Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức hội nghị nhằm đánh giá các khó khăn trong triển khai Đề án bảo vệ môi trường thủy sản, đồng thời thảo luận phương hướng thực hiện năm 2025. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (MDC)” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ thông qua IUCN.
Đề án 911 về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 29/7/2022. Sau hai năm triển khai Đề án, đây là cơ hội để các bên cùng chia sẻ những khó khăn còn tồn đọng, lắng nghe sáng kiến từ các tổ chức quốc tế, tập trung vào các giải pháp xử lý các vướng mắc trong việc phát triển bền vững ngành thủy sản.
Là cơ quan đầu mối của Bộ NN-PTNT trong việc thực hiện Đề án 911, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản ghi nhận nỗ lực chung của các bên liên quan. Cụ thể, Đề án đã được phổ biến rộng rãi trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng như cộng đồng; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức quốc tế và các cơ quan quản lý thường xuyên.
Ông Trần Đình Luân cho biết thêm: "Trong khuôn khổ đề án, nhiều sáng kiến thu gom và xử lý rác thải đã mang lại kết quả tích cực như tại các cảng cá Bình Định, Phú Yên. Tuy nhiên, vấn đề xác định nguồn gốc rác thải và nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom rác tại nguồn, xử lý rác vẫn là những thách thức lớn, khi một bộ phận người dân chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường xung quanh, đặc biệt tại các khu vực sông, biển."
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế - Cục Thủy sản, cho biết một số địa phương có kết quả tốt trong việc xây dựng, ban hành kế hoạch quản lý môi trường và thực hiện các giải pháp kiểm soát chất thải các hoạt động thủy sản; thực hiện quan trắc môi trường thường niên là nhiệm vụ thường xuyên và địa phương đang chủ động triển khai; địa phương chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch quản lý môi trường trong hoạt động thủy sản, tiếp nhận các dự án để triển khai mô hình...
Tuy nhiên, vẫn còn các khó khăn như nguồn vốn cho sự nghiệp môi trường còn hạn hẹp, thiếu đồng bộ trong hoạt động bảo vệ môi trường do thường lồng ghép vào các chương trình khác, nhân sự quản lý môi trường hạn chế, chậm trễ trong phê duyệt các dự án.
Định hướng 2025 sẽ đẩy mạnh kiểm soát chất thải và ngăn ngừa ô nhiễm tại vùng ven biển và các khu vực đa dạng sinh học cao. Công nghệ hiện đại được áp dụng để xử lý chất thải và cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, giảm phát thải và lãng phí.
Ngoài ra, các khu vực nuôi trồng bị ô nhiễm đang được điều tra và phục hồi, kết hợp thực hiện quy định quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra. Năng lực cảnh báo sự cố môi trường và bảo tồn nguồn lợi thủy sản cũng được chú trọng nhằm ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học. Cộng đồng ven biển được nâng cao nhận thức và năng lực, bao gồm việc quản lý rác thải nhựa đại dương.
Về hợp tác quốc tế, ông Andrew Wyattchia (IUCN) cho biết dự án MDC có mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái ven biển, phục hồi rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản, đảm bảo sinh kế ngư dân; tăng cường quản lý bảo tồn biển tại Khu Bảo tồn biển Phú Quốc và hỗ trợ sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản ở Nam Du, Bà Lụa và Hải Tặc.
Ngoài ra, dự án hỗ trợ các sáng kiến, giải pháp bảo vệ môi trường dựa vào thiên nhiên (NbS) nhằm quản lý chất thải trong hoạt động nuôi tôm; giảm thiểu rác thải nhựa đại dương bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường biển; thúc đẩy sáng kiến cộng đồng hướng tới hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng ngư dân thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua khai thác và sử dụng thông minh nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ triển khai một số hoạt động bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030.
Về công tác bảo vệ môi trường hoạt động thủy sản của địa phương, bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, ngành thủy sản tỉnh phát triển toàn diện ở cả ba lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác và chế biến xuất khẩu, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
Sóc Trăng đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm Công văn 1354 kiểm soát nuôi trồng và Đề án nuôi tôm nước lợ 2023-2025, chú trọng đầu tư vào các mô hình nuôi trồng tiên tiến, nâng cao chất lượng và sản lượng thủy sản, đồng thời mở rộng các thị trường xuất khẩu quốc tế. Tỉnh kiến nghị Cục Thủy sản tiếp tục phối hợp tổ chức quốc tế hỗ trợ dự án, xây dựng kế hoạch 2025 - 2030 và siết chặt quản lý bằng quy định đăng ký cơ sở nuôi trồng bắt buộc.