Các đại biểu tham dự hội nghị, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp, được xem là đơn vị đầu tàu, là đòn bẩy để tạo sức lan tỏa
Báo cáo tại hội nghị, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, năm 2016 là năm khó khăn của nghề nuôi tôm do thời tiết khắc nghiệt.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm ở Kiên Giang vẫn đạt những kết quả đáng ghi nhận, với diện tích thả nuôi 106.610ha (tăng 3,77% so kế hoạch), sản lượng gần 58.000 tấn. Kết quả này cũng ghi nhận vai trò tích cực của mô hình CLB nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trong việc tập hợp, kết nối người nuôi để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm…
Năm 2017, ngành triển khai kế hoạch thả nuôi diện tích 113.000ha, với 3 đối tượng thả nuôi là tôm sú, chân trắng và càng xanh, sản lượng 63.000 tấn. Trong đó, nuôi công nghiệp, bán công nghiệp 2.600ha (sản lượng 16.240 tấn), tôm – lúa 89.000ha (40.838 tấn) và quảng canh cải tiến 21.400ha (5.922 tấn). Trong năm, có 10 doanh nghiệp đăng ký nuôi công nghiệp với diện tích 883ha, sản lượng 12.264 tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã thả giống nuôi được 62.355ha, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ.
Để phát triển diện tích thả nuôi trên, nhu cầu tôm giống cần khoảng 8 tỷ con, trong khi sản xuất trong tỉnh chỉ đạt 3,5 tỷ con, còn lại phải nhập từ các tỉnh khác, chủ yếu là khu vực miền Trung.
Phát triển nghề nuôi tôm nước lợ được Kiên Giang xác định là thế mạnh nên được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo phát triển
Tại hội nghị, hầu hết các doanh nghiệp điều kiến nghị giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng và công nhân lao động đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Trong đó, hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất hiện chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh, là địa phương có diện tích bờ biển dài hơn 200km, tỉnh xác định tôm nuôi nước lợ là thế mạnh, cần phải đầu tư phát triển. Hơn nữa, thách thức do biến đổi khí hậu buộc chúng ta phải chuyển đổi cho thích ứng, trong đó phát triển tôm nuôi là rất phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, tỉnh sẽ tập trung vốn đầu tư hạ tầng cơ sở, tháo gỡ khó khăn cho người nuôi và lấy doanh nghiệp làm đầu tàu, đòn bẩy để tạo sức lan tỏa ra cho dân.