Theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu tăng mạnh trở lại trong nhiều tuần qua là do mặt hàng này ngày càng thắt chặt, khi nhu cầu khôi phục sản xuất đang có dấu hiệu khởi sắc, nhất là tại nền kinh tế lớn số hai thế giới: Trung Quốc.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác khiến giá khí đốt tăng mạnh ở cả thị trường châu Âu và châu Á trong những tuần gần đây là lượng tồn kho ngày càng giảm ở châu Âu, xuống còn 16 tỷ mét khối, thấp hơn 20% so với mức trung bình 5 năm.
Hệ quả đầu tiên là hai nhà máy sản xuất phân bón ở vương quốc Anh đã buộc phải đóng cửa, dấu hiệu cho thấy nguồn cung nhiên liệu có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.
Động thái này cũng đồng thời làm dấy lên những cảnh báo về sự thiếu hụt amoni nitrat, loại nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Cổ phiếu CF Industries Holdings được niêm yết tại New York, một trong những tập đoàn phân bón lớn nhất thế giới, cho biết: Hiện không thể tính toán được thời điểm nào hoạt động sản xuất sẽ được nối lại tại các nhà máy ở Teesside và Cheshire (phía bắc nước Anh), nơi cung cấp khoảng 40% sản lượng phân bón ở Anh và sử dụng khoảng 600 nhân công.
Tom Bradshaw, Phó chủ tịch Liên minh Nông dân Quốc gia, cảnh báo rằng thị trường phân bón ở Anh đã "cực kỳ biến động" ngay cả trước khi đóng cửa, với giá bị đẩy lên cao hơn 50% so với năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
“Mọi thứ đang khiến cho thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn”, ông Tom nói, đồng thời cho rằng nhu cầu nhập khẩu sẽ cần phải tăng hơn nữa.
Các chuyên gia phân tích cho biết, ngành phân bón đang phải đối mặt với một “cơn bão hoàn hảo”- thuật ngữ mô tả tình huống tồi tệ nhất hiếm khi xảy ra kết hợp với nhiều yếu tố khó khăn khác do giá khí đốt tăng lên gần mức kỷ lục ở châu Âu và châu Á.
Amoni nitrat, một trong những hợp chất hóa học được sử dụng phổ biến nhất trong ngành sản xuất phân bón toàn cầu, có nguồn gốc từ khí tự nhiên nhưng hiện giá của loại nhiên liệu này đã tăng nhanh vượt qua mọi dự báo, khiến các nhà sản xuất phân bón đứng ngồi không yên.
Yara, một trong những tập đoàn phân bón lớn nhất thế giới của Na Uy, cho biết trong khi theo dõi tình hình, họ sẽ “linh hoạt điều chỉnh để cắt giảm sản lượng tạm thời nếu cần thiết”.
Theo Julia Meehan tại ICIS, một công ty tư vấn về tình báo hàng hóa, việc đóng cửa của “ông lớn CF Industries” đã gây ra "sự hoảng loạn" trên thị trường phân bón bởi nhà sản xuất này vốn luôn được xác nhận “kỳ vọng lớn” về sản lượng ở châu Âu.
“Nếu khủng hoảng thiếu phân bón, hoặc đắt đỏ quá nông dân không đủ tiền mua, thì năm sau sẽ mất mùa. Và kết cục là có thể sẽ rất tồi tệ đối với người tiêu dùng, chừng nào loại vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp này chưa xuất hiện trở lại trên kệ hàng hóa".
Bà Meehan nói thêm rằng, việc thay thế sản xuất bị thiếu hụt do các nhà máy đóng cửa hiện tại bằng giải pháp nhập khẩu, mặc dù có thể khả thi nhưng sẽ không đơn giản vì amoni nitrat là một chuỗi cung ứng phức tạp và các quy trình cấp phép hết sức ngặt nghèo do tính chất dễ nổ của nó.
Bede Heren, chuyên gia phân bón tại hãng Argus Media, cho biết: “Sẽ là một vấn đề lớn đối với thị trường Anh nếu những nhà máy này không hoạt động trong một thời gian. Một tháng có thể quản lý được. Nhưng nếu tình trạng cắt cúp sản xuất tiếp tục kéo dài từ hai đến ba tháng thì nó sẽ trở thành một vấn đề thực sự”.
Các ông chủ trong ngành cho biết việc ngừng hoạt động sẽ là một lời cảnh tỉnh đối với chính phủ vì sẽ là một cú giáng thẳng vào các doanh nghiệp và sau đó là việc làm. Cuộc khủng hoảng giá khí đốt hiện đã có tác động mạnh đến giá điện tại nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh và Pháp.
Giá khí đốt tại Anh và châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục mới trong những tuần gần đây do ít các giao dịch thành công, khiến các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp khí đốt lo lắng khi thời tiết đang chuyển sang mùa đông với lượng dự trữ thấp kỷ lục. Mặc dù giá khí đốt tự nhiên ở Vương quốc Anh đã giảm chút xíu vào hôm 17/9, nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với hồi tháng Sáu.