| Hotline: 0983.970.780

Kích cầu công nghệ mới khai thác hải sản

Thứ Hai 25/07/2016 , 14:20 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị chuyển giao, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong đánh bắt hải sản cho ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.


Cơ giới hóa trang bị giúp giảm nhẹ sức lao động cho ngư dân (Ảnh minh họa)

 

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu có lực lượng tàu cá khá lớn, gần 45.800 chiếc, trong đó có 66,4% tàu có công suất trên 90CV. Hầu hết là tàu vỏ gỗ, lắp máy cũ, máy bộ, khả năng hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu rất kém. Có hơn 90% tàu được trang bị tời ma sát, cẩu, la bàn, máy định vị vệ tinh, máy thông tin liên lạc, hầm cách nhiệt bảo quản sản phẩm.

Một số tàu lớn đánh bắt xa bờ có trang bị thiết bị và máy móc khá hiện đại như máy dò cá ngang, ra đa, máy thông tin tầm xa, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực. Tuy nhiên, những trang thiết bị kể trên chưa thể đáp ứng được hoạt động của nghề cá, nhất là trong điều kiện các ngư trường truyền thống đã suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Thêm vào đó, lực lượng tàu cá trong vùng ngày càng tăng, dẫn tới thiếu hụt trầm trọng lao động trên biển. Do đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động nghề cá nhằm giảm sức lao động càng trở nên bức bách.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trăn trở, Bình Định là tỉnh có đội tàu đánh bắt thủy sản khá hùng hậu. Tuy nhiên, hầu hết các tàu đều có máy móc và trang thiết bị cũ kỹ, không phù hợp với điều kiện đánh bắt hiện nay.

“Máy tàu cũ kỹ đã cho thấy nhiều bất cập, tháng nào cũng có đến vài chục trường hợp tàu cá của ngư dân đang đánh bắt thì bị hỏng máy, phải được tàu bạn lai dắt vào bờ. Tàu bị hỏng máy không đánh bắt được đã đành, chiếc tàu lai dắt tàu bị hỏng cũng không làm ăn gì được đã làm ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt hải sản của địa phương”, ông Châu cho biết.

Theo ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - công nghệ (Tổng cục Thủy sản), hầu hết các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trên thế giới có điều kiện áp dụng phù hợp với nghề cá Việt Nam đã được nghiên cứu, thử nghiệm tại nhiều địa phương. Nổi bật là công nghệ, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm đông lạnh sâu cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, công nghệ tiên tiến nói trên được triển khai trên 2 tàu câu cá ngừ đại dương của Cty TNHH Hải Vương, vừa làm nhiệm vụ thu mua, liên kết với 2 ngư đội Sinh Tồn và Trường Sa Lớn, mỗi ngư đội có 3 tàu hoạt động khai thác. Sản phẩm của các tàu cá trong 2 ngư đội được 2 tàu của công ty Hải Vương thu mua, bảo quản trực tiếp trên tàu mẹ.

“2 tàu thu mua của Cty Hải Vương được trang bị hệ thống hầm cấp đông đến âm 45 độ C và bảo quản lạnh âm 35 độ C. Mỗi tàu có 8 hầm bảo quản với hệ thống máy cấp đông hoạt động liên tục cả ngày đêm. Bên cạnh đó, tàu còn được trang bị thêm hệ thống thông tin liên lạc hiện đại đang được sử dụng tại các nước, vùng lãnh thổ phát triển mạnh nghề đánh bắt hải sản như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Được bảo quản bằng công nghệ tiên tiến, khi tàu cập bờ, sản phẩm cá ngừ đại dương của Cty Hải Vương tươi như vừa đánh bắt từ dưới biển lên”, ông Én cho biết.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều địa phương, để ngư dân có thể tiếp cận được với các thiết bị hiện đại trong nghề đánh bắt thủy sản, phải cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể là Nghị định 67 của Chính phủ cần được kéo dài thời gian thực hiện. Được như thế thì ngư dân mới có điều kiện mua sắm trang thiết bị tiên tiến một cách đồng bộ, từng bước hiện đại hóa nghề cá.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám: Tập hợp ý kiến của các địa phương, sau hội nghị này Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ về sửa đổi một số cơ chế chính sách để thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ trong nghề đánh bắt hải sản. Đề nghị sửa Nghị định 67 để bổ sung chính sách hỗ trợ nhập công nghệ khai thác hải sản đồng bộ từ nước ngoài; tăng mức hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc bảo quản sản phẩm trên tàu cá...

 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.