| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 19/04/2017 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 19/04/2017

Không sử dụng đường BOT vẫn phải nộp tiền, phải chăng là 'Trấn lột'?

Những bức xúc về trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy (nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) còn chưa kịp lắng xuống, thì bức xúc mới lại bùng lên...

Những bức xúc về trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy (nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) còn chưa kịp lắng xuống, thì bức xúc mới lại bùng lên ở trạm thu phí BOT Cầu Rác thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh.

Kêu chán không được, người dân lại đành phải mang xe đến chắn trạm thu phí để phản đối.

Nguyên do là đoạn đường tránh TP Hà Tĩnh, có độ dài 16km, do TCty MTV hạ tầng Sông Đà làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2009, theo hình thức BOT. Nay hoàn thành, chủ đầu tư cho đặt trạm thu phí tại Cầu Rác thuộc địa phận xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, để thu phí.

Đặt trạm thu phí để hoàn vốn là chuyện bình thường. Nhưng, điều không bình thường, khiến người dân bức xúc, là ở chỗ: trạm thu phí Cầu Rác lại nằm trên QL1A, cách dự án đường tránh TP Hà Tĩnh tới... 30km, nên tất cả những phương tiện không đi qua đường tránh, vẫn cứ phải nộp phí như thường. Kêu chán không được, người dân lại đành phải mang xe đến chắn trạm thu phí để phản đối.

Không phải chỉ riêng các trạm thu phí BOT Bến Thủy, Cầu Rác có hành vi buộc những phương tiện không lưu thông trên dự án cũng phải nộp tiền, mà còn cả chục trạm thu phí BOT của các dự án khác trên cả nước, cũng có hành vi như vậy, như trạm thu phí Quán Hàu (Quảng Bình), trạm thu phí Đức Trọng (Lâm Đồng)... Đến nỗi báo chí phải kêu lên, rằng “tràn lan trạm thu phí nằm nhầm chỗ”. Thật ra, cái tít đó chưa đủ, mà tên đầy đủ của nó phải là “tràn lan trạm thu phí cố tình nằm nhầm chỗ”.

Vì sao như vậy?

Lần ngược lại thời gian, người ta thấy tháng 6/2016, các báo đều dẫn lời ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT về vấn đề này. Trả lời báo chí, ông Trường xác nhận có việc người dân không đi đường BOT vẫn phải trả tiền. Nhưng: “Đây là một giải pháp, mà giải pháp này có thể chấp nhận được. Tức là nếu chúng ta chỉ thu ở đường BOT không, thì các xe sẽ đi ở đường không thu phí, nếu như vậy thì nhà đầu tư sẽ không đủ khả năng để đầu tư đường mới”.

Thì ra nguyên nhân là ở đó. Đã có một “ông lớn” như vậy chống lưng, và một khi việc buộc người dân không đi vào đường BOT vẫn phải trả phí đã được coi là một “giải pháp”, thì việc các doanh nghiệp BOT đua nhau tìm mọi cách để buộc người dân phải móc hầu bao, dù không sử dụng dịch vụ của mình, là lẽ đương nhiên.

Nghĩ cũng lạ. Đường không thu phí là đường làm từ ngân sách Nhà nước, tức là từ tiền thuế của dân. Dân đã đóng thuế để làm đường rồi, tại sao lại vẫn phải góp phần “hoàn vốn” và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư? Trước khi làm đường BOT, hẳn nhà đầu tư đã phải tính toán hết mọi khả năng, có hoàn được vốn, và có lãi, thì mới làm. Muốn hoàn được vốn và có lãi, thì cách duy nhất là làm đường cho thật tốt, và tạo ra thật nhiều các tiện ích khác. Lúc đó, người dân sẽ bỏ những con đường không thu phí để đi vào đường BOT, chứ sao phải dùng “đòn bẩn” để móc túi dân?

Cần phải gọi đúng tên của việc đặt trạm thu phí ở những chỗ có thể buộc những phương tiện không sử dụng đường BOT vẫn phải nộp tiền. Mà cái tên đúng nhất để gọi nó, chỉ có hai từ: Trấn lột!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm