Bộ Chính trị vừa ban hành chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Trong đó, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ đã bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì tự nguyện xin từ chức.
Đây là một chủ trương kịp thời và đúng đắn nhằm góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Hai cơ quan được giao thực hiện việc này một cách đồng bộ là Ban Tổ chức Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tuy nhiên, khuyến khích cán bộ sai phạm xin từ chức không hề đơn giản, vì văn hóa từ chức vẫn còn xa lạ với phần lớn cán bộ hiện nay.
Cán bộ sai phạm có phải nhận thức hành động càn quấy của họ thông qua phê bình và tự phê bình không? Rất hiếm, chủ yếu cán bộ sai phạm bị phanh phui, hầu hết đều nhờ quá trình kiên trì và tận tụy của lực lượng chức năng. Cho nên, phần lớn cán bộ đã bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách, đều không dễ gì tự thấy “năng lực hạn chế” và “uy tín giảm sút”.
Để động viên cán bộ sai phạm xin từ chức, Bộ Chính trị giao cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật. Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu cán bộ từng bị kỷ luật chứng minh bản thân khắc phục tốt những sai phạm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.
Thế nhưng, cánh cửa mở ấy vẫn quá hẹp đối với những cán bộ sai phạm kém thức tỉnh và ít tu dưỡng. Văn hóa từ chức không thể xuất hiện trong những kẻ đã có tư tưởng lệch lạc và lối sống tha hóa. Khi cán bộ sai phạm không chịu từ chức, thì chỉ còn giải pháp là cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Khuyến khích cán bộ sai phạm xin từ chức, giống như bước khởi đầu của quá trình xây dựng văn hóa từ chức trên quan trường. Văn hóa từ chức đề cao sự tự trọng và sự liêm sỉ, đó là hai tố chất tối thiểu của một cán bộ biết cống hiến cho sự nghiệp chung.
Để hình thành văn hóa từ chức, không thể trông chờ vào khả năng giác ngộ đột ngột của từng cá nhân bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách, mà phải được vun đắp từ bản lĩnh đấu tranh ở mỗi đơn vị. Văn hóa từ chức chỉ xuất hiện khi kẻ xấu cảm thấy lạc lõng giữa những người tốt, kẻ gian manh cảm thấy bơ vơ giữa những người ngay thẳng. Muốn vậy, mỗi cán bộ và mỗi đảng viên phải can đảm và bền bỉ đấu tranh với từng biểu hiện tiêu cực xảy ra xung quanh mình.
Văn hóa từ chức, nói cho cùng, là sự phục hồi nhân phẩm đáng trân trọng nhất trong vòng xoáy danh lợi. Nếu đồng nghiệp cứ bao che đồng nghiệp, cấp dưới cứ nể nang cấp trên, thì văn hóa từ chức vẫn chìm khuất và mơ hồ.