Thời gian qua, quan điểm phát triển thuận thiên đã được đề cập nhiều trong các chủ trương, định hướng của Trung ương. Điển hình, Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đưa ra tư duy tiếp cận mới cho vùng ĐBSCL là tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên.
Quan điểm này một lần nữa được đề cập tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên; phù hợp với điều kiện thực tế của vùng.
Tại chương trình Tọa đàm Giải pháp công trình thủy lợi theo nguyên tắc “không hối tiếc” do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp đưa ra cách hiểu đúng về quan điểm “thuận thiên”. Đó là chủ động thích ứng, lựa chọn những mô hình sản xuất thích ứng, căn cứ vào điều kiện thực tế để phát triển bền vững.
Ông Hiệp nhấn mạnh, việc đầu tư các công trình thủy lợi cũng cần đảm bảo thống nhất quan điểm này. Không vì bộc lộ những bất cập như hiện nay mà từ bỏ. Đồng thời, cần phải hiểu đúng mới có thể vận hành và phát huy hiệu quả lợi ích của công trình.
Một giải pháp bền vững cho đầu tư các công trình thủy lợi theo quan điểm của chuyên gia này là không thể 'mặc đồng phục' cho các công trình thủy lợi ở tất cả các địa phương vùng ĐBSCL.
“Thông thường, địa phương nào cũng muốn đầu tư công trình thủy lợi, như vậy sẽ tạo ra sự lãng phí, không có tính bền vững. Nếu làm cống chỉ tính đến vấn đề phục vụ sản xuất nông nghiệp thì không được, sẽ cản trở một lợi thế rất lớn của vùng ĐBSCL là giao thông đường thủy”, ông Hiệp trăn trở.
Từ ý kiến trên, ông Hiệp cho rằng, khi đầu tư các công trình thủy lợi phải tính đến vấn đề giao thông đường thủy. Đồng thời, có bài toán tổng thể cân bằng cung cầu nguồn nước, không chỉ nhìn ở góc độ một địa phương mà ít nhất là cả vùng và liên vùng. Đặc biệt phải đảm bảo nguyên tắc chi phí và lợi ích ở hiện tại cũng như trong tương lai.
Đối với vấn đề liên kết vùng, đây là vấn đề lớn và đã được đề cập nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ các công trình thủy lợi, ông Hiệp quan tâm 3 vấn đề.
Thứ nhất, khi quyết định đầu tư công trình thủy lợi, mặc dù nằm trọn trên địa bàn một địa phương cũng phải tính đến yếu tố liên kết vùng. Bởi tài nguyên nước không có ranh giới giữa các tỉnh. Do đó, các địa phương cần tính toán đến các tác động của công trình ở phạm vi vùng.
Thứ hai, là vấn đề liên kết trong mục tiêu sử dụng công trình. Nghĩa là, công trình thủy lợi dù đầu tư cho ngành nông nghiệp, nhưng cũng phải tính toán đến giao thông, tài nguyên thiên nhiên và bố trí dân cư. Nhìn rộng ra, đầu tư công trình thủy lợi phải vượt ra phạm vi của một ngành, lĩnh vực.
Thứ ba, ông Hiệp nhấn mạnh, vai trò của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL là hết sức quan trọng trong điều tiết, đảm bảo tích hợp đa mục tiêu trong một công trình thủy lợi.
“Công trình thường gắn với địa phương nào, chủ đầu tư sẽ ưu tiên cho địa phương và có thể dẫn đến những xung đột về lợi ích, rõ nhất là xung đột về nguồn nước. Có địa phương ưu tiên sử dụng nước ngọt, đầu tư công trình này để ngăn lại giữ nước ngọt. Cũng có những địa phương sử dụng nước mặn, nên xảy ra tranh chấp, phân ranh mặn ngọt”, ông Hiệp lý giải.
Tất cả các vấn đề đã đề cập ở trên, chuyên gia mong muốn được đặt lên “bàn nghị sự” của Hội đồng điều phối vùng. Để giải quyết tất cả các vấn đề về thủy lợi, điều tiết, quản trị tài nguyên nước thông qua các công trình thủy lợi.