| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm trách nhiệm đảm bảo nguồn thu nhập

Chủ Nhật 25/07/2021 , 12:43 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, tôm nuôi thường phát sinh dịch bệnh, nhưng với những vùng nuôi đặt trách nhiệm cộng đồng lên hàng đầu thì thường tránh được rủi ro.

Trong năm nay, do nắng hạn kéo dài nên dịch bệnh rình rập tôm nuôi ở Bình Định. Thêm vào đó, trong năm 2020, trên địa bàn Bình Định không có lũ lớn, nên các vùng nuôi tôm ở tỉnh này phía hạ du không có nước lũ rửa trôi, nên những ô nhiễm từ những vụ nuôi năm trước còn tồn đọng. Do đó, trong cả đáy ao và môi trường bên ngoài đều bị ô nhiễm.

Vì vậy, tôm nuôi vụ đầu tiên năm 2020 ở Bình Định có nhiều diện tích bị dịch bệnh gây hại. Vậy nhưng những vùng nuôi tôm cộng đồng theo hướng an toàn sinh học vẫn “bình chân như vại”, không bị dịch bệnh tấn công, nhờ tuân thủ quy trình nên môi trường nguồn nước nuôi được bảo đảm.

Đơn cử như ở huyện Tuy Phước, địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh Bình Định. Trong vụ 1 năm 2021, huyện Tuy Phước thả nuôi tôm được hơn 970ha, trong đó diện tích nuôi theo phương thức bán thâm canh là 70ha, diện tích nuôi quảng canh cải tiến là 901ha. Tính đến nay, phần lớn diện tích tôm nuôi vụ 1 ở Tuy Phước đã được thu hoạch, năng suất ước đạt bình quân 957,7 kg/ha, tăng 1,64% so cùng kỳ; đạt sản lượng 930 tấn.

Vụ tôm đầu năm 2021 huyện Tuy Phước (Bình Định) thả nuôi được hơn 970ha diện tích mặt nước. Ảnh: Duy Khánh.

Vụ tôm đầu năm 2021 huyện Tuy Phước (Bình Định) thả nuôi được hơn 970ha diện tích mặt nước. Ảnh: Duy Khánh.

Theo ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, trong vụ nuôi vừa qua, tôm nuôi ở địa phương này chỉ có 1 ít diện tích bị bệnh môi trường. Những vùng nuôi tôm cộng đồng ở thôn Đông Điền (xã Phước Thắng) với 23,5ha và ở thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn) với 19,5ha cũng có 1 số hồ bị bệnh; tuy nhiên, nhờ những hộ nuôi tôm ở những vùng nuôi cộng đồng có trách nhiệm cao, không vì lợi ích của riêng mình, nên đã tuân thủ việc xử lý môi trường khi hồ tôm của mình bị rủi ro, nên dịch bệnh không có điều kiện lây lan.

“Trong vụ nuôi đầu tiên năm nay, tôm nuôi ở Tuy Phước chủ yếu bị bệnh môi trường, chỉ có khoảng 0,5ha bị bệnh hoại tử gan tụy cấp. Trong những vùng nuôi tôm cộng đồng cũng có 1 số hồ bị dính bệnh, nhưng nhờ bà con tuân thủ việc xử lý ao nuôi theo quy trình nên dịch bệnh không lây lan diện rộng”, ông Ân chia sẻ.

Cũng theo ông Ân, những hộ nuôi tôm cộng đồng theo hướng an toàn sinh học rất có trách nhiệm trong mọi công đoạn để đảm bảo môi trường cho cả vùng nuôi. Nhất là việc lấy nước vào ao nuôi phải tuân thủ nghiêm cẩn theo lịch. Khi tháo nước từ trong ao ra phải cho nước vào ao xử lý nước thải, tuyệt đối không tháo nước ra thẳng ngoài môi trường.

Nước trong các ao xử lý nước thải được các hộ nuôi tập trung xử lý hóa chất, đồng thời thả cá rô phi vào ao xử lý nước thải với mật độ 0,2 con/m2 để lũ cá ăn những chất tồn dư, đến khi nước đạt chuẩn mới xả ra môi trường.

Trong những vùng nuôi tôm cộng đồng, người nuôi tuân thủ việc xử lý ao nuôi nếu tôm của mình bị bệnh trước khi xả ra môi trường, để tránh việc lây lan bệnh ra vùng nuôi chung. Ảnh: Duy Khánh.

Trong những vùng nuôi tôm cộng đồng, người nuôi tuân thủ việc xử lý ao nuôi nếu tôm của mình bị bệnh trước khi xả ra môi trường, để tránh việc lây lan bệnh ra vùng nuôi chung. Ảnh: Duy Khánh.

“Điểm mạnh của mô hình nuôi tôm cộng đồng là khi có dịch bệnh xảy ra, nhóm hộ nuôi sẽ tổ chức họp, thống nhất đóng cổng toàn bộ, ao nuôi tôm bị bệnh tuyệt đối không được xả nước ra khỏi ao. Sau đó báo cáo ngành chức năng, đợi khi ngành chức năng xử lý xong mới được xả nước trong ao tôm dính bệnh ra ao xử lý nước thải nên không dẫn tới dịch bệnh lây lan.

Cũng may năm nay tôm bị bệnh khi còn rất nhỏ, mới thả nuôi khoảng 1-2 tuần, nên những hộ nuôi đủ thời gian cải tạo lại ao hồ, kịp thả nuôi vụ 1 nên diện tích nuôi tôm của huyện đảm bảo 100%”, ông Ân cho hay.

Tương tự, vùng nuôi tôm có diện tích 10ha của HTX Thủy sản Mỹ Thành, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) cũng thoát dịch bệnh nhờ các ao nuôi được bố trí “giãn cách” và tuân thủ quy trình bảo vệ môi trường vùng nước nuôi, trong khi những diện tích nuôi tôm trong vùng bị bệnh tràn lan.

Theo ông Lê Đình Đức, Giám đốc HTX Thủy sản Mỹ Thành, trong những năm qua, trên địa bàn phát sinh nhiều diện tích nuôi tôm tự phát với kiểu nuôi “mạnh ai nấy nuôi”, không quan tâm đến cộng đồng, dẫn đến môi trường vùng nước nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng làm phát sinh dịch bệnh. Thế nhưng đối với 10ha diện tích nuôi tôm của HTX vẫn bảo đảm an toàn trong vụ nuôi đầu năm 2021, tất cả các hồ nuôi đều có lãi.

Hầu hết diện tích nuôi tôm vụ 1 năm 2021 ở huyện Tuy Phước (Bình Định) đã thu hoạch, năng suất ước đạt bình quân 957,7 kg/ha, sản lượng đạt 930 tấn. Ảnh: Duy Khánh.

Hầu hết diện tích nuôi tôm vụ 1 năm 2021 ở huyện Tuy Phước (Bình Định) đã thu hoạch, năng suất ước đạt bình quân 957,7 kg/ha, sản lượng đạt 930 tấn. Ảnh: Duy Khánh.

“Các hồ nuôi của HTX được chúng tôi bố trí “giãn cách” hồ cách hồ 100m, xử lý nguồn nước nuôi bảo đảm an toàn, nên môi trường nguồn nước nuôi không bị ô nhiễm. Nhờ đó, vụ nuôi vừa qua tất cả các ao nuôi của HTX đều thành công.

Như trường hợp anh Đặng Văn Khanh, Trưởng ban Kiểm soát của HTX, với diện tích 2.500m2 ao nuôi, trong vụ nuôi đầu năm 2021 anh Khanh thu hoạch được 6 tấn tôm. Với giá bình quân hiện nay 100.000đ/kg (100 con), mỗi tấn tôm anh Khanh có thu nhập 100 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi tấn tôm anh Khanh còn lãi 40 triệu đồng. Như vậy, với 6 tấn tôm vừa thu hoạch, anh Khanh thu lãi được 240 triệu đồng”, ông Lê Đình Đức, Giám đốc HTX Thủy sản Mỹ Thành, cho hay.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.