Mặc dù, cuộc sống khó khăn, nhưng bà lại có tấm lòng nhân hậu, mong muốn được hiến xác cho y học nước nhà.
Ngày định mệnh
Bà Túy sinh ra trong một gia đình có 3 chị em. Bà là con út trong gia đình nên được bố mẹ rất chiều chuộng, quan tâm và đặt niềm tin, hi vọng rất nhiều. Nhưng số phận lại trớ trêu với bà, bà mắc bệnh teo cơ, cuộc đời của bà lẽ sang hướng khác.
Hàng ngày bà Túy phải thêu khăn để kiếm thêm thu nhập
Bà Túy chia sẻ, học hết lớp 10, đôi chân bà cứ teo dần, không thể đi lại được nên bố mẹ rất lo lắng và đi vay tiền hàng xóm để chữa bệnh cho bà. Bao nhiêu đồ đạc quý giá trong gia đình cứ “đội nón ra đi”, nhưng chỉ đi lại được 3 năm thì bệnh lại tái phát.
Uớc mơ trở thành sinh viên Đại học Hàng hải Việt Nam cũng tạm dừng từ đây. Bao hoài bão và ước mơ của một thiếu nữ tuổi đôi mươi bỗng tan biến trong phút chốc.
Bà còn nhớ như in 2 câu thơ, bà đã tự sáng tác và viết lên góc học tập để tự động viên mình, coi đó là động lực phấn đấu để trở thành sinh viên Đại học Hàng hải Việt Nam: “Ta sẽ khai mỏ dầu thật sạch/ Đóng những con tàu đi khắp đại đương”.
“Lúc đó tinh thần tôi hụt hẫng, không còn tâm chí để sống, ngày nào tôi cũng nằm khóc, cuộc sống trở nên buồn tủi hơn. Nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi quyết tâm gượng dậy để làm lại cuộc đời”, bà Túy cho hay.
Bà xin phép bố mẹ, đi làm kế toán cho một công ty gần nhà, rồi đi dậy thêu cho mọi người để kiếm sống. Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu thì nỗi buồn lần lượt kéo đến bà. Năm 1990, cụ thân sinh của bà Túy mắc bệnh nặng rồi ra đi mãi mãi. Năm 1991, người mẹ cũng bỏ lại 3 chị em bà. Hai năm sau, người anh trai và chị gái cũng lần lượt ra đi, một mình bà chống trọi với căn bệnh hiểm nghèo. Một lần nữa, bà như bị rơi xuống “vực thẳm”.
“Khó khăn chồng chất khó khăn, cuộc đời tôi quay lại con số không (không chồng, không con, không người thân bên cạnh,…). Một mình tôi sống trong căn nhà cấp 4 xuống cấp, chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo”, bà Túy buồn rầu.
Mong muốn được hiến xác
Tôi hỏi, hàng ngày ai giúp bà nấu cơm? Bà Túy cho hay: Cứ đến gần trưa thì đứa cháu gần nhà sang nấu giúp, hoặc ai sang chơi thì nhờ họ cắm cơm hộ. Đã nhiều năm nay, một ngày tôi chỉ ăn có một bữa trưa.
Ngôi nhà cấp 4 nơi bà Túy sinh sống
Để có tiền chi tiêu hàng tháng, bà Túy chỉ biết trông chờ vào số tiền trợ cấp hàng tháng dành cho người khuyết tật là 360 nghìn đồng/tháng và số tiền bà làm từ thêu khăn tại nhà là 100 nghìn đồng/tháng.
Mặc dù cuộc sống khó khăn là thế, nhưng bà lại có tấm lòng nhân hậu. Năm 2011, theo dõi qua ti vi, đài báo, bà thấy sự phát triển của ngành Y nước ta còn kém so với nước ngoài, nên trong đầu bà bắt đầu nảy ra ý định muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa.
“Tôi muốn Y học nước mình phát triển mạnh hơn và cũng muốn giúp những người thiệt thòi hơn mình nên trong tâm thâm lúc nào cũng chỉ mong muốn được hiến mô, hiến tạng để phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu, giúp phát triển ngành Y”, bà Túy chia sẻ.
Đó là tâm nguyện cuối cùng của bà sau khi trở về với tổ tiên. Hiện bà Túy đang tiến hành làm thủ tục, hồ sơ liên quan đến việc đăng ký hiến xác để gửi lên Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Hà Nam và trường Đại học Y Hà Nội phê duyệt.
Câu chuyện về người đàn bà tật nguyền mong muốn được hiến xác cho ngành Y đã lan tỏa ra khắp xóm làng. Nhiều người dân trong làng cảm động trước tấm lòng nhân hậu, cao cả của bà. Một nghĩa cử cao đẹp mà không phải ai cũng dám nghĩ tới.
Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân cùng làng cho biết: “Cuộc sống của bà Túy rất vất vả và khó khăn, một mình bà sống trong căn nhà cấp 4. Tuy khổ sở, nhưng lại được nhiều người dân yêu quý bởi bà dám đăng ký hiến xác của mình sau khi mất cho nghành Y”.