| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát cholesterol

Chủ Nhật 24/09/2017 , 07:15 (GMT+7)

Cholesterol cao không có biểu hiện rõ ràng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể. Nhìn chung quá nhiều cholesterol có thể dẫn đến sự tích tụ các mảng bám trong động mạch, được gọi là xơ vữa động mạch. Các mảng bám này gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đau tim, đột quỵ.

08-12-47_tr41
Ảnh minh họa

Cholesterol đến từ hai nguồn cơ thể và thức ăn, hoặc chỉ một yếu tố cũng khiến cholesterol tăng cao. Một vài người có thể kế thừa gene khiến cơ thể sản sinh ra quá nhiều cholesterol. Với những người khác, chế độ ăn uống mới là yếu tố quyết định. Chất béo bão hòa và lượng cholesterol có sẵn trong thực phẩm gồm thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa.

LDL (thường được gọi là cholesterol “xấu”) là loại có xu hướng tích tụ trên các thành động mạch. Các tế bào bạch cầu kết hợp với LDL, tạo thành mảng bám động mạch, làm hạn chế lưu lượng máu. Mức LDL tối ưu cho hầu hết mọi người là 100mg/dL hoặc thấp hơn. Nếu bị bệnh tim mạch, bạn phải cố gắng duy trì để có mức LDL bằng hoặc thấp hơn 70mg/dL.

HDL được coi là cholesterol “tốt” vì nó có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol thừa từ các mảng bám về gan tiêu hủy. HDL càng cao thì càng tốt, sẽ giảm được nguy cơ ngừng tim và tai biến. Mức HDL từ 60mg/dL trở lên có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim. Ngược lại, HDL ở mức 40mg/dL hoặc thấp hơn được coi là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim.

Triglyceride là những hợp chất hóa học cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết cho sự chuyển hóa. Khi đi vào ruột non sẽ phân tách rồi sau đó tái kết hợp với cholesterol để tạo thành nguồn năng lượng cho các tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu lượng triglyceride cao sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và là một yếu tố rủi ro gây xơ vữa động mạch.

Chế độ ăn nhiều chất xơ có thể làm giảm cholesterol xấu. Chế độ ăn nhiều chất xơ cũng có thể giúp giảm cân, vì thừa cân là một yếu tố nguy cơ góp phần làm tăng cholesterol. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.

Kiểm soát chất béo: Đối với người khỏe mạnh, chất béo bão hòa nên chiếm không quá 7% tổng lượng calo của bạn. Với chế độ ăn kiêng 2.000 calo mỗi ngày, có khoảng 140 calo (hoặc 16g) chất béo bão hòa. Nếu bạn cần giảm cholesterol LDL, hãy giới hạn chất béo bão hòa lên 5-6% calo, hoặc khoảng 11-13g chất béo bão hòa trong chế độ ăn kiêng 2.000 calo. Điều này có nghĩa là tránh các loại thực phẩm chiên và đồ ăn vặt.

Lựa chọn protein một cách thông minh: Để giảm cholesterol, chúng ta nên hạn chế thịt đỏ, ăn nhiều cá và thịt gia cầm nhưng không ăn da của các loại gia cầm đó. Tránh các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói hoặc thịt nguội, ngay cả những sản phẩm có nhãn “ít chất béo”. Ăn các loại cá béo như cá hồi, cá ba sa vì loại cá này có nhiều axit béo omega-3, có thể làm giảm mức triglyceride và cải thiện mức cholesterol tốt. Protein từ đậu nành giúp làm giảm LDL và triglyceride, cũng như nâng cao mức cholesterol tốt.

Giảm cân: Thừa cân hoặc béo phì có xu hướng làm tăng mức LDL. Giảm cân có thể giúp làm giảm cholesterol LDL, triglyceride và tăng mức cholesterol HDL.

Bỏ hút thuốc: Hút thuốc không chỉ có hại cho phổi, nó cũng làm giảm HDL, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Tập thể dục: Tập thể dục có thể làm tăng cholesterol HDL lên tới 6% và giảm cholesterol LDL xuống 10%. Chỉ cần 40 phút tập thể dục như đi bộ, bơi lội, hoặc đạp xe 3-4 lần mỗi tuần đã có ảnh hưởng tích cực đến mức cholesterol trong máu.

(Kiến thức gia đình số 37)

Xem thêm
8 dấu hiệu nhận biết sớm ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt ở nữ giới. Dưới đây là 8 dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến giáp bạn nên lưu ý.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.