| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát chặt người ra vào TP.HCM nhưng đảm bảo lưu thông hàng hóa

Thứ Hai 05/07/2021 , 18:06 (GMT+7)

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần tăng cường kiểm soát chặt người ra vào TP.HCM, nhưng đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP.

Sáng 5/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp trực tuyến với TP.HCM về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, trước bối cảnh TP.HCM liên tục ghi nhận số ca mắc nhiều nhất cả nước trong những ngày gần đây.

Tại điểm cầu TP.HCM có sự tham dự của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo HĐND, UBND TP.HCM và một số sở, ngành liên quan của TP.HCM.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tinh thần Chính phủ luôn đồng hành cùng TP.HCM chống dịch. 

Ông cho rằng, hiện nay số lượng ca bệnh Covid-19 tại TP.HCM đang tăng nhanh, cần thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng đều từ các cấp cơ sở. 

Hiện nay, TP.HCM đang nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh, cùng với việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10/CT-UBND, Phó Thủ tướng lưu ý, TP.HCM phải khẩn trương thống nhất với Bộ Y tế, các bộ, ngành, các địa phương khẩn trương thống nhất, sớm hoàn thành hướng dẫn về các biện pháp kiểm soát liên quan đến hoạt động đi lại cho người dân. 

Người ra vào TP.HCM phải có "giấy thông hành", có thông tin về tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 hay chưa, phải có giấy xét nghiệm Covid-19 và khai báo y tế. "Tất cả mọi phương tiện, người ra vào TP.HCM phải được kiểm soát", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 khuyến nghị, người dân nơi khác chỉ đến TP.HCM khi thực sự cần thiết và phải xét nghiệm Covid-19.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành Y tế và ngành Thông tin - Truyền thông cần phối hợp nghiên cứu để triển khai việc cấp mã QR Code cho các đối tượng đã có kết quả xét nghiệm, góp phần thuận lợi trong quá trình người dân ra/vào hoặc đến các địa điểm, khu vực trong TP.HCM. Việc xét nghiệm tầm soát diện rộng trong tình hình đang có nhiều điểm giãn cách, phong tỏa phải có phương án phù hợp hơn.

Việc khai báo y tế, địa phương rà soát xem đã triển khai toàn dân hay chưa? Ở những nơi nào chưa có khai báo điện tử thì khẩn trương hỗ trợ để người dân thực hiện khai báo y tế bằng giấy đầy đủ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, việc thực hiện giãn cách, phong tỏa cần phù hợp với tình hình thực tế và phải có hướng dẫn cụ thể cho người dân; khuyến khích và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để góp phần rút ngắn thời gian thực hiện các khâu như khai báo y tế, kiểm soát, xét nghiệm, tiêm chủng...; tăng cường truyền thông để người dân nắm bắt kịp thời diễn biến của dịch bệnh và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Về test nhanh kháng nguyên, năng lực của TP.HCM có thể đạt được 150.000 - 200.000 mẫu/ngày, tuy nhiên ngành y tế địa phương cần cân nhắc, xác định rõ trường hợp nào, khu vực nào sử dụng test nhanh, PCR mẫu gộp hoặc PCR mẫu đơn để đạt hiệu quả cao trong truy tìm F0 tiềm ẩn trong cộng đồng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các Sở - ngành TP tiếp thu nghiêm túc các góp ý, ý kiến trao đổi tại cuộc họp để rút kinh nghiệm và điều chỉnh các giải pháp sao cho hiệu quả nhất.

Về lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị ngành Y tế cần triển khai có trọng tâm, trọng điểm và trả kết quả nhanh để hỗ trợ cho công tác truy vết, khoanh vùng và điều tra dịch tễ. Đồng thời, xem xét việc kết hợp giữa test nhanh và xét nghiệm PCR khẳng định để đảm bảo tính chính xác cao hơn.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng, sở, ngành chuyên môn rà soát lại các biện pháp, phương án, kế hoạch để tham mưu cho Thành phố; với những vấn đề đã có chỉ đạo và quy định từ Trung ương, cần nghiên cứu triển khai cụ thể, hiệu quả; những vấn đề chưa được quy định thì khẩn trương đề xuất phù hợp với thực tiễn tình hình.

Liên quan đến Công điện 973 ngày 30/6/2021 của Bộ Y tế về tăng cường phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2 đối với người trên phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh. Trong đó, có yêu cầu người điều khiển phương tiện đến/đi ra từ khu vực phong tỏa, ổ dịch thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên 2 lần vào thời điểm trước khi đi và khi quay trở lại.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, để thực hiện quy định này cần phải có sự đồng bộ, trong đó xem xét việc cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để sử dụng như giấy thông hành đi lại. Vì vậy, đề nghị Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các tỉnh, thành cùng thực hiện Công điện này.

Sở Y tế TP.HCM nhận định, trước xu hướng số bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám các cơ sở y tế. Điều này cho thấy, tác nhân gây bệnh đã có ở khắp TP.HCM và số ca bệnh trong vùng phong tỏa ngày càng tăng nhanh.

Do đó, ngành Y tế TP.HCM cho rằng, để kiểm soát dịch bệnh cần có những biện pháp quyết liệt như thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị số 10; Những khu vực đang phong tỏa phải thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn cách ly tế vùng có dịch Covid-19; Tăng cường quản lý, giám sát phòng, chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp; các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải có giải pháp triệt để phòng ngừa lây lan cho các tiểu thương, người mua và nhân viên quản lý, hậu cần của chợ; khu nhà trọ ở các quận huyện cho các công nhân cần có giải pháp giãn cách để tránh lây lan; Tăng cường phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung để hạn chế số lượng bệnh nhân nhằm tránh quá tải hệ thống bệnh viện...

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất