Bà Trương Thị Thanh bên nương dứa thối của gia đình |
Biết tin, nhiều thương lái đã đặt cọc tiền liền tìm đến hủy hợp đồng, đòi tiền đặt cọc. Những người nông dân lại một lần nữa khóc trên những nương dứa thối!
Những ngày qua, Báo NNVN liên tục nhận được phản ánh của người dân xã Bản Lầu về câu chuyện dứa thối. Có những cuộc điện thoại đôi khi bị ngắt quãng bởi tiếng khóc nấc nghẹn ngào. Chúng tôi đã vào cuộc và xác minh.
Vượt qua năm 2017 đầy khó khăn, hàng trăm hộ dân ở Bản Lầu cắn răng trồng vụ dứa mới. Với tổng diện tích trên 700ha, đây là vựa dứa lớn nhất của tỉnh biên giới Lào Cai. Giá trị kinh tế cây dứa mang lại cho Bản Lầu khoảng xấp xỉ 50 tỷ đồng/năm.
Chị Nùng Thị Lan, thôn Na Mạ 2, hộ có diện tích dứa lớn nhất trong thôn cho biết, mọi năm, mỗi vụ gia đình chị thu khoảng hơn 200 tấn dứa. Như vậy, nếu giá cả ổn định sẽ thu về được hơn 800 triệu đồng/vụ. Buồn thay, nhiều ha dứa của gia định chị thời gian qua bỗng nhiên vàng úa, bổ ra bên trong thối đen.
Các quả dứa có hiện thượng nhũn, thối đen từ bên trong |
“Dứa chín là sẽ bị thối buộc chúng tôi phải bán dứa xanh. Thế nhưng cả đồi dứa hàng trăm tấn, họ đến mua cũng chỉ bẻ được nửa xe thùng cỡ nhỏ rồi đi. Vụ này không đủ cả tiền phân bón chứ chưa tính đến tiền công”, chị Lan chua xót nói.
Gần đó, nương dứa 12 vạn gốc đang cho thu hoạch của gia đình bà Trương Thị Thanh, thôn Na Mạ 1 cũng có dấu hiệu thối nhũn. Nương dứa này đã được thương lái tới đặt cọc từ đầu vụ số tiền 120 triệu đồng. Qua kiểm tra, bà Thanh phát hiện có khoảng hơn một nửa diện tích dứa gặp hiện tượng thối lõi, mắt nhũn, ủng nước, lá khô vàng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Bản Lầu, đến thời điểm này, diện tích dứa bị thối nằm ở 4 thôn là Nạ Mạ 1, Na Mạ 2, Trung tâm và Km 15. Có ít nhất 20 hộ dân đã báo cáo bị thiệt hại với diện tích hàng chục ha. |
Theo bà Thanh, khi biết tin, các thương lái đã đến kiểm tra rồi hủy hợp đồng, đòi lại số tiền đặt cọc đồng thời từ chối nhập hàng.
“Con trai tôi đến nương dứa kiểm tra rồi về nhà thảng thốt kêu: Mẹ đừng lên nương dứa, lên nhìn thì xót mà ngất mất thôi. Lên xem thì đúng là khóc không ra nước mắt. Cả nương dứa, quả nào quả nấy đều nặng trên 1 kg, to, tròn như những con lợn con đành bỏ thối giữa đồi vì không ai mua”, bà Thanh giọng buồn rầu.
Tương tự nhà chị Lan, bà Thanh, diện tích dứa của gia đình bà Trương Thị Nhâm dù đang ra quả non nhưng đã bắt đầu bị sạm đi, táp lá như bị phun thuốc cỏ cháy.
Bà Nhâm khẳng định, số dứa này chắc chắn sẽ chết bởi bộ lá đã hỏng. Bên cạnh dứa quả, nhiều gốc dứa người dân giữ lại để lấy cây con làm giống cũng bị táp lá, khô héo phải bỏ đi.
Sau khi kiểm tra, nhiều thương lái đã hủy hợp đồng mua bán |
Trao đổi với NNVN, ông Phạm Xuân Thịnh, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương cho biết, việc người dân phản ánh nhiều diện tích dứa bị thối nhũn bất thường là đúng. Tuy nhiên, về nguyên nhân thì chưa thể kết luận ngay và phải đợi các cơ quan kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Cũng theo ông Thịnh, huyện đã và đang cử cán bộ xuống cùng làm việc với xã, người dân để thống kê thiệt hại ban đầu.
Đồng thời, UBND huyện Mường Khương đã có văn bản gửi các sở NN-PTNT, TN-MT báo cáo về hiện tượng dứa chết bất thường tại xã Bản Lầu. Địa phương này đề nghị các sở cử các đoàn kiểm tra, lấy mẫu phân tích xác định rõ nguyên nhân để xử lý.
Nhiều diện tích dứa non cũng có nguy cơ bị hỏng |
Vụ dứa năm 2017, hàng trăm ha dứa của người dân xã Bản Lầu cũng thối nhũn, chết bất thường. Sau quá trình xác minh, làm rõ, nguyên nhân được chỉ ra là do khí thải từ Nhà máy luyện kim màu Bản Lầu thoát ra, gây ảnh hưởng. Sau đó, đơn vị này đứng ra chịu trách nhiệm, đền bù 2,6 tỷ đồng cho người dân. Tới ngày 30/11/2017, nhà máy này được tỉnh Lào Cai cho phép chạy thử trở lại sau khi hoàn thiện hệ thống xử lý khí thải, thời hạn 1 tháng. |