Trước hết, xin chúc các bà, các mẹ, các chị, các bạn, các em và các cháu trong ngày kỉ niệm này. Càng vui hơn, nếu phụ nữ thế giới chỉ có một ngày thì phụ nữ Việt Nam có tới hai ngày để kỉ niệm. Đó là ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Ảnh minh họa |
Trở lại với lời thở dài của người bạn nói ở trên, có lẽ đấy là cái cảm giác bất chợt trước một hiện tượng có thật đang diễn ra những năm gần đây. Đó là ở ta có quá nhiều những ngày lễ lạt, kỉ niệm.
Tính từ đâu năm, sau tết dương lịch là hàng loạt những ngày lễ lạt, hội hè. Nào 23 tháng chạp với ông Táo chầu giời. Rồi tết Nguyên đán dài đằng đẵng, nhiều nơi nghi cả tháng trời.
Hàng xóm của tôi xây nhà, thợ nghỉ từ 21 tháng chạp đến… hết tháng giêng vẫn chưa tụ đủ quân dù trước đó đã hứa lên, hứa xuống là lên làm vào ngày 16 tháng giêng. Bức xúc, anh chủ nhà thốt lên: Làm ăn thế này, nghèo là phải!
Ngày tết Nguyên đán vừa qua lại tiếp đến Ngày tình nhân 14/2 và 22 ngày sau là ngày Quốc tế Phụ nữ rồi liên miên các ngày hội hè, lễ lạt…
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có gần 9.000 lễ, hội các loại.
Thời gian gần đây, đền chùa mọc lên như nấm. Không ít nơi, thần phật trở thành “hàng hóa”. “Công ty nhà chùa, thị trường thần thánh, sư sãi doanh nhân” và xuất hiện “tầng lớp phú tăng”, sử dụng xe sang, ở phòng mát lạnh.
Đành rằng đời sống kinh tế đi lên, “Phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng chúng ta chưa phải giàu có gì. Đời sống nhân dân nhiều nơi vẫn còn rất khó khăn. Trường học, bệnh viện, cầu đường… đã và đang là mối lo thường nhật.
Đang ngày vui, lại nói chuyện này e rằng không phải lắm. Nhưng quả thật, người viết bài này đã quá mệt mỏi với lễ lạt, hội hè, kỉ niệm…
Song, nhân ngày 8/3, cũng xin một lần nữa chúc các bà, các mẹ, các chị, các bạn, các em và các cháu ngập tràn hạnh phúc nhưng cũng giản dị, tiết kiệm…