Tổng hợp tác động từ thuế đối ứng của Hoa Kỳ, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha thông tin, chính sách này có nguy cơ làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ mà các gia đình ở quốc gia Nam Âu phải chi trả. Lạm phát có nguy cơ căng thẳng, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự báo tăng khoảng 3% và tiếp tục có xu hướng leo thang đến hết năm 2025.

Các phản ứng của Chính phủ Tây Ban Nha được đánh giá là thận trọng nhưng mạnh mẽ: Anadolu Ajansı.
Dưới tác động của mức thuế quan 25% áp dụng chung cho EU, tăng trưởng GDP của khu vực đồng euro có thể giảm 0,3%, lạm phát trong ngắn hạn chắc chắn xảy ra. Nếu châu Âu phản ứng bằng các biện pháp tương đương, mức tăng trưởng mất đi có thể lên tới 0,5%.
Thực phẩm, năng lượng, giao thông vận tải và công nghệ là những ngày được cho là bị tác động nhiều nhất. Trong khoảng 1 tuần kể từ lúc Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế mới, giá thực phẩm ở Tây Ban Nha đã leo thang. Chi phí vận tải cũng bị đẩy, do giá dầu thô toàn cầu gia tăng.
Chi phí nhà ở, bao gồm điện và gas, đã tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2024. Giá điện tại Tây Ban Nha tăng mạnh trở lại sau đợt giảm vào năm 2024. Các nguồn năng lượng tái tạo bị đình trệ khiến quốc gia trên bán đảo Iberia chậm lại quá trình chuyển đổi năng lượng, dẫn đến kéo dài sự phụ thuộc vào khí đốt.
Đặc biệt, ngân sách chi tiêu của các gia đình Tây Ban Nha bị co rút. Các hộ dân tại đây đã chi gần một nửa ngân sách cho nhà ở và thực phẩm. Đối với 20% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất, tỷ lệ chi tiêu cho nhà ở và thực phẩm tăng lên 63,5%.
Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố thuế quan đối ứng với các đối tác thương mại, Chính phủ Tây Ban Nha đã kêu gọi EU hành động thống nhất để đối phó. Đồng thời, đề xuất thành lập quỹ viện trợ của EU được tài trợ bằng nguồn thu từ thuế quan nhập khẩu của Hoa Kỳ, nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) cho phép Tây Ban Nha linh hoạt hơn trong việc cung cấp viện trợ quy mô lớn đối với các ngành bị tác động.
Thủ tướng Pedro Sánchez đề xuất nghiên cứu các giải pháp giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ, tăng cường hợp tác thương mại với các quốc gia, khu vực khác.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez chỉ trích mức thuế quan của Mỹ, mô tả nó là 'sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ thế kỷ 19'. Ảnh: Getty.
Cũng trong thời gian này, Thủ tướng Sánchez đã thực hiện các chuyến công du tới Việt Nam và Trung Quốc, nhằm mở rộng mối quan hệ kinh tế và tìm kiếm các thị trường mới, hướng tới đa dạng hóa các đối tác thương mại.
Trong chuyến thăm Việt Nam, lãnh đạo Chính phủ Tây Ban Nha đã hội kiến và đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giảm các thủ tục hành chính phi thuế quan, mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản, gia cầm của Tây Ban Nha.
Song song với đối ngoại, Chính phủ Tây Ban Nha cũng triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ trong nước, bao gồm gói cứu trợ trị giá 14,1 tỷ euro (khoảng 16 tỷ USD). Trong đó, 7,4 tỷ euro (gần 8,5 tỷ USD) là nguồn tài trợ mới được huy động để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động và bảo vệ việc làm.
Các biện pháp hỗ trợ bao gồm: Cung cấp bảo lãnh tài chính và các gói vay mềm nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng; Triển khai chương trình MOVES để kích thích ngành công nghiệp ô tô - một trong những lĩnh vực nhạy cảm với sự thay đổi của thuế quan; Hỗ trợ đầu tư, bảo hiểm tín dụng và các biện pháp nhằm giúp các công ty định vị lại sản xuất, hướng đến các thị trường mới.
Tây Ban Nha cũng thúc đẩy Ủy ban châu Âu áp dụng mức thuế quan "0% đổi 0%" đối với hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Hoa Kỳ, nhằm tránh bùng phát một cuộc thương chiến.
Trong dài hạn, Chính phủ Tây Ban Nha đã phê duyệt 7,72 tỷ euro (gần 9 tỷ USD) đầu tiên của Kế hoạch ứng phó và tái khởi động thương mại để ứng phó với quyết định tăng thuế đối với các sản phẩm châu Âu lên 20% của Tổng thống Trump.
Phần còn lại của kế hoạch, trị giá khoảng 14,1 tỷ euro (16 tỷ USD), được sử dụng để "xây dựng lá chắn" bảo vệ nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, cung cấp các khoản vay ICO và thanh khoản ngay lập tức cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hiện đại hóa và đầu tư công nghiệp, định hướng lại sản xuất, và viện trợ trực tiếp cho quá trình quốc tế hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại châu Âu, nền kinh tế Tây Ban Nha xếp thứ 4, sau Đức, Pháp và Italia, với GDP danh nghĩa khoảng 1.600 tỷ USD, tương đương 7-8% tổng GDP của EU; đồng thời nằm trong tốp 15 nền kinh tế lớn của thế giới. Xuất khẩu chiếm khoảng 35% GDP Tây Ban Nha, với khoảng 550 - 600 tỷ USD (tính cả hàng hóa, dịch vụ).
Ô tô, thiết bị máy móc và nông sản (rượu vang, dầu olive, trái cây) là những mặt hàng thế mạnh của quốc gia gần 50 triệu dân.
Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha đánh giá, ảnh hưởng trực tiếp của thuế đối ứng với GDP Tây Ban Nha không nhiều, do tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ của nước này thấp.
Phản ứng của Chính phủ Tây Ban Nha được xem là thận trọng nhưng mạnh mẽ, đặc biệt là công tác mở rộng mối quan hệ thương mại với các đối tác ngoài Hoa Kỳ. Điều này cho thấy sự đoàn kết và khả năng ứng phó linh hoạt của các khối kinh tế như EU là rất quan trọng trong việc bảo vệ nền kinh tế quốc gia và duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.