Sau một thời gian dài tạm lắng vào cuối tháng 6, dịch tả heo Châu Phi (DTLCP) bất ngờ tái phát trở lại trên đàn heo của 3 hộ chăn nuôi, với gần 300 con tại xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Để kịp thời ngăn ngừa sự lây lan trên diện rộng, ngành nông nghiệp huyện Hồng Dân đã phối hợp với chính quyền xã Ninh Quới tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khoanh vùng dập dịch kịp thời.
Qua đó, đã tiêu hủy đàn heo 300 con bị nhiễm bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người dân chăn nuôi vệ sinh chuồng trại tiêu diệt mầm bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng. Đến nay, DTLCP cơ bản đã được kiểm soát.
Là địa phương có DTLCP xuất hiện trở lại đầu tiên, nên UBND xã Ninh Quới đã phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn tổng rà soát đàn heo trên địa bàn xã, vận động các hộ nuôi có heo bị nhiễm bệnh tiêu hủy toàn bộ số heo.
Đồng thời, tổ chức phun sát khuẩn quanh khu vực ổ dịch. Các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao lân cận cũng được ngành chuyên môn hướng dẫn tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên.
Ông Võ Như Ý, Chủ tịch UBND xã Ninh Quới cho biết đến nay, đã trên 30 ngày tình hình DTLCP trên địa bàn không còn xuất hiện nữa. Người chăn nuôi cũng đã an tâm tái đàn chăn nuôi tiếp.
Theo ông Ý, thời gian tới, xã Ninh Quới tiếp tục chỉ đạo quyết liệt về công tác phóng chống DTLCP để người dân nâng cao ý thức hơn trong việc phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ bùng dịch phát trở lại.
UBND xã xác định quan điểm, để phòng chống DTLCP hiệu quả, người chăn nuôi là yếu tố chính để bảo vệ đàn heo của mình trước nguy cơ dịch bệnh nhằm chủ động có ý thức tự triển khai các giải pháp phòng chống.
Gia đình chị Nguyễn Thị Dâu, ấp Ninh Phú, xã Ninh Quới là một trong những hộ có quy mô chăn nuôi heo lớn của địa phương, với quy trình khép kín từ khâu lựa chọn giống bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng đến các quy trình chăm sóc heo con đến heo tơ.
Đặc biệt, nhờ vệ sinh chuống trại, tiêu độc khử trùng thường xuyên nên đàn heo của gia đình chị phát triển tốt, ít bị thiệt hại do dịch bệnh, đặc biệt là DTLCP.
Theo chị Dầu, nhờ thường xuyên chăm sóc theo dõi, vệ sinh chuồng trại hàng ngày, tiêu độc khử trùng theo định kỳ, heo được bổ sung thêm thức ăn tăng cường sức đề kháng nên phát triển tốt, không bị nhiễm DTLCP.
“Trước đó, khi nghe tin khu vực xung quanh nhà có nhiều hộ nuôi có heo bị nhiễm DTLCP, tôi rất lo lắng, dặn người trong nhà hạn chế ra đường. Đến nay, các hộ nuôi heo trong xã đã ổn định, không có hộ nào còn bị nhiễm bệnh nên tôi rất yên tâm”, chị Dậu chia sẻ.
Còn hộ ông Nguyễn Văn Cuộc, ấp Ngọn, xã Ninh Quới cho biết: Được chính quyền địa phương quan tâm cấp thuốc xịt sát trùng, quét vôi, ông đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành chức năng.
Trước đó, đầu tháng 8/2021, trên địa bàn huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) đã xuất hiện 1 con heo với trọng lượng gần 35 kg bị chết, có dấu hiệu của bệnh DTLCP của hộ ông Lâm Thanh Phương ở Ấp A1, Thị trấn Hòa Bình.
Cũng tại huyện Hòa Bình, cuối tháng 7/2021 cũng có 12 con heo với trọng lượng hơn 200 kg bị chết, có dấu hiệu của bệnh DTLCP của hộ bà Nguyễn Kim Em, ấp Đồng Lớn 1, xã Vĩnh Mỹ B.
Hiện nay, vẫn chưa có vacxin và thuốc điều trị DTLCP, nên việc ưu tiên giải pháp phòng bệnh là chính. Để tiếp tục phòng chống DTLCP hiệu quả trên địa bàn huyện Hồng Dân nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung, cần tiếp tục chuyển khai những phương án phòng ngừa.
Trong đó, chú trọng hướng dẫn người chăn nuôi heo thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại và thực hiện tốt các phương pháp chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống DTLCP. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn theo dõi, giám sát đàn heo để kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với heo bị bệnh, nghi bị bệnh.
Lãnh đạo ngành chăn nuôi tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ lúc đầu, khống chế không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện "5 không": Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt xác heo chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.