| Hotline: 0983.970.780

Nữ doanh nhân 'chẳng giống ai' với trang trại 22ha trên cao nguyên

Thứ Hai 27/01/2025 , 17:04 (GMT+7)

Bằng cách làm 'chẳng giống ai', chỉ trong vòng 8 tháng, trang trại quy mô 22ha với hàng chục loại rau, củ, quả của nữ doanh nhân này đã đạt tiêu chuẩn canh tác GlobalGAP.

Đó là nữ doanh nhân trẻ Bùi Thị Khánh Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông (DNo farm), ở xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, 1 trong 20 doanh nhân vừa được Viện Khoa học phát triển nhân lực kinh tế - văn hóa thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam trao bảng vàng “Doanh nhân - Tri thức tiêu biểu Việt Nam, doanh nghiệp xuất sắc xây dựng môi trường xanh năm 2024”.

Nữ doanh nhân trẻ Bùi Thị Khánh Hòa tại farm dâu tây. Ảnh: Hồng Thủy.

Nữ doanh nhân trẻ Bùi Thị Khánh Hòa tại farm dâu tây. Ảnh: Hồng Thủy.

Chị Hòa có những cách làm độc đáo, “chẳng giống ai”, nhưng kết quả thể hiện chị là người có kiến thức nông nghiệp không thua ai. Cùng với đam mê, bản lĩnh, chị đã giúp mô hình đạt chuẩn GlobalGAP chỉ trong chưa đến 1 năm.

Hệ sinh thái xanh tiêu biểu

Từ con đường chạy dọc dãy đồi, nhìn xuống dưới thung lũng, sẽ thấy những dãy nhà màng trồng rau, củ, quả của DNo farm - một hình ảnh hiếm gặp tại Đắk Nông.

Nữ doanh nhân Khánh Hòa sinh năm 1985, vốn đam mê làm vườn từ nhỏ, nhưng lớn lên lại học ngành quản trị kinh doanh. Ra trường, chị từng làm Tổng giám đốc một tập đoàn 6-7 ngàn người với mức lương khủng.

Đến khi Dịch Covid-19 bùng phát, chị cùng gia đình về trang trại ở Đắk Nông “tránh dịch”. Đây là khoảng thời gian kế hoạch xây dựng trang trại xanh trên khu đất của gia đình hình thành. Tháng 3/2022, DNo farm chính thức ra đời.

“Khi đó, tôi có nói với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông là sẽ lấy chứng nhận GlobalGAP trong vòng 2 năm, nhưng chỉ 8 tháng sau đã lấy được. Đến mức nhiều người không tin, còn nói tôi copy tờ chứng nhận đó. Tôi bảo có đường link trên chứng nhận, bấm vào đó kiểm tra là biết, lúc đó mọi người mới tin”, chị Hòa kể.

Vườn ớt ngọt chất lượng cao tại DNo farm. Ảnh: Hồng Thủy.

Vườn ớt ngọt chất lượng cao tại DNo farm. Ảnh: Hồng Thủy.

DNo farm đầu tư ban đầu hết 37 tỷ đồng, trong đó có 15.000m2 nhà màng, với hệ thống tưới tiêu tự động và công nghệ khử khuẩn hiện đại từ Israel và Nhật Bản. Chị Hòa dự kiến sẽ thu hồi vốn sau 5 năm. Nhưng năm đầu tiên thu hoạch đã có lãi 1,5 tỷ đồng. Năm thứ 2, tức năm 2023, doanh thu đạt gần 12 tỷ, lợi nhuận hơn 4 tỷ. Còn năm 2024, chị Hòa cho biết, chưa tổng hợp nhưng chắc cao hơn.

“Tôi mong muốn có nhiều người cùng làm nông nghiệp sạch, nên sẵn sàng chia sẻ những kiến thức, những gì đã trải qua, đã đạt được”, chị Bùi Thị Khánh Hòa.

Ngay từ khi bắt đầu, chị Hòa đã lập kế hoạch canh tác chuẩn GlobalGAP, vì thế, các loại cây trồng của farm không sử dụng bất cứ thứ gì liên quan đến hóa chất, và đều do tay chị tìm hiểu, nghiên cứu.

Chị cho biết: “Tôi dùng đạm đậu, đạm cá, dung dịch từ trứng, sữa để ngâm, ủ, làm dinh dưỡng phun cho cây. Dùng cau, gừng, xả ớt, ngâm ủ theo công thức để phun xịt cho cây để xua đuổi côn trùng, sâu bệnh chứ không dùng bất cứ loại thuốc nào ngoài thị trường. Vì thế, rau củ quả ở đây vừa phun xịt xong có thể hái ăn ngay được”.

Chất lượng vượt trội

Chị Hòa khẳng định, do quy trình canh tác theo cách riêng, nên tất cả các sản phẩm tại farm đều có chất lượng vượt trội.

