Khí hậu ở Miền Đông Nam bộ có thời gian khô hạn rất dài thuận lợi cho sầu riêng ra hoa tự nhiên, nhưng cần phải có đủ nước tưới và có biện pháp làm tăng ẩm độ không khí sau khi cây ra hoa hoa mới phát triển và đậu trái tốt được.
Còn đất ở vùng này ngoại trừ đất đỏ bazan, số còn lại hầu hết nghèo hữu cơ, độ phì nhiêu thấp cần phải bón phân đầy đủ, cân đối cho sầu riêng.
Những việc cần phải làm khi xử lý ra hoa, đậu trái sầu riêng như sau:
Tỉa cành: Sầu riêng không ra hoa ở ngọn mà ra hoa mang trái trên thân và cành chính, vì vậy nguyên tắc tỉa cành phải giữ lại những cành chính khoẻ mạnh cách mặt đất trên 50cm.
Ngay sau khi thu hoạch cần tỉa cành lần thứ nhất, kết hợp với sửa tán. Cắt bỏ cành khô, cành bị sâu bệnh, ốm yếu bị che khuất trong tán và những cành mọc không đúng vị trí.
Khi cây quá cao (trên 7m) cần cắt ngọn để hãm bớt chiều cao thuận lợi cho quá trình chăm sóc, thu hoạch. Khi tỉa cành, những vết cắt có đường kính trên 1 - 2cm cần được quét sơn, vôi hoặc thuốc trừ nấm hay dùng băng keo nilon bịt vết cắt sao cho không thấm nước.
Sau mỗi lần cắt phải dọn vệ sinh cành, nhánh đã cắt để hạn chế mầm bệnh phát tán, có thể dùng vôi bột pha nước quét lên thân cây từ mặt đất đến khoảng 1m.
Bón phân: Sau khi tỉa cành để cây mau phục sức, ra cơi đọt mới chuẩn bị cho vụ tiếp theo, cần bón phân NPK có tỷ lệ N và P2O5 cao. Nên sử dụng phân chuyên dùng Đầu Trâu AT1 để bón với liều lượng 1,5 - 2,5 kg/cây tùy theo tuổi cây.
Nếu cây sinh trưởng kém có thể bổ sung thêm 0,2 - 0,4 kg phân Đạm Vàng Đầu Trâu 46A+. Nếu đất chua có pH dưới 5,5 cần bón phân Đầu Trâu Bio Canxi để cải tạo đất và bổ sung vi sinh.
Sầu riêng trồng trên đất xám bạc màu ở Đông Nam Bộ mặc dù có đủ lá nhưng kích thước lá thường nhỏ do đất nghèo dinh dưỡng khoáng.
Cho cây ra lá: Cho cây ra đọt là tạo lá cho cây. Để cây mau ra đọt cần phun phân MKP cho cơi đọt đang có mau già, sau khi lá cơi đọt này trưởng thành phun phân bón là có hàm lượng N cao tạo cơi đọt tiếp theo. Nếu sau thu hoạch mà cây có ít lá, cần tạo 3 cơi đọt.
Nếu cây còn sung mãn nhiều lá thì chỉ cần 2 cơi là đủ. Cây quá nhiều lá sẽ tạo ra lá "ăn bám" khuất bên trong tán do không nhận đủ ánh sáng để quang hợp. Do thời gian tạo lá trong mùa mưa, cần khai thông rãnh nước không để rễ bị úng nước cục bộ và lây lan bệnh thối thân, thối rễ do Phytophthora trong vườn.
Cho cây sầu riêng ra hoa: Sầu riêng ra hoa tự nhiên từ tháng 1 – 2 dl, đây là thời điểm bắt đầu mùa khô, nhưng để hoa trổ rộ hơn cần làm những việc sau:
Tỉa cành: Trước khi bón phân xử lý ra hoa cần xén tỉa cành lần thứ 2. Cắt bỏ những cành vượt là cành mọc thẳng đứng từ trong thân và cành chính; Loại bỏ cành bị sâu bệnh, cành khô và “cành rết” là cành có nhiều cành con hai bên.
Bón phân: Sau khi sầu riêng đã có đủ lá (cơi đọt cuối), cần bón 1 đợt phân khoáng có tỷ lệ P2O5 và K2O cao để giúp cho lá mau già, chặn không cho cây ra đọt mới, đồng thời thúc đẩy phân hóa mầm hoa.
Nên sử dụng phân chuyên dùng Đầu Trâu AT2 để bón với liều lượng 1,5 - 2,5 kg/cây (1,5-2 tháng trước khi cho ra hoa). Đồng thời Phun phân có P và K cao + B.
Tạo khô hạn: Khi cây ra được 2 - 3 lần đọt, lúc đọt lần cuối có màu xanh đậm (khoảng 8- 9 tuần tuổi) và đã bón phân lần 2 được 30 - 40 ngày tiến hành ngưng tưới nước tạo khô hạn để cây phân hóa mầm hoa và ra hoa.
Có thể phủ nylon trên mặt đất xung quanh gốc để ngăn chận những cơn mưa cuối mùa. Cây sầu riêng chỉ cần bị thiếu nước (stress nước, ẩm độ đất dưới 30%) 1-2 tuần là đủ để ra hoa. Tuy nhiên, thời gian tạo cho đất khô hạn lâu hay mau tùy theo loại đất, thời tiết, mực thủy cấp trong đất. Nếu không mưa thì thường kéo dài khoảng 2-3 tuần.
Thời gian khô hạn không đủ thì cây cho ít hoa. Nhưng không có nghĩa khô hạn càng dài càng cho nhiều hoa. Vì vậy, khi thấy cây sầu riêng bắt đầu ngủ ngày (héo rũ giữa trưa) mà chưa ra hoa (lú mắt cua) hay ra rất ít thì nên tưới nước trở lại để cây không bị tổn thương. Khi cây hồi phục hoàn toàn mới tiến hành xử lý ra hoa lại. Lưu ý phòng trừ nhện đỏ, bọ trĩ trong thời gian tạo khô hạn. (Còn nữa...)