| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông Quảng Ninh làm nhiều mô hình hiệu quả

Thứ Tư 13/02/2019 , 10:05 (GMT+7)

Năm 2018, lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã nỗ lực thực hiện chủ đề công tác năm về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” với nhiều nội dung, giải pháp hiệu quả.

ruoi-qninh110458910
Mô hình canh tác rươi - lúa hữu cơ

Trong đó, hoạt động khuyến nông tập trung vào các nội dung: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên của cán bộ và nông dân; nâng cao hiệu quả quản ý nhà nước về môi trường...

Công tác đào tạo huấn luyện và thông tin tuyên truyền: Đã phối hợp, tổ chức 35 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo chuyên môn phổ biến kiến thức, kỹ thuật cho 1.081 học viên. Qua các nội dung đào tạo huấn luyện về nông nghiệp đã giúp cho hàng ngàn lượt cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông và nông dân trên địa bàn toàn tỉnh có thêm các thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật mới, góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp phục vụ công tác sản xuất ở địa phương. Đăng tải 45 tin, bài trên báo giấy, báo điện tử; xây dựng và phát sóng 6 chuyên đề khoa giáo tuyên truyền...

Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt: Thực hiện 05 mô hình/dự án, trong đó có thể kể đến một số mô hình/dự án tiêu biểu như: Dự án Phát triển vùng trồng cam chất lượng cao tập trung tại huyện Vân Đồn, Đầm Hà giai đoạn 2015-2018; Mô hình trồng dong riềng giống DR3-10; Mô hình trồng cây ăn quả (táo, na dai, ổi) theo kỹ thuật và công nghệ Đài Loan; Mô hình tưới tiết kiệm cho cây cam; Mô hình trồng rau súp lơ chịu nhiệt.

Qua đánh giá kết quả các dự án, mô hình cho thấy, cây sinh trưởng, phát triển khỏe, độ đồng đều cao, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với các giống cây được trồng đại trà. Mô hình tưới tiết kiệm cho cây cam giúp giảm được trên 30% lượng nước tưới so với tưới thủ công thông thường, giảm chi phí nhân công, giảm thời gian tưới nước, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Mô hình trồng rau súp lơ chịu nhiệt cho thấy cây sinh trưởng, phát triển khỏe, độ đồng đều cao, thân mập, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với các giống được trồng đại trà của địa phương từ 15 – 20 ngày; màu sắc đẹp, chất lượng sản phẩm rau tốt (giòn, thơm); đặc biệt đây là giống súp lơ trồng trái vụ trong điều kiện thời tiết nóng (từ tháng 3 đến tháng 9) nên rất phù hợp để luân canh tăng vụ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, tận dụng được tiềm năng, lợi thế của các địa phương, việc thích ứng trồng trái vụ cũng giúp rải vụ, giảm áp lực tiêu thụ...

Lĩnh vực chăn nuôi: Triển khai 02 mô hình là cải tạo đàn trâu bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và chăn nuôi giống vịt biển 15 Đại Xuyên. Các mô hình này áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nên vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Mô hình cải tạo đàn trâu bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo giúp nghé  sinh ra nặng hơn khoảng 10% so với nghé sinh bằng thụ tinh tự nhiên; khắc phục được những nhược điểm của đàn trâu địa phương như tầm vóc nhỏ, tốc độ sinh trưởng chậm và thành thục muộn. Với mô hình nuôi vịt biển 15 Đại Xuyên đã góp phần mở ra hướng đi mới cho những vùng đất mặn, lợ ven biển. Chất thải trong chăn nuôi được xử lý, giảm thiểu mùi hôi và ô nhiễm nguồn nước do các khu chăn nuôi tập trung.

Lĩnh vực lâm nghiệp: Thực hiện 04 mô hình/dự án, gồm: Dự án Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung; dự án xây dựng mô hình chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn và chăm sóc rừng trồng thâm canh gỗ lớn; dự án xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc; mô hình trồng quế, hồi năng suất cao. Nhìn chung các dự án/mô hình cây lâm nghiệp hiện đang trong giai đoạn chăm sóc; cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt cao.

Đặc biệt qua hơn 3 năm triển khai, các mô hình phát triển rừng gỗ lớn đã bước đầu mang lại lợi ích kép: nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái một cách bền vững, qua đó cũng góp phần tận dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng và giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm của chính quyền và người dân trong phát triển kinh tế rừng.

Lĩnh vực thủy sản: Đã thực hiện 05 mô hình trong đó có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như mô hình nuôi tôm hai giai đoạn; mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm; mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh; mô hình canh tác rươi - lúa hữu cơ có bổ sung rươi giống; mô hình ứng dụng đèn Led cho tàu khai thác thủy sản xa bờ. 

Đến nay, có thể nói các mô hình nuôi thủy sản được người dân các vùng nuôi đánh giá rất cao về phương thức và hiệu quả nuôi. Đây là tiền đề quan trọng trong việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho các sản phẩm đặc hữu có giá trị kinh tế cao; bên cạnh việc quản lý chặt chẽ về các vấn đề kỹ thuật giúp ổn định môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Đối với mô hình ứng dụng đèn Led cho tàu khai thác thủy sản xa bờ, qua theo dõi, đánh giá quá trình khai thác thử nghiệm cho thấy ánh sáng cho màu ổn định, phù hợp và an toàn cho người lao động, tiết kiệm được lượng nhiên liệu so với sử dụng đèn truyền thống. Mô hình đã tạo một bước phát triển mới trong ứng dụng công nghệ Led vào khai thác hải sản kết hợp ánh sáng, giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm của chính quyền, ngư dân về phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả và định hướng việc phát triển nghề khai thác.

Ngoài các nội dung trên, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã phối hợp với các công ty công nghệ sinh học để cung cấp chế phẩm vi sinh cho nông dân trên địa bàn toàn tỉnh để giảm thiểu việc sử dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sạch.

Bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện chủ đề công tác năm 2018 của Trung tâm Khuyến nông đã góp phần tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.