“Dưa hấu baby là giống Thái Lan. Nhưng dưa trồng ở đây ngon hơn dưa chính gốc, mà giá chưa bằng 1 nửa. Bên Thái Lan có giá 140.000 đ/kg, ở đây chỉ 55.000 đ/kg. Hồi mới thu hoạch vụ đầu, tôi gửi dưa cho đối tác cung cấp giống bên Thái, họ ăn xong, hỏi bí quyết nào mà tôi trồng dưa ngon hơn họ? Tôi trả lời, chỉ canh tác theo cách của nông dân Việt Nam”, chị Hòa kể.

Tôi hỏi: “Vậy bí quyết để trái dưa ở đây ngon hơn chính gốc là gì?”. Chị đáp: “Ngoài canh tác theo quy trình GlobalGAP và chất dinh dưỡng tôi ngâm ủ theo công thức riêng, thì có lẽ còn những yếu tố khách quan nữa, như khí hậu, thổ nhưỡng”.

Vườn dưa lưới baby cho chất lượng cao hơn 'chính gốc'. Ảnh: Hồng Thủy.

Vườn dưa lưới baby cho chất lượng cao hơn "chính gốc". Ảnh: Hồng Thủy.

Tại nông trại, dinh dưỡng cho cây là xơ dừa trộn phân tằm ủ sinh học. Các loại cây ăn quả trồng trên giá thể như dưa, dâu tây, được phối trộn 1 nửa là xơ dừa, nửa còn lại là phân tằm. Nước tưới cũng được kiểm soát, xử lý về độ tinh khiết, đảm bảo không có kim loại nặng. Các loại rau được phun đạm đậu, đạm cá, sữa chua, trứng gà ủ.

Kiến thức nông nghiệp của chị Hòa thể hiện ở quy trình canh tác, điều chế, ngâm ủ và sử dụng các chế phẩm chăm sóc cây. Đặc biệt là cách làm nhà màng “không giống ai”.

Dẫn tôi đến nhà nhà màng trồng dưa, chị Hòa giới thiệu: “Điểm khác biệt của nhà màng trồng dưa ở đây là nền được lót một lớp cát dày, tiếp theo là lớp đá mi nhỏ, sau cùng mới trải bạt”.

“Vì sao phải làm thế?”, tôi hỏi. “Do đất ở đây là đất sét dẻo, hút nước rất kém, trong khi vùng này mỗi năm có 6 tháng mưa, nếu không xử lý, nền sẽ đọng nước, cây dễ bệnh, chết, trái dưa nhạt hơn”, chị Hòa đáp.

“Chị học những kiến thức này từ đâu?”. Chị cười: “Do sống ở đây lâu nên tôi hiểu đất thôi. Trước khi làm, tôi đã đi tham quan những mô hình nhà màng ở Đắk Nông, thấy họ chỉ làm nhà màng rồi trồng trực tiếp trên đất, hoặc chỉ trải bạt rồi trồng. Làm như vậy chi phí đầu tư thấp, nhưng nền sẽ bị đọng nước, cây dễ bệnh, năng suất thấp và trái không ngon.

Còn làm như tôi, chi phí tăng, tốn nhiều công hơn, nhưng bù lại, nền không bị đọng nước, sản phẩm chất lượng hơn. Nhờ cây ít bệnh nên năng suất ổn định hơn, tôi có thể ước tính tương đối chính xác sản lượng khi dưa mới ra bông. Đây là yếu tố quan trọng để có nguồn hàng, khách hàng ổn định để phát triển bền vững”.

Dinh dưỡng cho các loại cây trồng tại DNo farm kết hợp nhiều chất, với công thức riêng do chị Hòa tự nghiên cứu. Ảnh: Hồng Thủy.

Dinh dưỡng cho các loại cây trồng tại DNo farm kết hợp nhiều chất, với công thức riêng do chị Hòa tự nghiên cứu. Ảnh: Hồng Thủy.

Dẫn chúng tôi đến nhà màng trồng dâu tây, chị kể: “Trước khi trồng dâu tây, tôi lên tận Đà Lạt, tìm đến hội nhóm dâu tây học hỏi kinh nghiệm, đến khi có sản phẩm, tôi gửi lên làm quà và nhờ nhận xét, họ không tin đó là dâu tây do tôi trồng, lại ở vùng đất ngoài Đà Lạt. Tôi chắc với anh là mùi dâu này không có trên thị trường”.

"Trang trại của DNo farm là một mô hình tiên phong tiêu biểu của tỉnh, rất đáng khuyến khích và lan tỏa. Quy trình sản xuất khép kín của chị Hòa góp phần định hướng của tỉnh Đắk Nông về khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp xanh, từ đó phát triển kinh tế bền vững”, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất