| Hotline: 0983.970.780

Kon Tum có thể xảy ra động đất từ 5 - 5,5 độ richter

Thứ Ba 19/04/2022 , 18:22 (GMT+7)

Chuyên gia Viện Vật lý địa cầu cảnh báo, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có thể tiếp tục xảy ra các trận động đất lên tới 5 - 5,5 độ richter.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành cơ quan Trung ương và tỉnh Kon Tum để ứng phó với động đất trên địa bàn địa phương. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành cơ quan Trung ương và tỉnh Kon Tum để ứng phó với động đất trên địa bàn địa phương. Ảnh: Phạm Hiếu.

Động đất xảy ra thường xuyên hơn với xu hướng mạnh dần

Ngày 19/4, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành cơ quan Trung ương và tỉnh Kon Tum để ứng phó với động đất trên địa bàn địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông và lân cận đã ghi nhận được 33 trận động đất.

Trong thời gian gần đây, từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần.

Cụ thể, trong năm 2021 đến nay ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2,5 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, trong các ngày từ 15 - 18/4/2022 đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn từ 2,5 đến 4,5.

“Đây là con số tăng báo động vì trong gần 120 năm trước thời điểm này, khu vực Kon Plông chỉ ghi nhận 33 trận động đất, trong đó hai trận lớn hơn 3 độ richter. Dự báo sắp tới, khu vực Kon Plông có thể tiếp tục xảy ra các trận động đất lên tới 5 - 5,5 độ richter. Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi để có đánh giá thêm”, ông Nguyễn Xuân Anh nhận định.

Lý giải về nguyên nhân của những trận động đất gần đây trên địa bàn huyện Kon Plông, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, nếu là động đất kiến tạo, nguyên nhân là do tích lũy năng lượng dẫn đến động đất; còn với động đất kích thích, thông thường do một tác nhân nào đó như đập thủy điện có thể kích hoạt động đất sớm hơn.

Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum ngày 18/4. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu.

Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum ngày 18/4. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu.

“Theo nhận định sơ bộ của chúng tôi, tháng 3/2021, thủy điện Kon Tum có tích nước, sau đấy liên tiếp xảy ra các trận động đất. Đánh giá sơ bộ khả năng liên quan đến động đất, giống như ở thủy điện Sông Tranh 2”, ông Nguyễn Xuân Anh phân tích.

Thủy điện Thượng Kon Tum không tích thêm nước

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường theo dõi tình hình, diễn biến của động đất.

“Hiện nay khoảng thời gian từ khi xảy ra động đất đến lúc cung cấp thông tin có độ trễ. Đề nghị Viện Vật lý địa cầu, bằng nhiều phương pháp, phối kết hợp với các đơn vị thủy điện và địa phương để cung cấp thông tin nhanh chóng hơn. Song song, đề nghị Viện Vật lý địa cầu rà soát lại hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần để giảm độ trễ giữa thời điểm xảy ra động đất đến khi thông tin được cung cấp”, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Cùng với đó, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị sau khi có bản tin cảnh báo động đất, tất cả các cơ quan liên quan, theo chức năng nhiệm vụ, triển khai đầy đủ nhiệm vụ của đơn vị.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị các đơn vị cung cấp thông tin về động đất nhanh chóng hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị các đơn vị cung cấp thông tin về động đất nhanh chóng hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đối với tỉnh Kon Tum, ngay sau cuộc họp, Ban Chỉ đạo đề nghị UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh lên kế hoạch để khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả sự cố, dấu hiệu sau những trận động đất trên địa bàn vừa qua để xác định nguyên nhân, nguy cơ xảy ra tình huống mới có thể gây thiệt hại đáng tiếc.

Đặc biệt, ông Trần Quang Hoài đề nghị hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum không tích thêm nước, tránh việc gia tăng khả năng xuất hiện thêm động đất. Các hồ chứa thủy lợi cần tăng cường thường xuyên kiểm tra, các hồ xung yếu cần có bộ phận trực ban giám sát thường xuyên để công tác ứng phó được kịp thời.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp cho biết, vừa qua tâm lý của người dân địa phương có sự lo sợ do động đất ảnh hưởng đến đời sống. UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi diễn biến của động đất và dư chấn để kịp thời lên phương án ứng phó.

“Đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Viện Vật lý địa cầu có công tác kiểm tra nguyên nhân để dự báo mức độ ảnh hưởng cũng như đưa ra những cảnh báo kịp thời, những biện pháp ứng phó với động đất”, ông Nguyễn Hữu Tháp kiến nghị.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.