| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị dừng thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM

Thứ Tư 06/04/2022 , 18:31 (GMT+7)

Mức thu và thời điểm thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM cao và không phù hợp, làm tăng gánh nặng, giảm khả năng phục hồi của doanh nghiệp.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM.

Theo Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, việc áp dụng thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM từ 1/4/2022 đã và đang tác động tiêu cực đến các hoạt động của DN trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Theo các thống kê hiện tại, chi phí logistic của Việt Nam đang cao gấp đôi so với ở các nước phát triển. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo các thống kê hiện tại, chi phí logistic của Việt Nam đang cao gấp đôi so với ở các nước phát triển. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo thống kê của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), tổng khối lượng hàng container thông qua khu vực cảng biển TP. HCM năm 2021 là 7.956.133 TEU, chiếm khoảng 43,3% cả nước, chưa kể hàng lỏng, hàng rời. Với khối lượng hàng xuất nhập khẩu đi qua các cảng trên địa bàn TP.HCM hiện nay, số lượng DN chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định này là đặc biệt lớn.

Trước vấn đề này, hàng loạt hiệp hội như: Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam; Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Hiệp hội Phân bón Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam… cũng như hàng loạt DN khối FDI tại Đồng Nai, Bình Dương và DN trong nước đã kiến nghị UBND TP.HCM, UBND các tỉnh giáp ranh TP.HCM nhằm tháo gỡ những hưởng do việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM.

Theo các DN, hiệp hội, mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM là cao và thời điểm thu phí không phù hợp, làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của DN ngay sau đại dịch Covid-19.

Việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển lúc này sẽ càng đè nặng lên các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ảnh: TL.

Việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển lúc này sẽ càng đè nặng lên các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ảnh: TL.

Mặt khác, việc thu phí không đúng đối tượng đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất đã cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa, làm mất nguồn thu từ các hàng hóa này và không đúng với quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Mức thu chênh lệch giữa việc mở tờ khai thông quan tại TP.HCM và mở tờ khai tại các tỉnh lân cận là không phù hợp với pháp luật về Hải quan, phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các DN tại các tỉnh lân cận khiến các DN có xu hướng đổ dồn về TP.HCM để mở tờ khai, gây ách tắc, quá tải khi thông quan hàng tại các cảng TP.HCM.

Các doanh nghiệp tha thiết đề nghị dừng việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển để tạo điều kiện phục hồi sản xuất sau dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL.

Các doanh nghiệp tha thiết đề nghị dừng việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển để tạo điều kiện phục hồi sản xuất sau dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đánh giá, các bất cập nêu trên đã và đang tạo ra một số hệ lụy không nhỏ, vừa ảnh hưởng tới hoạt động trực tiếp của DN, vừa tác động tiêu cực tới một số mục tiêu của nền kinh tế và các mặt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như khâu thực thi pháp luật trong hệ thống các cơ quan hành pháp.

Do đó, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân và các hiệp hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND TP.HCM nghiên cứu bài toán lợi ích của địa phương phải được cân nhắc sau bài toán chung của quốc gia. DN, hiệp hội đề nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP. HCM để tạo điều kiện cho DN và nền kinh tế phục hồi, phát triển.

Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, DN cũng đã cơ bản phục hồi, nếu có xem xét triển khai thu phí thì mức phí được ban hành phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phí, Lệ phí và Luật Hải quan.

Mức thu phải trên cơ sở minh bạch nguồn đầu tư trước đó, thu để bù đắp một phần đầu tư thay vì thu để đầu tư xây dựng các hạ tầng khác của TP.HCM, thu công bằng giữa các chủ thể sử dụng hạ tầng thay vì phân biệt như hiện nay theo địa điểm mở tờ khai thông quan.

Thu phí sử dụng hạ tầng cảng biến nhằm có nguồn lực để đầu tư, cải tạo nâng cấp cảng biển, nhưng cần cơ chế và thời điểm áp dụng phù hợp. Ảnh: ST.

Thu phí sử dụng hạ tầng cảng biến nhằm có nguồn lực để đầu tư, cải tạo nâng cấp cảng biển, nhưng cần cơ chế và thời điểm áp dụng phù hợp. Ảnh: ST.

Bên cạnh đó, không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường nội địa. Không thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập - tái xuất.

Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, từ 1/4 đến 15h30 ngày 4/4 có tổng cộng hơn 6.780 DN tham gia đăng ký nộp phí sử dụng hạ tầng cảng biển với số lượng hơn 16.500 tờ khai. Tổng số tiền phải thu là hơn 26,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, TP.HCM mới thu về hơn 11,9 tỷ đồng, trong đó, thu phí trong địa bàn TP.HCM là hơn 4,5 tỷ đồng, thu phí ngoài địa bàn TP.HCM hơn 7,4 tỷ đồng.

Theo Thông báo số 43 của UBND TP.HCM thì từ ngày 1/4/2022, sẽ thực hiện việc thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại các tỉnh ngoài TP.HCM, áp dụng mức thu là 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1.000.000 đồng/cont đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng hóa lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Mức thu này cao gấp đôi so với mức thu áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM (250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont đối với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng hóa lỏng, hàng rời không đóng trong container).

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.