| Hotline: 0983.970.780

Khu tái định cư “đói” đất sản xuất

Thứ Hai 01/04/2013 , 10:59 (GMT+7)

4 năm, kể từ khi nhường đất cho việc xây dựng thủy điện Nậm Chiến, người dân khu tái định cư (TĐC) xã Ngọc Chiến (Mường La – Sơn La) vẫn chưa có đất để sản xuất.

4 năm, kể từ khi nhường đất cho việc xây dựng thủy điện Nậm Chiến, người dân khu tái định cư (TĐC) xã Ngọc Chiến (Mường La – Sơn La) vẫn chưa có đất để sản xuất. Chính quyền địa phương và người dân nhiều lần kiến nghị nhưng phía chủ đầu tư là Cty CP Thủy điện Nậm Chiến vẫn im hơi lặng tiếng. 

Hoảng sợ vì thủy điện

Để xây dựng thủy điện Nậm Chiến, địa phương đã vận động những hộ dân thuộc các bản là Khua Vai và Phiêng Ái di cư đến nơi ở mới. Bản Khua Vai có 287 hộ với 1.100 nhân khẩu chuyển lên gần trung tâm xã Ngọc Chiến, lấy tên là bản Đin Lanh. Người dân của bản Phiêng Ái thì nằm xa hơn, lấy tên là bản Nậm Hoai. Đã 4 năm kể từ khi dời đến nơi ở mới, nhưng khi chúng tôi gợi lại những ngày tháng phải di cư, nhiều người tỏ vẻ thẫn thờ, thậm chí hoảng sợ.


Đập vai phải của thủy điện Nậm Chiến, trước đây là bản Khua Vai

Năm 2009, người dân hai bản Khua Vai và Phiêng Ái đã đồng ý với kế hoạch di dời của địa phương. Tuy nhiên, đến khi phía Cty Thủy điện Nậm Chiến công bố giá đền bù đất ở, ruộng và nương rẫy… các hộ dân đồng loạt phản đối. Người dân đã dùng cây gỗ, đá hộc ngăn đường không cho phương tiện máy móc của công ty vào xây dựng thủy điện.

Lãnh đạo từ tỉnh đến huyện đã phải trực tiếp xuống vận động người dân di dời để có thể xây dựng thủy điện theo đúng tiến độ. Không ngăn được việc xây dựng thủy điện, người dân lác đác chuyển đi, nhưng có một số hộ vẫn quyết tâm bám đất, bám bản.

Nhớ lại “cái đêm hôm ấy”, ông Bí thư bản Nậm Hoai Lò Văn Hao không khỏi rùng mình. “Đêm đó, phía công ty cho xe tải, máy ủi lên chạy ầm ầm ngay sát nhà. Lúc sau thì bắt đầu xả nước vào bản. Sợ quá, cả gia đình tôi chỉ biết ôm nhau và khóc”, ông Hao nhớ lại. Và chỉ ngay ngày hôm sau, khi phía công ty tiếp tục cho tích nước phía bên kia bờ đập, gia đình ông phải gấp rút chuyển đi để giữ mạng sống được an toàn.


Trưởng bản Nậm Hoai Quàng Văn Doãn bần thần khi nhắc đến bản cũ

Khi người dân vừa chuyển đi, Cty Thủy điện Nậm Chiến tiến hành xả nước. Hai bản Khua Vai và Phiêng Ái chìm ngỉm trong hàng tỉ mét khối nước. Đau đớn thay, những khối nước đó nhấn chìm luôn cả 440 ngôi mộ chưa kịp di dời. Lại một lần nữa, người dân kéo nhau phản đối.

Tỉnh Sơn La phải cử lãnh đạo trực tiếp xuống hiện trường, yêu cầu công ty tháo nước cho người dân di chuyển mồ mả tổ tiên. Nhưng sau cả nửa tháng chìm trong nước, gần 100 ngôi mộ đã bị mất dấu, không thể tìm lại. Trong số đó có cả 2 ngôi mộ liệt sĩ, một của liệt sĩ Lò Văn Pe (anh trai ông Lò Văn Hao). Khi nhắc về anh trai Lò Văn Pe, ông Hao nghẹn ngào, nước mắt ứa ra nhìn chăm chăm về phía bản cũ.


Ông Lò Văn Hao đã bị mất ngôi mộ anh trai mình là liệt sĩ

3 mét vuông ruộng = 1 bát phở

Mới đây, tổ máy số 1 của thủy điện Nậm Chiến bắt đầu hoạt động, hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Nhưng khi chúng tôi tìm hiểu mới biết, gần như toàn bộ người dân hai bản Khua Vai và Phiêng Ái (cũ) vẫn chưa nhận tiền đền bù. Chúng tôi hỏi anh Quàng Văn Toàn, người bản Đin Lanh, tại sao chưa nhận tiền đền bù mà vẫn chuyển đi. Anh Toàn bảo, họ tích nước ầm ầm thế, thấy sợ thì phải chuyển đi thôi.

Một mét vuông đất ruộng, Cty Thủy điện Nậm Chiến đền bù cho người dân 8.000 đồng và 4.500 đồng cho một mét vuông đất nương. Tính ra, giá 3 mét vuông đất ruộng chỉ bằng một bát phở bình dân. Cho rằng giá đền bù công ty đưa ra quá thấp, người dân không chịu chuyển đi, gây ra những chuyện đau lòng kể trên.

Gia đình anh Toàn trước đây có 2ha đất nương, gần 700 mét vuông đất ở, ruộng 6.000 mét vuông, nay chỉ còn một mảnh đất… bé như bàn tay. Một vụ, nhà anh làm ruộng, nương cũng được 3 tấn thóc bán được 24 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền bán được từ ngô, khoai, sắn… Nhưng nay, cả 5 khẩu nhà anh chỉ biết trông chờ vào vài đồng tiền lẻ từ bán rau, bán cá bắt được ở suối.

Trưởng bản Nậm Hoai Quàng Văn Doãn cũng chuyển lên khu TĐC năm 2009. Trước năm 2009, anh Doãn có trong tay 400 mét vuông đất ở, 1.000 mét vuông vườn, 5.000 mét vuông ruộng và 2ha nương. Thế nhưng, khi đến nơi ở mới, gia đình anh chỉ được phía công ty cấp đất làm nhà, còn ruộng nương hoàn toàn không có.

Mập mờ khâu đền bù

Để hiểu rõ hơn thực trạng khu TĐC này, chúng tôi đã tìm gặp ông Lò Văn Quạn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến. Ông Quạn cho biết, công ty đã thu hồi 300ha đất ruộng, 470ha đất nương để xây dựng thủy điện. Sau khi công ty đưa ra giá đền bù, người dân đã phản đối vì cho rằng giá đó quá thấp.


Người dân vẫn vô từ vào rừng lấy gỗ về làm nhà

Tuy người dân chưa đồng ý di dời nhưng Cty Thủy điện Nậm Chiến vẫn tiến hành tích nước, uy hiếp người dân. Về việc người dân tố công ty phá 20ha rừng do Hội Người cao tuổi xã quản lí và bảo vệ, ông Quạn cho biết, công ty đã đền bù 2 tỉ 640 triệu đồng. Nhưng số tiền này lại được chuyển thẳng vào tài khoản của UBND xã Ngọc Chiến để xây dựng trụ sở.

“Tôi cũng thắc mắc điều này và được phía công ty giải thích rằng đất rừng thuộc về tài nguyên môi trường của xã thì xã được hưởng”, ông Quạn cho hay. Về việc chi tiêu xây trụ sở thì ông Quạn bảo không biết vì mới nhậm chức từ năm 2010. Từ nguồn tin riêng, chúng tôi được biết, vị chủ tịch xã khóa trước là ông Lường Văn Hải hiện đang bị truy tố do liên quan đến kinh tế.

Do thiếu đất sản xuất, người dân khu TĐC vẫn lén lút vào rừng chặt gỗ bán lấy tiền mua gạo ăn, sinh hoạt hàng ngày. Người dân chủ yếu nhằm vào loại gỗ quý như Pơ mu. Tại lõi rừng Ngọc Chiến, rất nhiều khúc cây Pơ mu đã được người dân cưa đổ nhưng chưa kịp xẻ khúc mang ra khỏi rừng.

Ngoài ra, phía Cty Nậm Chiến còn thu hồi 2,7ha chè của người dân bản Khua Vai. Lạ lùng thay, đến nay, mọi thứ đã ngập nước, nhưng phía công ty mới chỉ trả tiền chè trên đất mà không đền bù diện tích đất bị thu hồi. Rất nhiều lần người dân kiến nghị lên xã, xã ý kiến lên công ty nhưng sự việc vẫn án binh bất động suốt 4 năm qua.

Ông Quạn cũng cho hay, việc công ty xả nước nhấn chìm 440 ngôi mộ của người dân là có thật. “Phía công ty hỗ trợ phí di dời là 800 nghìn đồng/mộ nhưng do chưa có đất để chuyển đi nên xảy ra vụ việc đau lòng trên”, ông Quạn nói.


Những khúc cây Pơ mu ngổn ngang trong rừng Ngọc Chiến

Cùng ngày, chúng tôi tìm gặp lãnh đạo Cty CP Thủy điện Nậm Chiến để làm rõ những việc kể trên nhưng không thành. Một cán bộ văn phòng của công ty cầm giấy giới thiệu của chúng tôi lên trình sếp, nửa tiếng sau quay lại bảo “Các anh thông cảm, các sếp hôm nay đi họp hết. Hẹn các anh làm việc vào dịp khác”. Tuy nhiên, khi trở ra, chúng tôi vẫn thấy phòng của vị phó giám đốc công ty cửa vẫn mở toang và sáng điện.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.