| Hotline: 0983.970.780

Kinh doanh hoa Tết không như kỳ vọng

Thứ Bảy 21/01/2023 , 12:04 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Năm nay, trong khi các nhà vườn trồng cúc và mai cảnh bán Tết trúng to nhờ bán sỉ thì những người mua đi bán lại cho người tiêu dùng thua lỗ vì ế ẩm…

Mai cảnh bán lẻ vắng người mua

Trưa 30 tháng Chạp âm lịch, ghé qua những tụ điểm bán lẻ mai cảnh dọc quốc lộ 1A, đoạn qua phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) tại mũi thuyền trước Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 77-03D và mũi thuyền cuối đường Lê Hồng Phong (phường Bình Định), chúng tôi thấy rõ nét ảm đạm trên gương mặt những chủ nhân các lô bán lẻ mai Tết ở đây.

Đã là ngày 30 Tết mà mai cảnh còn đầy dẫy, dù hiện nay hầu hết những cây mai đã bung hoa hoặc bung búp xanh. Chủ những lô bán mai đang buồn bã dọn dẹp mùng chiếu, giường xếp, đưa những chậu mai lên xe chở về nhà vì chẳng còn khách ghé mua.

Hỏi thăm chủ nhân những lô bán mai cảnh, chúng tôi được biết từ ngày 21 tháng Chập âm lịch trời Bình Định nắng ấm, mai trong các nhà vườn bung búp xanh, thương lái miền Bắc ào ạt vào An Nhơn mua mai chở về để kịp bán Tết. Do năm nay mưa lạnh kéo dài, hầu hết các vườn mai ở An Nhơn đều bị “điếc” búp, nên lúc mai bung nở giá bao nhiêu thương lái miền Bắc cũng “hốt” hết, người mua đi bán lại cũng phải mua theo giá đó để bán lẻ cho người tiêu dùng, nhà vườn nào có mai bung búp xanh sớm đều trúng to.

Mai Tết không còn người mua, người bán mai lẻ ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) dọn dẹp đồ đưa mai về nhà.

Mai Tết không còn người mua, người bán mai lẻ ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) dọn dẹp đồ đưa mai về nhà.

Ví như anh Trần Văn Thụy ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định), mai trong vườn nhà anh bung búp xanh không kịp, trong khi thương lái miền Bắc hỏi mua mai ráo riết. Khi ấy, nhờ người làm mối, anh Thụy mua được 200 cây mai ở xã Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn) đã bung búp xanh với giá 450.000đ/cây, sang liền tay lô mai này cho thương lái miền Bắc với giá 800.000đ/cây, anh Thụy kiếm lãi được 70 triệu đồng ngon ơ.

Từ 25 tháng Chạp trở đi, thương lái miền Bắc không còn thu mua mai nữa, số mai bày bán dọc quốc lộ 1A chủ yếu bán cho xe tải miền Bắc mua lẻ về chơi Tết và cho người tiêu dùng tại địa phương. Không như năm ngoái bán mai lẻ rất đắt, năm nay ế ẩm đến bất ngờ.

Anh Nguyễn Văn Đồng ở xã Nhơn An (thị xã An Nhơn), ngoài 300 cây mai do anh trồng, năm nay Đồng mua thêm 100 cây mai 4 năm tuổi với giá 450.000đ/cây để bán lẻ. Đã trưa ngày 30 tháng Chạp âm lịch mà anh Đồng mới chỉ bán được 30 cây với giá 600.000đ-7.000đ/cây, số mai còn lại 370 cây anh phải thuê xe chở lại về vườn để nuôi.

Người bán mai Tết ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) buồn bã cẩu những chậu mai lớn chờ về nhà vì chẳng ai mua.

Người bán mai Tết ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) buồn bã cẩu những chậu mai lớn chờ về nhà vì chẳng ai mua.

Theo anh Đồng, lô đất có chiều ngang 4m ở mũi thuyền Lê Hồng Phong anh thuê với giá 5,5 triệu do có địa thế không thuận lợi, lô bên kia thuận lợi cho xe tải đậu mua cũng 4m bề ngang nhưng giá thuê đến 8 triệu/lô.

“Năm nay tôi lỗ to, lỗ công đứng bán cả chục ngày, lỗ công thuê xe vận chuyển từ vườn đến chỗ bán. Xe lôi mỗi chuyến chở được 12 chậu, xe tải chở được 18 chậu/chuyến; công chở 1 chuyến xe lôi là 150.000đ, xe tải 200.000đ/chuyến. 400 chậu mai của tôi phải chở gần 20 chuyến xe tải, vị chi tiền vận chuyển mất gần 4 triệu đồng. Tính cả tiền thuê lô và tiền vận chuyển đã gần 10 triệu đồng, đó là chưa kể công mình đứng bán. Nhà tôi có vườn rộng giờ chở mai về còn có chỗ để, những người chuyên mua đi bán lại nhà không có vườn, giờ chở mai về phải thuê đất để mai mới khổ hơn nữa”, anh Nguyễn Văn Đồng chia sẻ.

