“Nhắc đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình, nông dân trong tỉnh luôn dành một tình cảm yêu mến đặc biệt, bởi nơi đâu có hoạt động SX nông nghiệp là nơi đó có dấu chân của cán bộ khuyến nông. Những kỹ sư nông nghiệp sẵn sàng đi chân đất, xắn quần quá gối lội bùn, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới…”.
Xin mượn lời tâm sự của ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm HTXNN Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh để nói lên những hoạt động đầy cống hiến và ý nghĩa của cán bộ khuyến nông Ninh Bình đối với sự phát triển của nền nông nghiệp tỉnh nhà trong suốt 20 năm qua.
Chiến sỹ tiên phong trên mặt trận SX
Khuyến nông Ninh Bình ra đời ngày 24/11/1993 trong một hoàn cảnh đặc biệt. Khi ấy tỉnh Ninh Bình mới được tái lập (tách từ tỉnh Hà Nam Ninh ngày 1/4/1992), lương thực thiếu thốn, lâm nghiệp và thuỷ sản chưa phát triển.
Đứng trước những thử thách đó, TTKN đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình trình diễn trồng trọt, chăn nuôi và tập huấn kỹ thuật cho nông dân.
Từ những kết quả của dồn điền đổi thửa, nhiều cánh đồng mẫu lớn đã hình thành; từng khâu trong quá trình SX dần được cơ giới hoá, góp phần hiện đại hoá nông nghiệp, thay đổi tư duy SX thủ công, manh mún của nông dân.
Ông Trần Văn Bách, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình tự hào: Nông nghiệp, nông thôn Ninh Bình sau hơn 20 năm phát triển đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng, phát triển khá toàn diện. Giá trị SX ngành nông nghiệp đã tăng từ 842 tỷ đồng năm 1992 lên 1.905 tỷ đồng năm 2012 (gấp 2,26 lần)… Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; phát triển nhiều mô hình kinh tế mới có hiệu quả; góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Để có những thành tích trên, ông Bách nhấn mạnh đến sự đóng góp tích cực và hết sức quan trọng của hệ thống khuyến nông Ninh Bình, bởi đây là lực lượng tiên phong, là chiến sỹ trên mặt trận SX; luôn bám sát ruộng vườn, đồng hành, chia sẻ gắn bó mật thiết với nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Cùng nông dân làm giàu
Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc TTKN Ninh Bình cho biết: Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của trồng trọt, những tiến bộ kỹ thuật mới về giống được quan tâm và trở thành yếu tố tạo nên bước đột phá.
Trung tâm đã xây dựng các mô hình thâm canh lúa chất lượng và từng bước đưa các giống lúa chất lượng vào SX như LT2, Bắc thơm 7, TBR1, BC15, TBR45, QR1, RVT... góp phần nâng cao giá trị thu hoạch trên đơn vị canh tác. Năng suất lúa năm 2011 đạt trung bình trên 120 tạ/ha/năm, tăng 2,4 lần so với năm 1991.
Trình diễn công cụ sạ hàng tại huyện Nho Quan
Cùng với đó, các giống ngô lai, đậu tương, rau màu và nấm các loại cũng được đưa vào SX nhằm đa dạng cây trồng, đặc biệt là SX vụ đông. Giá trị SX nông nghiệp trên 1 ha canh tác năm 2011 đạt 86 triệu đồng, một số nơi đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Các tiến bộ về kỹ thuật thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ như gieo mạ xuân, trồng lạc che phủ nilon, gieo đậu tương đông trên đất 2 lúa… cũng được cán bộ khuyến nông chuyển giao nhằm phát huy hết tiềm năng của giống và phù hợp từng điều kiện SX, giảm chi phí đầu tư cho nông dân.
Từ kết quả những mô hình hỗ trợ về máy làm đất và máy gặt đập liên hợp, năng suất, chất lượng và hiệu quả SX tăng rõ rệt, nông dân rất phấn khởi và tích cực đầu tư mở rộng. Đến nay trên toàn tỉnh có trên 5.500 máy làm đất các loại đã giải quyết được cơ bản khâu làm đất đảm bảo về tiến độ và chất lượng. Đã có gần 200 máy gặt đập liên hợp, đảm bảo thu hoạch được 25% diện tích lúa; đưa 3 máy cấy và 6 máy sấy đảm bảo tiến tới cơ giới hóa đồng bộ trong SX.
Ông Trung chia sẻ: Nhiều chương trình khuyến nông chăn nuôi đạt được những kết quả nổi bật. Điển hình như chương trình cải tạo đàn dê theo hướng thịt, cải tạo tầm vóc đàn bò theo hướng Zebu, nuôi lợn ngoại siêu nạc và con nuôi đặc sản khác...
Nhiều mô hình được đầu tư về cơ sở vật chất và kỹ thuật, bước đầu áp dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi như mô hình chăn nuôi gà ATSH; lợn hướng nạc theo VietGAHP; sử dụng đệm lót vi sinh trong chăn nuôi gà, lợn...
Nuôi gà trên nền đệm lót sinh học tại xã Ninh Hải, Hoa Lư
Hoạt động khuyến ngư được triển khai có trọng điểm bằng việc phát triển nuôi trồng nhiều loại thủy sản có giá trị. Khai thác có hiệu quả các vùng nuôi trồng thủy sản ở bãi bồi Kim Sơn (đặc biệt là nuôi tôm sú, cua biển, ngao), mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, cá -lúa ở Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô.
Sau 8 năm triển khai Dự án Khí sinh học trong ngành chăn nuôi, khuyến nông tỉnh đã xây dựng được gần 5.000 công trình cơ bản giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, cung cấp được nguồn năng lượng trong sinh hoạt, phụ phẩm trong SX nông nghiệp.
Không ngừng nâng cao giá trị SX
Là một trong những đơn vị được cán bộ khuyến nông tham mưu các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, HTXNN Hợp Tiến đã hoàn thành dồn điền đổi thửa và xây dựng được cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha nhờ trồng lúa giống chất lượng cao, ngô ngọt, khoai tây sạch, SX nấm…
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm HTXNN Hợp Tiến hồ hởi: “Để có được thành công ấy, ngoài sự nỗ lực của Ban quản trị HTX, sự cố gắng của nhân dân, còn có những đóng góp to lớn của cán cán bộ khuyến nông và chính quyền”.
Cũng nhờ sự tư vấn và giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ khuyến nông, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Điển hình như trường hợp của anh Nguyễn Văn Kỷ, chủ trang trại tại xã Phú Long, huyện Nho Quan. Từ những ngày đầu khởi nghiệp với diện tích nhận thầu là 22 ha của nông trường Đồng Giao, anh đã đưa nhiều cây trồng, vật nuôi vào trang trại của mình. Nhưng thành công cũng có mà thất bại cũng nhiều.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Phú Long, Nho Quan
“Thông qua lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả… các cán bộ khuyến nông đã định hướng cho tôi phát triển trang trại theo hướng tổng hợp và các biện pháp kỹ thuật thâm canh cũng như giá cả thị trường nông sản...
Tôi đã mạnh dạn đưa một số loại cây trồng, con nuôi có giá trị vào trang trại như bưởi Diễn, ổi Thái Lan, hồng Nhân Hậu, lợn rừng, thanh long ruột đỏ… Đến nay trang trại tổng hợp của tôi đã có 4 ha trồng ổi Thái Lan xen canh bưởi Diễn, 2 ha hồng Nhân Hậu, đàn lợn rừng với 800 con; đặc biệt mô hình thanh long ruột đỏ từ 2 ha đã nhân lên 10 ha…”, anh Kỷ chia sẻ.
Với những thành tích xuất sắc vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, khuyến nông Ninh Bình đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, trung tâm lại tiếp tục đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Đó là nguồn động viên, khích lệ tinh thần to lớn để cán bộ khuyến nông hăng say hoạt động và gặt hái được nhiều thành tích lớn lao hơn trong những năm tới.
Trong năm 2014, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, trực tiếp là Sở NN-PTNT, TTKN Ninh Bình sẽ tập trung vào nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng và thực hiện các chương trình khuyến nông tập trung phục vụ các chương trình mục tiêu theo hướng tăng cường áp dụng KHCN để nâng cao chất lượng, VSATTP, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị SX. Trước hết là tập trung cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các tiểu vùng có nhiều tiềm năng phát triển, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Ninh Bình như gạo thơm Hương Bình, dê núi Ninh Bình, ngao Kim Sơn, gà đồi Nho Quan... |