| Hotline: 0983.970.780

Kỳ II: Khám phá Tà Kơn

Thứ Ba 26/08/2008 , 11:00 (GMT+7)

“Biết bao đoàn cán bộ văn hoá đến Tà Kơn nhưng thành Tà Kơn vẫn còn là một bí ẩn” – anh Đinh Khuất – Xã đội phó xã Vĩnh Sơn cho hay.

“Biết bao đoàn cán bộ văn hoá đến Tà Kơn nhưng thành Tà Kơn vẫn còn là một bí ẩn” – anh Đinh Khuất – Xã đội phó xã Vĩnh Sơn cho hay.

>>Thành cổ Tà Kơn ngủ vùi trong truyền thuyết

Theo con đường “chăn nuôi” của đồng bào Bana, chúng tôi leo lên những con dốc “đầu gối chạm ngực” nối tiếp nhau. Vừa đi, anh Đinh Khuất - Xã đội phó xã Vĩnh Sơn, là con trai của già làng Đinh Chương vừa kể chuyện: “Những năm trước con đường này được gọi là “đường lâm tặc” bởi lâm tặc luôn tìm về khu thành Tà Kơn để khai thác những cây đại thụ. Khi bọn lâm tặc bị đuổi đi, con đường này được gọi là đường “chăn nuôi”. Gọi là đường chăn nuôi bởi bà con làng KonBlo dắt heo, bò theo con đường này xuống thung lũng dưới chân thành Tà Kơn thả. Ở đó, chúng tự tìm thức ăn, đến khi nhà có cúng giỗ thì vào bắt vài con về làm thịt. Chân thành Tà Kơn hiện đang trở thành khu chăn nuôi gia súc thả rông của người làng KonBlo”.

Con đuờng cao dần, cao dần, quanh chúng tôi là rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ có gốc to đến 4 người ôm. Cơn mưa nguồn còn ướt đẫm lá cành càng khiến đại ngàn thêm âm u, huyền bí. Thế nhưng lực hút của thành cổ Tà Kơn làm chúng tôi quên hết mệt nhọc. Đã gần hai tiếng đồng hồ trôi qua mà bước chân của người dẫn đường vẫn thoăn thoắt, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Leo đến chỗ bằng phẳng, anh Đinh Khuất bỗng nói: “Các anh nghỉ chân một tí, còn 15 phút nữa là tới thành”. Chỉ khoảng rừng bằng phẳng trước mắt, anh kể: “Tổ tiên người Ba Na ở làng Kon Blo có nhiều người đi làm phu xây thành Tà Kơn. Để đến nơi làm việc, tổ tiên chúng tôi không được phép đi trên đường bộ đến thành mà phải đu người theo một cái dây kéo dài, cao đến hàng trăm mét, từ núi Kon Hray phía bên kia băng qua suối Trú đến thành. Đây là nơi tổ tiên chúng tôi nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt nhọc. Từ đây có thể nhìn thấy con suối Trú ở dưới kia và thác DáBda là nơi mà công chúa BiaTơni xinh đẹp thường tắm. Và mỗi khi công chúa tắm, mặt trời trên đỉnh núi toả sáng, mặt nước rực rỡ những sắc cầu vồng”.

Điểm đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy thành cổ là những nấc thang bằng đá cao chót vót. Chung quanh vô số tảng đá lớn nằm chất chồng lẫn nhau. Anh Khuất tiếp tục câu chuyện của mình: “Khi đi xây thành Tà Kơn, người làng Kon Blò mang theo đao, rựa… Đến nơi, nhà vua mang ra những hòn đá mài đặc biệt và đao, rựa được mài từ những hòn đá này chặt đá xây thành như chặt củi. Một hôm, có người làng nghĩ đao, rựa của mình có khả năng chặt đá mới đem chặt thử hòn đá trước nhà, nào ngờ cây rựa bị gãy làm đôi. Bây giờ, những hang sâu còn lại trong thành Tà Kơn là do người đời sau đi tìm đá mài của hai vua Trum, Trăm đào bới, nhưng chẳng ai tìm được loại đá kì lạ kia. Những hòn đã mài linh thiêng ấy chỉ phục vụ cho việc xây thành Tà Kơn mà thôi”.

Cuối cùng thì thành cổ Tà Kơn đã sừng sững hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ trên đỉnh thành nhìn xuống, những hố sâu rợn ngợp, bức tường thành toàn những phiến đá khổng lồ chất chồng theo một đường thẳng đứng. Phải trườn mình qua từng phiến đá, bám tay vào những dây leo, chúng tôi mới thấy hết sự hùng vĩ của Tà Kơn. Mỗi phiến đá hình lục lăng, hình hộp mài nhẵn xếp chồng lên nhau như được gắn với nhau bằng một thứ vữa vô hình. Cứ thế, đá xếp thành bức tường thành cao đến hai, ba chục mét. Đôi chân anh Khuất bước trên những tảng đá bám vào dây leo đi thoăn thoắt, nếu không chờ đợi chắc anh đã bỏ chúng tôi lại giữa đường. Nhìn anh, tôi cứ nghĩ ngày xưa tổ tiên của anh cũng đã từng đi như thế để xây thành, nhưng chẳng thể hình dung được làm sao người ta vận chuyển được những hòn đá to như thể để ghép chúng lại với nhau.

Anh Khuất lại kể: “Ngày xưa, hai anh em vua Trum, Trăm bố trí trên mặt thành nhiều tảng đá rời. Mỗi khi quân giặc đến, áp sát chân thành thì binh lính bên trên thành sẽ lăn những tảng đá kia xuống chặn bước tấn công của địch”.

Ngay đầu tường thành có một hang đá sâu thẳm, tối om. Theo lời anh Khuất thì hang đá này là con đường bí mật dẫn đến thung lũng dưới chân thành nơi có nhà ở của hai vua Trum, Trăm. Hiện dưới thung lũng vẫn còn dấu tích nhà rông của hai vua bằng đá. Sinh thời, khi hai vua chưa ở trên thành, dưới thung lũng kia, hai anh, em Trum, Trăm nuôi nhiều gia súc, nhất là trâu và ngựa. Khi bị giặc tấn công, 2 anh em đã dùng con đường này để dẫn gia súc lên thành. Khi đạp đổ thành để chạy trốn Bok Tơpơnka, hai vua cũng dùng con được bí mật này. “Những năm trước, thanh niên trong làng Kon Blò rủ nhau cầm đuốc vào sâu trong hang đá nhưng chỉ phát hiện toàn những dấu chân trâu, bò. Nhưng bây giờ hang đá này bị sập, những phiến đá đã chặn mất cửa ra vào”- anh Khuất cho biết thêm.

Do vẻ đẹp hùng vĩ lôi cuốn, quên mất sợ sệt, chúng tôi “đu” trên những sợi rễ cây rừng khá to, đi men theo tường thành để thưởng thức tuyệt tác Tà Kơn, nhưng cũng chỉ đi được chừng 500 mét rồi phải dừng lại vì kiệt sức. Anh Đinh Khuất cho biết: “Chưa một đoàn khách nào đi hết tường thành này. Người Ba Na đã quen đường nhưng muốn đi hết cũng phải mất một ngày. Trong các cuộc kháng chiến Pháp, Mỹ, thành cổ Tà Kơn trở thành căn cứ địa của bộ đội giải phóng vào những năm 1961, 1962… Ngay sát thành cổ Tà Kơn, hiện vẫn còn dấu tích sân bay quân sự Bok Húi của Mỹ để lại”.

Trên đường về, anh Đinh Khuất tâm sự: “Thành Tà Kơn đang dần bị phá huỷ. Chẳng mấy người biết đến nó, chỉ có người Ba Na ở Kon Blo còn lấy nó làm niềm tự hào nhưng liệu nó còn tồn tại được bao lâu nữa? Biết bao đoàn cán bộ văn hoá đến Tà Kơn nhưng chả thấy kết quả nghiên cứu gì!”.

Không chỉ riêng dân làng KonBlo mà người Bình Định cũng đang rất mong mỏi thành cổ Tà Kơn nhanh chóng được các nhà nghiên cứu và ngành chức năng đánh thức. (Hết)

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Lần thứ 4 vô địch liên tiếp Ngoại hạng Anh cho Man City?

Ngoại hạng Anh đã bước đến vòng đấu cuối, cuộc đua tìm ra nhà vô địch vẫn đang vô cùng căng thẳng, Man City lợi thế hơn Arsenal 2 điểm.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.