Cả người từ xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) chở mai đi Quy Nhơn bán cũng chẳng khá gì hơn. Ví như trường hợp của anh Năm Thụ, người chuyên đưa mai từ Phước Hưng xuống Quy Nhơn bán lẻ cho người tiêu dùng chơi Tết. Mọi năm, đến tối 29 tháng Chạp anh Thụ đã bán được 60-70 triệu đồng, bán thêm đến chiều 30 tháng Chạp cũng đạt được 150 triệu đồng. Thế nhưng năm nay đến tối 29 tháng Chạp mà anh Thụ chỉ mới bán được 6-7 triệu đồng.

Đã tối 29 tháng Chạp âm lịch mà cúc Tết còn đầy bãi ở Quy Nhơn (Bình Định).

Đã tối 29 tháng Chạp âm lịch mà cúc Tết còn đầy bãi ở Quy Nhơn (Bình Định).

Cúc Tết bán lẻ nơi đắt nơi ế

Năm nay, hầu hết các nhà vườn trồng cúc bán Tết ở Bình Định đều trúng to, mới giữa tháng Chạp mà thương lái đã thu mua hết cúc trong vườn. Đặc biệt, năm nay thương lái từ miền Tây và miền Nam ra mua cúc nhiều, nên giá bán tăng cao hơn so năm ngoái 200.000đ/cây. Theo đó, những người chuyên mua cúc bán lẻ cho người tiêu dùng cũng phải mua theo thương lái với giá cao. Không ngờ năm nay vắng người mua cúc chơi Tết, đến trưa 30 tháng Chạp dù đã hạ giá nhưng cúc bán lẻ ở Quy Nhơn vẫn còn đầy dẫy.

Theo anh Nguyễn Văn Lư, người có nhà ở đường Đô Đốc Bảo, gần đường Nguyễn Tất Thành, nơi được bày bán cúc Tết tập trung ở thành phố Quy Nhơn, năm nay cúc Tết ế ẩm đến không ngờ. Nguyên nhân được cho là do năm nay các nhà vườn tăng số số lượng trồng cúc quá lớn, trong khi sức mua lẻ rất yếu, nên đến ngày cuối năm mà cúc vẫn còn “đầy đất chật bãi”.

“Những chậu cúc trồng trong chậu có đường kính 50-60cm trước đây tôi ra hỏi họ nói giá bán là 800.000đ/chậu, thế nhưng trong ngày 29 tháng Chạp tôi ra hỏi lại họ nói chỉ còn 500.000đ/chậu. Những chậu cúc nhỏ hơn trước đây bán 300.000đ/chậu thì ngày 29 tháng Chạp chỉ còn 200.000đ/chậu, hạ giá vậy mà bán cũng không chạy. Không biết còn buổi chiều và tối 30 tháng Chạp tình hình ra sao chứ giờ này cúc còn đầy bãi”, trưa 30 tháng Chạp anh Lư cho hay.

Đến tối 29 tháng Chạp âm lịch, cúc Tết đã hạ giá nhưng người tiêu dùng vẫn không ngó ngàng.

Đến tối 29 tháng Chạp âm lịch, cúc Tết đã hạ giá nhưng người tiêu dùng vẫn không ngó ngàng.

Ở thị xã An Nhơn, nơi có nhiều vùng trồng cúc bán Tết như làng hoa Vĩnh Liêm và làng hoa Kim Châu ở phường Bình Định, nhưng do cúc trồng tại các nhà vườn đều đã được thương lái khắp nơi mua hết, nên mới 29 tháng Chạp cúc Tết ở An Nhơn đã hút hàng, trong khi cúc Tết ở thành phố Quy Nhơn thì ế ẩm. Do đó, có nhiều người xuống Quy Nhơn mua cúc chở về An Nhơn bán kiếm lãi.

Anh Ba Lễ, 1 thương binh ở phường Đống Đa (thành phố Quy Nhơn) hàng năm trồng khoảng 600 chậu cúc để bán Tết. Những năm trước đây, đến ngày 29 tháng Chạp là anh Lễ đã thu về được khoảng 150 triệu đồng tiền bán cúc, nhưng năm nay đến ngày ấy mà anh Lễ chỉ mới thu vào khoảng 40-50 triệu đồng, chứng tỏ sức mua cúc Tết của người tiêu dùng năm nay rất yếu.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm