Chia sẻ tại Hội thảo “ Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?" do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 11/4, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết quy mô khu vực ngân hàng thương mại (NHTM) hiện có 35 ngân hàng, trong đó có 5 ngân hàng 0 đồng, yếu kém và được kiểm soát đặc biệt. Nhiều ngân hàng tốt cho cạnh tranh, tốt cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tốt cho người gửi tiền; tuy nhiên cũng rất thách thức cho việc quản lý, đảm bảo hoạt động an toàn bởi trong lĩnh vực ngân hàng thì rủi ro, thất bại thị trường rất lớn.
Tính từ năm 2010, hệ thống ngân hàng có sự tăng trưởng bùng nổ, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng từ 10-15 lần trong 15 năm. Việc này tạo ra thách thức đối với việc quản lý nhưng đồng thời cũng là cơ hội, là cơ sở để chúng ta tái cơ cấu ngân hàng.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: DA
Thực tế, từ năm 2011 đến nay, quá trình tái cơ cấu đã áp dụng nhiều hình thức như sáp nhập, hợp nhất, tiếp nhận nhà đầu tư mới và chuyển giao bắt buộc. Nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng yếu kém, theo ông Thành, là do bị thao túng bởi nhóm cổ đông lớn, sở hữu chéo phức tạp, và tình trạng cấp tín dụng tràn lan cho các doanh nghiệp trong cùng “hệ sinh thái” dẫn đến nợ xấu.
Từ thực tiễn này, ông Thành nhấn mạnh ba bài học chính sách quan trọng. Thứ nhất, Ngân hàng Trung ương cần đóng vai trò là “người cho vay cuối cùng” để đảm bảo thanh khoản và ngăn rủi ro lan rộng. Thứ hai, tái cơ cấu phải đi kèm với thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo. Và cuối cùng, cần xây dựng một hệ thống giám sát tích hợp giữa ngân hàng và thị trường vốn để kịp thời phát hiện vi phạm.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại về giải pháp chuyển giao bắt buộc, cho rằng đây không phải là hướng đi tối ưu.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, năm 2011, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được phép thành lập trên cơ sở hợp nhất tự nguyện của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank).

TS. Nguyễn Trí Hiếu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: DA
Sau tái cơ cấu, 10 năm sau tổng tài sản SCB đạt 673.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 20.000 tỷ đồng tính đến 30/9/2021, với 239 điểm giao dịch, SCB có mạng lưới phủ rộng khắp 28 tỉnh/thành cùng đội ngũ nhân sự hơn 7.000 người.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng hoàn toàn bất ngờ khi các cơ quan điều tra phát hiện SCB đã trở thành một công cụ tài chính phục vụ bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đưa đến một vụ án lớn chưa tùng có trong lịch sử ngành tài chính Việt Nam. Việc tái cơ cấu 3 ngân hàng SCB, Ficombank và Tin Nghia Bank được xem là một thất bại lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng cận đại.
Với 4 ngân hàng 0 đồng, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng thương mại gồm OceanBank, Xây Dựng, GPBank. Sau đó Ngân hàng Đông Á cũng được NHNN mua lại và nằm trong diện "ngân hàng 0 đồng" và trở thành ngân hàng con của NHNN. Tuy nhiên cho đến 2024, 4 ngân hàng vẫn làm ăn thua lỗ và không vực lại được.
“Việt Nam đã từng áp dụng hình thức này cách đây 10 năm. Nay tiếp tục tái diễn mà không có thông tin rõ ràng về ngân hàng mới, năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu ra sao. Điều này khiến rủi ro cho người gửi tiền rất lớn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu đề xuất rằng ngân hàng mẹ cần bảo lãnh toàn bộ tiền gửi của các ngân hàng con được nhận chuyển giao, để đảm bảo niềm tin cho khách hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần minh bạch thông tin về tình hình tài chính của các ngân hàng trên website chính thức.
Một nguyên nhân gốc rễ khác khiến hệ thống ngân hàng phải tái cấu trúc, theo TS. Hiếu, chính là lợi ích nhóm, đặc biệt là nhóm có liên quan đến bất động sản. “Hầu hết các vụ án liên quan đến ngân hàng đều gắn với lĩnh vực này. Những đại gia bất động sản thường là cổ đông lớn, thao túng chính sách tín dụng, gây rủi ro lớn cho hệ thống.” Ông đề nghị cơ quan quản lý cần siết chặt giám sát các nhóm lợi ích này để tránh tái diễn những hệ lụy như từ các vụ việc của Vạn Thịnh Phát hay Tân Hoàng Minh.