| Hotline: 0983.970.780

Giá phân bón tăng cao, Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu

Thứ Bảy 31/07/2021 , 16:28 (GMT+7)

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc vừa đồng loạt nhận được lệnh, tạm ngừng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.

Dây chuyền đóng gói phân urê tại một nhà máy phân bón hóa học của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Alamy Stock

Dây chuyền đóng gói phân urê tại một nhà máy phân bón hóa học của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Alamy Stock

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết, động thái tạm dừng xuất khẩu phân bón được ban bố sau khi giá phân bón tại một trong những quốc gia sản xuất lương thực hàng đầu thế giới leo lên mức kỷ lục.

Theo số liệu hải quan, Trung Quốc là nhà xuất khẩu phốt phát (phân lân) hàng đầu thế giới và tính đến nửa đầu năm nay nước này xuất khẩu tổng cộng 3,2 triệu tấn phân bón phốt phát diammonium và 2,4 triệu tấn urê sang các khách hàng lớn như Ấn Độ và Pakistan.

Trước đó, hôm thứ Sáu trong một tuyên bố, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, cơ quan này đã triệu tập khẩn lãnh đạo các công ty phân bón trong nước để thảo luận về việc tích trữ phân bón. Tuy nhiên, các công ty sản xuất phân bón không được công khai danh tính.

NDRC không cho biết, việc tạm ngừng xuất khẩu sẽ kéo dài bao lâu.

Các nhà phân tích cho biết, chính phủ rất kỳ vọng vào các công ty phân bón thuộc sở hữu nhà nước như Sinofert Holdings Ltd, Tập đoàn Sinoagri, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Than đá Quốc gia – những đơn vị  nằm trong số những công ty hạn chế xuất khẩu.

Khi được đề cập phỏng vấn, không có công ty nào bình luận về vấn đề này. Theo Reuters, đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm giải quyết bài toán giá nguyên liệu thô tăng vọt.

Giá phân bón ở Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu từ nước ngoài tăng mạnh hơn, trong khi sản xuất trong nước giảm và chi phí nhiên liệu tăng cao.

Gavin Ju, chuyên gia phân tích hàng đầu về phân bón tại hãng CRU Group cho biết, đợt lũ lụt vừa qua tại tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc đã ảnh hưởng đến năng lực sản xuất và sản lượng tại một số nhà máy phân bón.

Một công nhân đeo khẩu trang vận chuyển phân bón xuất khẩu tại một cảng biển ở  tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 31 tháng 1 năm 2020. Ảnh: China Daily 

Một công nhân đeo khẩu trang vận chuyển phân bón xuất khẩu tại một cảng biển ở  tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 31 tháng 1 năm 2020. Ảnh: China Daily 

Hồi cuối tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cảnh báo chi phí tăng cao của một loạt các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất quan trọng, đồng thời coi đây là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh lương thực của đất nước.

Ngay sau đó, NDRC đã mở một cuộc điều tra về thị trường phân urê và kêu gọi các công ty phân bón chủ chốt "hoạt động một cách có trật tự... và không tích trữ, tăng giá, ngụy tạo hoặc lan truyền thông tin về việc tăng giá phân bón".

Ông Gavin Ju cho biết, hoạt động xuất khẩu phân bón sẽ chỉ được cơi nới bắt đầu từ tháng 9 trở đi sau khi tình hình được cản thiện. “Chúng tôi kỳ vọng (vào các doanh nghiệp nhà nước)... sẽ tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu phân bón và tập trung vào nguồn cung nội địa là ưu tiên trong vài tháng tới. Điều này sẽ giúp kiềm giữ đà tăng giá phân bón trong nước trong tương lai gần”, ông Ju nói.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang thực hiện chính sách môi trường, dần thay thế các nhà máy sản xuất phân bón cũ bằng những nhà máy mới, hiệu quả hơn và ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung khí thiên nhiên trong nước. Dự báo, tình hình thiếu khí thiên nhiên của Trung Quốc sẽ không được cải thiện trong ngắn hạn. Mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) tính toán nhu cầu khí thiên nhiên của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi, từ 210 tỷ m3 năm 2016 lên 400 tỷ m3 năm 2040.

Trong khi đó, theo tạp chí World Fertilizer, phần lớn các cơ sở sản xuất phân lân của Trung Quốc nằm ở 4 tỉnh Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam, những địa phương nằm gần các mỏ quặng phốt phat ở miền nam. Hồ Bắc có công suất phân bón lớn nhất, chiếm khoảng 28% tổng sản lượng cả nước, tiếp theo là Vân Nam và Quý Châu với 26% và 23%.

Điều nghịch lý là trong khi một số nhà sản xuất phân lân nội địa của Trung Quốc có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường xuất khẩu, nhưng một số nhà sản xuất khác đang chật vật để tồn tại do không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào như lưu huỳnh/amoniăc.

Hiện giá urê giao kỳ hạn trên Sở giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã tăng hơn 30% so với hồi đầu năm và đạt mức cao kỷ lục 2.616 nhân dân tệ (405,19 USD)/tấn vào thứ Năm (29/7/2021) trước khi giảm 2,7% vào thứ Sáu (30/7). Tỷ giá hiện tại mỗi USD ăn 6,4563 nhân dân tệ. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá urê giao ngay hiện ở mức 2.814 nhân dân tệ/tấn, so với mức 2.674 nhân dân tệ/tấn trong tháng 6.

(Reuters; Integer Research)

Xem thêm
Phân Bón Cà Mau trao tặng 3 căn nhà tình nghĩa tại Lai Châu

Ngày 20/11, tại Trung tâm hội nghị văn hóa huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, PVCFC đã trao tặng 3 căn nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo với trị giá 80 triệu đồng/căn.

Sâu hại chính trên dưa hấu và cách phòng trị

Dưa hấu là loại cây trồng cho thu hoạch quanh năm và có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên hay bị các loại sâu hại làm giảm năng suất, chất lượng và mẫu mã...

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?