Nghĩ là do quá trình làm nhà công nhân rửa ximăng, nước chảy xuống mương, trong ximăng có chất clinker, chất này làm tốt cây cối nên khi rải phân cho lúa ông liền làm thử một luống để so sánh. Sau khi thử nghiệm ông thấy lúa ở luống rải ximăng cũng có độ xanh tốt giống như các luống còn lại.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Có - nông dân ấp Long Thành, xã Long Hậu - cũng nhiệt tình áp dụng và cho rằng thấy lúa tốt, có năng suất, giá thành hạ và ít sâu nên áp dụng.
Kể về quy trình rải ximăng cho lúa, ông Có hướng dẫn khá tận tường: lúa sau khi sạ xong, bốn ngày rải 5kg urê/công (1.000m2), khoảng 12 ngày trộn thêm 10kg ximăng với 10kg urê, đợt 2 khoảng 25 ngày tiếp tục như vậy và đợt 3 trộn thêm 5kg kali thì thấy lá tốt, không sâu bệnh, giảm đáng kể chi phí.
Cũng theo ông Có, một số nông dân khác ở xã Hòa Long, Tân Phước cũng áp dụng “mô hình” này và đều cho kết quả tốt.
Ông D.S., chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp lớn ở thị trấn Lai Vung, xác nhận có nghe thông tin nông dân thử nghiệm “sáng kiến” này. Ông S. có khuyến cáo người dân không nên sử dụng như vậy nhưng không biết người dân có nghe hay không.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hùng, chủ tịch UBND xã Long Hậu, tỏ ra ngạc nhiên khi nghe thông tin này. “Nếu biết được ai làm tui sẽ cản ngay và sẽ nhờ cơ quan chuyên môn xuống khuyến cáo” - ông Hùng nói.
Còn ông Nguyễn Phước Tuyên, trưởng phòng nghiên cứu khoa học và thông tin Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho rằng: “Ximăng dù có chứa chất clinker nhưng chất này cũng chẳng có tác dụng gì đối với cây trồng, chỉ tốn tiền thôi. Đó là chưa kể ximăng còn làm hư cấu trúc đất nên tuyệt đối không được dùng bón cho lúa, hoa màu...”.