Do xuất phát điểm thấp, ngành chăn nuôi ở Bắc Kạn chủ yếu tập trung ở các nông hộ, quy mô nhỏ (chiếm khoảng 70%). Suốt nhiều năm qua, chăn nuôi nhỏ lẻ bộc lộ nhiều hạn chế như giá trị kinh tế thấp, khó áp dụng khoa học kỹ thuật, khó đáp ứng các yêu cầu về phòng dịch bệnh.
Hai năm gần đây, chăn nuôi ở Bắc Kạn đã dần chuyển dịch sang các trang trại do các hợp tác xã, doanh nghiệp vận hành, trong đó chủ yếu là các trang trại nuôi lợn.
Trang trại nuôi lợn bản địa của anh Chu Quang Phúc, xã Đồng Thắng (huyện Chợ Đồn) nhiều năm nay luôn duy trì tổng đàn trên 100 con. Trang trại sử dụng các loại thức ăn tự nhiên, không sử dụng cám công nghiệp. Nuôi loại lợn này phải kết hợp vừa có chuồng trại vừa thả vườn hoặc trên đồi.
Anh Phúc cho biết, trang trại của gia đình hướng đến nhóm khách hàng cần lợn chất lượng cao, giá lợn hơi luôn đạt từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Nuôi lợn kiểu bán hoang dã này lợn lớn chậm hơn nhưng chất lượng thịt thơm ngon, khách hàng rất ưu chuộng.
Ba năm gần đây, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 16 dự án chăn nuôi lợn của 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, quy mô 20.000 lợn nái và 249.000 lợn thịt/năm, tổng vốn đăng ký gần 1.800 tỷ đồng.
Đến nay, đã có gần 10 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, các dự án này phát huy được hiệu quả, góp phần phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tập trung trên địa bàn. Tổng đàn lợn của các doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm gần 30% tổng đàn lợn toàn tỉnh.
Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, chủ trương của tỉnh là thu hút những doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, bài bản, có năng lực tài chính đảm bảo, chăn nuôi lợn công nghệ cao, hạn chế thấp nhất các dự án chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Chỉ thu hút dự án chăn nuôi lợn vào những vùng đã được quy hoạch theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh việc phát triển các trang trại, tỉnh Bắc Kạn cũng thu hút các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng nhà máy, cơ sở giết mổ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 cở sở giết mổ gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện còn ít các nhà máy giết mổ chế biến các sản phẩm từ thịt lợn và thịt trâu, bò quy mô lớn. Thị trường tiêu thụ trâu, bò chủ yếu ngoài tỉnh và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Sau gần 5 năm thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, lĩnh vực chăn nuôi ở Bắc Kạn đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, an toàn dịch bệnh gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành chăn nuôi dần thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, số lượng gấp nhiều lần giai đoạn trước.
Các chỉ tiêu về phát triển mới trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi, số con xuất bán, sản lượng thịt hơi trong chăn nuôi đều vượt mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2020 – 2025.
Đến tháng 10/2024, tổng đàn trâu, bò, ngựa gần 45.400 con, đàn lợn gần 135.500 con, đàn dê là hơn 25.000 con, đàn gia cầm hơn 2 triệu con. 10 tháng năm 2024, sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 14.000 tấn, trong đó khối lượng xuất bán của các công ty, hợp tác xã là gần 2.400 tấn.
Giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu xây dựng 25 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô vừa và nhỏ, đến nay đã đạt 32 trang trại, đối với trang trại nuôi lợn thực hiện được 45/42 trang trại.