| Hotline: 0983.970.780

Đau đầu tìm cách kéo giảm giá phân bón

Thứ Tư 25/08/2021 , 06:30 (GMT+7)

An Giang là vựa lúa 'ngốn' lượng phân bón khổng lồ. Tỉnh này đang rốt ráo tìm giải pháp để kéo giá phân bón giảm khi vụ thu đông đang xuống giống rộ.

Giá phân bón cao chưa từng có

Hiện nay ĐBSCL đang cao điểm vào vụ thu đông, nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp vùng ĐBSCL, giá NPK 20-20-15 Ba Con Cò, NPK 20-20-15 Đầu Trâu và NPK 20-20-15 +TE Đầu Trâu ở mức từ 750.000 - 780.000 đồng/bao.

Giá DAP Đình Vũ  (Việt Nam) đang ở mức 760.000 - 780.000 đồng/bao, DAP Philippines giá 810.000 - 830.000 đồng/bao. Nhiều loại DAP nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc có giá lên đến 870.000 - 900.000 đồng/bao; kali cũng khá cao với giá từ 500.000 - 620.000 đồng/bao.

Hiện nay ĐBSCL đang cao điểm vào vụ thu đông, nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay ĐBSCL đang cao điểm vào vụ thu đông, nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong khi đó, loại Urê (đạm) như Đạm Phú Mỹ, Ninh Bình, Đạm Cà Mau tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL có giá bán lẻ lên đến 610.000 - 650.000 đồng/bao. Mức giá này đã tăng tổng cộng hơn 80% so với hồi đầu năm 2021 và tăng gần 100% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhiều loại phân DAP, NPK và kali cũng đã tăng từ 60 - 80% trở lên so với hồi đầu năm 2021 và ở mức cao chưa từng thấy.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đầu ra nông sản khó và giá thấp. Trong khi đó, giá các loại phân bón không ngừng tăng cao, khó khăn cho nông dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã ngồi lại với các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón trong và ngoài tỉnh tìm giải pháp kéo giảm giá phân bón.

An Giang vụ lúa thu đông 2021 toàn tỉnh xuống giống gần 161 ngàn ha. Theo kết quả điều tra, bình quân lượng phân bón sử dụng/ha tại An Giang trong vụ thu đông là 88.830 tấn, trong đó phân Ure 31.761 tấn, NPK 22.302 tấn, DAP 19.787 tấn và kali là 14.978 tấn... Sẽ có 3 giai đoạn cần sử dụng lượng lớn phân bón: Đợt 1 tập trung khoảng 1/9 - 5/9; đợt 2 tập trung trong giai đoạn 15/9 – 20/9 và đợt 3 tập trung giai đoạn 5/10 -10/10.

Giá nhiều loại phân DAP, NPK và kali đã tăng từ 60 - 80% trở lên so với hồi đầu năm 2021 và ở mức cao chưa từng thấy. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá nhiều loại phân DAP, NPK và kali đã tăng từ 60 - 80% trở lên so với hồi đầu năm 2021 và ở mức cao chưa từng thấy. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để kéo giảm giá phân bón trong thời gian tới, An Giang đã đề nghị đến Bộ Công thương chỉ đạo về tình hình cân đối lượng phân bón, thuốc BVTV trong nước và xuất khẩu. Cần làm việc với các DN, tập đoàn sản xuất phân bón trong nước và đề nghị giảm xuất khẩu, ưu tiên phân bón phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Đồng thời, cần làm việc với các công ty trực tiếp sản xuất phân bón trong nước và các đại lý cấp 1 về định hướng giá phân bón trong thời gian tới, cam kết tuyệt đối không tăng giá, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, tích trữ. Bên cạnh đó ngàng nông nghiệp chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng cũng như giá cả phân bón, thuốc BVTV tại các đại lý bán lẻ cho nông dân.

Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân cần tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng chương trình như: IPM, "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng"…, khuyến khích nông dân giảm giống, giảm lượng phân, thuốc BVTV, tưới nước tiết kiệm, khởi động lại chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp (IPM) để sử dụng hiệu quả phân bón trong bối cảnh giá phân bón tăng cao.

