| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế tri thức của giới trẻ là nền tảng cho tương lai thịnh vượng

Thứ Hai 07/10/2024 , 20:54 (GMT+7)

Vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu là quá trình chuyển đổi sang Kỷ nguyên trí tuệ. Năm 2025, Việt Nam là quốc gia Chính phủ số, kinh tế số.

Đó là nhận định của Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại buổi Talkshow với giới trẻ TP.HCM sáng 6/10 về chủ đề “Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”.

Vai trò giới trẻ trong phát triển kinh tế tri thức

Tại buổi Talkshow với khoảng 1.200 người tham dự, trong đó phần lớn là giới trẻ, Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập WEF cho biết, ông rất vinh dự được phát biểu về chủ đề định hình tương lai và vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Đó là quá trình chuyển đổi sang thời đại Kỷ nguyên trí tuệ dựa trên những đổi mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nơi mà công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa tiên tiến đang biến đổi các ngành công nghiệp, tái định hình thương mại và tác động đến cấu trúc xã hội theo những cách chưa từng có.

Việt Nam đã đón nhận các xu hướng đổi mới công nghệ, số hóa và hiện đại hóa bằng những chính sách đầy tầm nhìn của chính phủ nhằm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc số tại khu vực Đông Nam Á. Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 và chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 của Chính phủ Việt Nam đã đề ra các mục tiêu đầy tham vọng, hướng đến việc nâng cao năng suất, cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo tăng trưởng bao trùm cho tất cả các tầng lớp xã hội.

Giáo sư Klaus Schwab trò chuyện với tri thức trẻ TP.HCM bên lề Talkshow. Ảnh: HT.

Giáo sư Klaus Schwab trò chuyện với tri thức trẻ TP.HCM bên lề Talkshow. Ảnh: HT.

Theo Giáo sư Klaus Schwab, sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua là minh chứng cho khả năng phục hồi, sự linh hoạt và quá trình hoạch định chính sách có chiến lược của Việt Nam. Khi bước vào kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Hiện nay Việt Nam có dân số hơn 100 triệu người, GDP năm 2024 dự kiến đạt 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP dao động từ 6 - 7% và độ tuổi trung bình chỉ hơn 30 tuổi, là quốc gia trẻ với tiềm năng lớn để trở thành nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD vào năm 2050.

Việt Nam sẽ là quốc gia về Chính phủ số, kinh tế số 

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào các ngành công nghiệp và xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và sản xuất. Việt Nam đã chủ động chuẩn bị cho tương lai số, chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu nằm trong top 50 quốc gia về chính phủ số và kinh tế số vào năm 2025, là nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi.

Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, có 4 lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình bối cảnh của Việt Nam. Cụ thể, AI và tự động hóa trong sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, dệt may và ô tô là động lực chính đằng sau sự phát triển kinh tế. Kỷ nguyên trí tuệ với đặc trưng là AI và tự động hóa, sẽ cải tiến các quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí.

Giáo sư Klaus Schwab (thứ 3 từ trái qua) và phu nhân (bên trái) tại buổi Talkshow. Ảnh: HT.

Giáo sư Klaus Schwab (thứ 3 từ trái qua) và phu nhân (bên trái) tại buổi Talkshow. Ảnh: HT.

Thứ nhì, thương mại điện tử và dịch vụ số phát triển mạnh trong đại dịch Covid-19, các nền tảng như Tiki, Shopee và MoMo phát triển nhanh chóng và nhận được sự ủng hộ của nhóm dân số trẻ am hiểu công nghệ. Việt Nam đề ra kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2025. Điều này mang lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận thị trường mới và có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.

Thứ ba là hạ tầng số và đô thị thông minh, hiện nay Việt Nam đang đầu tư đáng kể vào việc xây dựng đô thị thông minh trên khắp cả nước, gồm TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng. Các sáng kiến này nhằm cải thiện quản lý đô thị thông qua việc sử dụng Internet vạn vật (IoT), AI và phân tích dữ liệu.

Cuối cùng là phát triển bền vững và công nghệ xanh. Kỷ nguyên trí tuệ mang lại cho Việt Nam cơ hội dẫn đầu trong phát triển bền vững vì đã có những cam kết mạnh mẽ trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Ngoài ra, đổi mới năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh và phương tiện giao thông điện cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp của Việt Nam.

Lãnh đạo UBND TP.HCM và những trí thức trẻ TP chụp hình lưu niệm cùng Giáo sư Klaus Schwab và phu nhân sau buổi Talkshow. Ảnh: HT.

Lãnh đạo UBND TP.HCM và những trí thức trẻ TP chụp hình lưu niệm cùng Giáo sư Klaus Schwab và phu nhân sau buổi Talkshow. Ảnh: HT.

Trước câu hỏi “Kỷ nguyên trí tuệ có ý nghĩa gì đối với giới trẻ?”, Giáo sư Klaus Schwab nhận định, kỷ nguyên trí tuệ là thời kỳ đầy cơ hội, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Các công nghệ mới, như AI, Blockchain, IoT và công nghệ sinh học, đang mở ra những không gian cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chưa từng tồn tại trước đây, và giới trẻ Việt Nam đang có những ưu thế đặc biệt để nắm bắt những cơ hội này. Việc Trung tâm Cách mạng công nghiệp Vietnam 4.0 mới được thành lập tại TP.HCM sẽ là cơ hội cho giới trẻ tiếp cận nguồn lực, sự hướng dẫn và các thị trường chưa từng có.

Giáo sư Klaus Schwab sinh năm 1938 tại Ravensburg, Cộng hòa Liên bang Đức. Ông là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), là bậc thầy nổi tiếng về kinh tế học và khoa học kỹ thuật (KHKT), người đã tạo nên những thay đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội toàn thế giới thông qua WEF. Ông có bằng Tiến sĩ Kinh tế từ Đại học Fribourg và bằng Tiến sĩ Kỹ thuật từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Zurich (ETH Zurich). Sau đó, ông hoàn thành Thạc sĩ Quản trị Công cộng tại Trường Chính phủ John F. Kennedy tại Đại học Harvard. Ở tuổi 33, ông thành lập WEF tại Davos (Thụy Sĩ). Dưới sự hướng dẫn của ông, WEF đã phát triển thành một nền tảng toàn cầu tập hợp các nhà lãnh đạo để giải quyết các vấn đề quan trọng như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Xem thêm
Xuất khẩu quả hồng của Hàn Quốc và bài học cho trái cây Việt Nam

Khi nhắc đến Việt Nam, người Hàn Quốc thường nghĩ đến các loại trái cây nhiệt đới như xoài, dứa… Do đó, Việt Nam nên tập trung xuất khẩu các loại trái cây thế mạnh này.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.

Bình luận mới nhất