúng luật, chứ đừng nói đến sự hạn chế của những người dân bình thường.
Yếu tố đặc trưng của văn bản pháp luật là diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu. Không thể chấp nhận văn bản pháp luật mà ai hiểu cách nào cũng được. Không thể chấp nhận, một từ ngữ trong một điều khoản, lại có thể hiểu theo nhiều ý nghĩa và thoải mái đặt vào nhiều trường hợp khác nhau.
Văn bản pháp luật không nhằm đánh đố công dân, không nhằm thử thách mức độ thông minh của người tuân thủ, và cũng không nhằm cân đong năng lực suy diễn của cơ quan triển khai. Đồng thời, khi văn bản pháp luật đạt được hiệu quả thực tiễn thì không cần các văn bản dưới luật để hướng dẫn, mà đôi lúc văn bản dưới luật tác động suy giảm ngược lại văn bản pháp luật. Sự thật không hiếm gặp, xét đến tính khả thi của một luật nào đó, bỗng dưng bị vướng thông tư. Đó là nghịch lý, cái phụ lấn át cái chính, cái nhỏ khống chế cái lớn, khiến xã hội loay hoay giữa “rừng luật”.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quan tâm quá trình xây dựng luật cần chú trọng kiểm soát quyền lực để góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các văn bản pháp luật phải bảo đảm không sơ hở để ngăn ngừa “tham nhũng chính sách”, lồng ghép lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ của ngành nghề vào những điều khoản chung. Quan điểm ấy cũng từng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật cách đây không lâu.
Văn bản pháp luật luôn có chức năng dẫn dắt và uốn nắn mọi suy nghĩ lẫn hành vi của con người. Soạn thảo luật không thể chủ quan dựa trên lý thuyết, mà cần xuất phát từ thực tế và đi thẳng vào cuộc sống. Bên cạnh việc huy động trí tuệ để xây dựng luật, cũng cần phân bổ nguồn lực hợp lý và đẩy mạnh phân cấp phân quyền triệt để cho nền tảng thượng tôn pháp luật. Nếu văn bản pháp luật bị cài cắm lợi quy định chỉ nhằm phục vụ cho một số đối tượng hoặc thuận tiện cho một số lĩnh vực, sẽ trực tiếp làm ảnh hưởng đến vai trò quản lý Nhà nước, sẽ gián tiếp tạo ra những hoài nghi không lành mạnh trong cộng đồng khao khát tiến bộ và văn minh.