Khơi thông vận chuyển để giảm giá

Ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công thương An Giang cho biết: Nhìn chung giá phân bón trên địa bàn tỉnh hiện nay đang ở mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây và tăng khoảng 20 - 70% tùy từng loại so với đầu năm 2021. 

Theo ông Hùng, toàn tỉnh có khoảng 1.200 cửa hàng, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp có bán mặt hàng phân bón, với hơn 15 DN phân phối, kinh doanh phân bón với quy mô lớn trên địa bàn. Với diện tích gieo trồng và lượng tiêu thụ phân bón hàng năm rất lớn, An Giang là một thị trường đầy tiềm năng cho các DN sản xuất, kinh doanh phân bón. Do đó, việc bình ổn thị trường phân bón, ngăn chặn đà tăng giá hiện nay là rất cấp thiết.

Giá phân bón tăng cao đang gây rất nhiều áp lực cho nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá phân bón tăng cao đang gây rất nhiều áp lực cho nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành Công thương An Giang cũng đưa ra 4 giải pháp góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với nông dân. Thứ nhất, các DN sản xuất tiếp tục cố gắng, bảo đảm chạy đúng công suất trên cơ sở bảo đảm an toàn cho công nhân, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với mục tiêu cung cấp đầy đủ phân bón cho thị trường. Phải hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam phải được bán với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhất.

Các DN sản xuất phân bón chủ động đưa phân bón trực tiếp đến nông dân thông qua các HTX để giảm trung gian. Phối hợp với các kênh phân phối tại tỉnh An Giang có các giải pháp bảo đảm lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo cho vụ thu đông và vụ đông xuân sắp tới.

Thứ hai, ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cố gắng chuyển đổi sang các loại phân bón khác kết hợp với việc sử dụng phân hữu cơ, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng.

Thứ ba, Cục Quản lý thị trường của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giảm sát để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng.

Nông dân cho rằng, cần kéo ngay giá Urê xuống, bởi DN trong nước đã đủ khả năng sản xuất và còn dư để xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân cho rằng, cần kéo ngay giá Urê xuống, bởi DN trong nước đã đủ khả năng sản xuất và còn dư để xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ tư, phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực liên tỉnh ĐBSCL tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc vận chuyển, lưu thông mặt hàng phân bón được thông suốt kể cả đường thủy và đường bộ.

Về phía DN, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền chia sẻ: Hiện nay giá phân bón trên thị trường đang tăng cao, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đầu ra nông sản đang gặp khó khăn… Bình Điền đang cắt giảm mọi chi phí tối đa nhằm không tăng giá để chia sẻ và hỗ trợ bà con nông dân.         

Phải kéo ngay giá Urê xuống

Ông Phạm Văn Long, ở xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên (An Giang) có gần 100 ha lúa sản xuất 2 vụ/năm cho biết: Với diện tích sản xuất lúa lớn của gia đình, mỗi vụ cần số lượng phân bón rất lớn. Nếu giá phân bón tăng cao như hiện nay, nông dân làm lúa sẽ không có lãi. Tình trạng kéo dài nông dân sẽ mệt mỏi và sẽ có khả năng bỏ ruộng.

Ông Long đại diện cho nhiều nông dân kiến nghị, ngành chức năng phải khẩn trương vào cuộc để có giải pháp kéo giảm ngay giá các loại phân bón, đặc biệt là phân Urê vốn không còn phải phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu vì các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất có dư để xuất khẩu. Cần tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường phân bón để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, đẩy giá lên cao bất hợp lý.

“Các DN sản xuất, kinh doanh phân bón cần chia sẻ khó khăn với nông dân chúng tôi, đừng quá chú trọng lợi nhuận trước mắt mà có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân và nền sản xuất nông nghiệp nước nhà. DN cần cắt giảm chi phí để hạ giá thành sản xuất, cân nhắc trong việc xuất khẩu phân bón, ưu tiên dành nguồn hàng phục vụ nhu cầu nông dân trong nước, có các chương trình bán hàng ưu đãi, hỗ trợ cho nông dân…” ông Long đề nghị.

                                                                             

Xem thêm
Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE sản xuất theo công nghệ mới

Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE là sản xuất theo công nghệ mới, diệt trừ được nhiều loại cỏ như đuôi phụng, lồng vực, cháo, chác, rau mác, rau mương... rất an toàn.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm