| Hotline: 0983.970.780

Kỳ lạ đất 'ảo' được chính quyền cấp sổ đỏ và cho mua bán nhiều lần

Thứ Hai 30/10/2017 , 09:13 (GMT+7)

Hơn chục năm, một mảnh đất không có thực được chính quyền cấp sổ đỏ gắn vào Trung tâm Thương mại Cái Khế (Ninh Kiều, Cần Thơ), cho mua bán và còn xác nhận để thế chấp vay tiền ở nhiều ngân hàng.

10-24-26_2910171
Nền đất lô 34 (có hai xe máy đậu trước) duy nhất còn trống trong dãy phố sầm uất nhà cao tầng

Khi phát hiện đất “ảo”, mấy năm nay, hành chính và tư pháp đưa đẩy giải quyết chưa xong.
 

Sao bán đất của tôi?

Hồi đó, Trung tâm Thương mại Cái Khế mới mở ra, có các nền phố. Vợ chồng ông Trang Văn Nông mua một nền, được cấp sổ đỏ ngày 24/9/2001, ghi diện tích 84m2 ở lô số 34, trục đường C2 kèm số thửa, số tờ bản đồ đầy đủ. Cái sổ đỏ này cũng có số, được vào sổ của hệ thống quản lý… như thật, với chữ ký của Chủ tịch và con dấu UBND Cần Thơ hoàn toàn thật. Để có sổ đỏ, vợ chồng ông Nông phải có đơn qua UBND phường, được Trung tâm Đo đạc bản đồ của Sở TN-MT vẽ “lược đồ giải thửa”, và nộp nhiều loại thuế. Trong thực tế, lô đất số 34 đã có chủ khác.

Dù đất “ảo” nhưng có sổ đỏ, vợ chồng ông Nông bán cho vợ chồng ông Ngô Minh Phong, cũng qua đủ cơ quan từ dưới lên. Xác nhận của UBND phường Cái Khế: “Về hiện trạng thửa đất: không có tranh chấp. Về điều kiện chuyển nhượng: đủ điều kiện, đất trong khu Trung tâm Thương mại Cái Khế. Về mặt quy hoạch: UBND phường thuận. Kính chuyển UBND quận giải quyết”. Phòng TN-MT quận Ninh Kiều thẩm tra và ghi: “Đúng theo hồ sơ chứng nhận quyền sử dụng đất có vị trí trên bản đồ và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Lên UBND quận Ninh Kiều “thuận” cho chuyển nhượng. Sau khi nộp các loại thuế, ngày 28/1/2012, vợ chồng ông Phong được Sở TN-MT sang tên sổ đỏ mảnh đất.

Năm 2005, gặp khó khăn nên vợ chồng ông Phong bán mảnh đất cho một người quen rồi khi qua khó khăn, đã mua lại. Hai lần mua bán này cũng qua đủ cơ quan nhà nước theo quy định. Từ năm 2009 đến 2011, vợ chồng ông Phong 6 lần đem đất thế chấp để vay tiền ở nhiều ngân hàng, cứ trả khoản trước thì vay tiếp khoản sau. Lần vay cuối, không trả được và bị ngân hàng kiện ra tòa.

Ngày 22/3/2013, TAND quận Thốt Nốt có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự vụ án kinh doanh thương mại “tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Theo đó, bên vay tiền phải trả cả vốn và lãi cho ngân hàng trong vòng 4 tháng, nếu không trả được, yêu cầu thi hành án phát mãi mảnh đất thế chấp. Khi vợ chồng ông Phong cắm bảng bán mảnh đất thì một người phụ nữ xuất hiện la lên: “Sao bán đất của tôi?”, bà là chủ thực sự của mảnh đất với sổ đỏ đầy đủ.
 

Trách nhiệm của ai?

Có sự trùng hợp ngẫu nhiên hy hữu, qua nhiều năm, Trung tâm Thương mại Cái Khế đã sầm uất với các dãy phố nhà cao tầng. Tuy nhiên, lô đất số 34 ấy vẫn để trống. Mỗi lần mua bán hoặc thế chấp vay tiền ngân hàng, các bên liên quan đến coi đất, được cán bộ địa phương xác nhận nên tin tưởng. Chủ đất thật sự của đám đất, sau khi xuất hiện ngăn vợ chồng ông Phong cắm bảng bán đất, mới cất lên mái tôn tựa vào tường hai tòa nhà cao tầng láng giềng để giữ đất mà không ở.

Thanh tra thành phố Cần Thơ kết luận: việc cấp sổ đỏ mảnh đất cho vợ chồng ông Nông từ ban đầu là “trái với quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, vợ chồng ông Nông bán mảnh đất cho vợ chồng ông Phong lại “không có dấu hiệu lừa đảo”, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Cần Thơ kết luận như vậy. Sai là ở chính quyền địa phương!

Năm 2015, vợ chồng ông Phong gửi đơn yêu cầu UBND và Sở TN-MT thành phố Cần Thơ bồi thường giá trị mảnh đất 4,2 tỷ đồng hoặc giao mảnh đất tương đương. Nhưng UBND thành phố có công văn hướng dẫn vợ chồng ông Phong kiện ra tòa, bởi việc xử lý thiệt hại trong trường hợp này phải có bản án của tòa.

Cuối năm 2016, vợ chồng ông Phong khởi kiện đòi UBND thành phố bồi thường 4,2 tỷ đồng. Nhưng ngày 10/1/2017, TAND thành phố Cần Thơ trả đơn, cho rằng chưa đủ điều kiện để khởi kiện là “chưa được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại giải quyết theo quy định tại Mục 2, Chương 2 của Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước”. Vợ chồng ông Phong trở lại yêu cầu UBND thành phố Cần Thơ bồi thường thiệt hại thì ngày 25/7/2017, UBND thành phố hướng dẫn họ “khởi kiện ông Trang Văn Nông đến tòa án để được xem xét, giải quyết”.

Không đồng ý với hướng dẫn khởi kiện ông Nông vì đã hết thời hiệu luật định, vợ chồng ông Phong tiếp tục đòi UBND thành phố Cần Thơ bồi thường. Ngày 25/9/2017, UBND thành phố có công văn trả lời là “chưa thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố”, mà cần phải xác định “người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận trái pháp luật bị xử lý theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Luật Đất đai”. Nhưng có quá nhiều cơ quan liên quan sai trái với mảnh đất nên ngày 10/10, vợ chồng ông Phong làm đơn yêu cầu “Chủ tịch UBND thành phố ban hành văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ của vụ việc nêu trên”.

Box: Theo dõi vụ việc hy hữu, luật sư Phạm Hồng Du ở Văn phòng Luật sư Vạn Lý - Cần Thơ cho rằng, qua đây thấy rất rõ sự phức tạp và yếu kém trong quản lý đất đai hiện nay. “Dù sao, cũng cần UBND thành phố Cần Thơ xác định được trách nhiệm công vụ cụ thể để sửa sai có kết quả”, luật sư Du nói.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm