| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để phát huy hết vai trò của đại biểu Quốc hội?

Thứ Hai 22/07/2019 , 16:02 (GMT+7)

Công tác chuyên trách ở Quốc hội 20 năm, 15 năm làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nay bước sang tuổi 81, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng vẫn luôn trăn trở về vai trò và những hạn chế trong công tác của đại biểu Quốc hội.

Phân tích về vấn đề có quá nhiều đại biểu vắng mặt tại kỳ họp thứ 7 khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải lên tiếng và xôn xao trong dư luận thời gian vừa qua, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng: Cách sinh hoạt Quốc hội của ta như hiện nay thì còn có Đại biểu Quốc hội khó có thể tham gia đầy đủ các phiên họp. Một kỳ họp ngồi liên tục cả tháng trời.

Ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Đinh Tùng.

Nhưng nguyên nhân chính, theo ông Vũ Mão, đại biểu của ta đa phần không phải là chuyên trách, họ còn bao nhiêu công việc khác, vừa họp vừa sốt ruột, phải tranh thủ giải quyết công việc.
 

Còn đại biểu có tâm lý ngại

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của dại biểu Quốc hội hiện nay?

Tôi cho rằng, với vai trò của mình, các đại biểu Quốc hội hiện nay đang chịu những áp lực ghê gớm. Những đòi hỏi của cử tri, của nhân dân thì rất nhiều, trong khi đại biểu chỉ là những người trung gian mang ý kiến của cử tri, của nhân dân để phản ánh. Bản thân cơ chế này tự họ không giải quyết các công việc được. Vì vậy, có đại biểu sau những lần tiếp xúc cử tri đã có tâm lý ngại. Cũng phải thôi. Một vấn đề cử tri phải hỏi đi hỏi lại mãi thì làm sao yên tâm được, trăn trở lắm.

Điều đó còn dẫn đến vi?c cử tri cũng thấy sốt ruột vì phải chờ đợi.

Ở đây, có các vấn đề cần đặt ra để phân tích:

Thứ nhất, tiêu chuẩn chọn đại biểu mang tính cơ cấu, cơ cấu giới tính, cơ cấu thành phần, cơ cấu nghề nghiệp... Tất nhiên cơ cấu là cần thiết nhưng nếu cơ cấu không tốt thì không thể đòi hỏi họ phát huy tốt vai trò, đòi hỏi họ trở thành những nghị sĩ theo đúng nghĩa. Và nếu không kỹ lưỡng thì lựa chọn phải đại biểu không đủ trình độ, kiến thức để bàn, để đóng góp, xây dựng những vấn đề quốc gia đại sự được.

Thứ hai là môi trường và điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội. Ở nhiều nước, họ rất coi trọng vai trò của đại biểu Quốc hội, của nghị sĩ và được tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Mỗi nghị sĩ đều có một văn phòng cho mình tại nơi ứng cử, có người thường trực ở đấy để gần dân, sát dân, lắng nghe và chuyển tải tâm tư nguyện vọng, đề xuất khiếu nại của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nhưng ở mình chưa có. Đa phần các đại biểu của mình không chuyên trách. 

Nói cách khác đại biểu Quốc hội ở ta chưa có đủ điều kiện tốt nhất để phát huy hết được vai trò của mình.

Thưa ông, có vẻ đại biểu “đốt nóng” nghị trường dường như ít đi, theo ông là vì sao?

Đúng là ở các khoá của Quốc hội, có nhiều nhân vật tiêu biểu, phát biểu tâm huyết, quyết liệt và được nhân dân yêu mến. Họ “nói phải củ cải cũng phải nghe”. 

Chúng ta cần tổng kết và đặt ra vấn đề đại biểu Quốc hội phải thể hiện trên nghị trường như thế nào để có được bản lĩnh, thể hiện đúng vai trò của đại biểu. Trong đó, cần phải phân tích sâu hơn, để thấy vì sao có đại biểu Quốc hội chưa phát huy được vai trò của mình thì có vấn đề của cá nhân đại biểu nhưng có cả vấn đề về cơ chế, về chính sách...

Ví dụ, tương ứng với nhiệm kỳ khóa X và khóa XI của Đảng là khóa XII và XIII (năm 2006 đến năm 2016) của Quốc hội. Giai đoạn đó nảy sinh vấn đề mà chúng ta cùng nhìn thấy là vấn nạn tham nhũng, các cấp lãnh đạo và cả người dân cùng trăn trở... Không ít đại biểu biết và muốn lên tiếng lắm chứ, nhưng có thể còn là vì nhiều lẽ nên ngại ngùng. Tất nhiên, có vấn đề trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là họ đã không thể đi đến cùng các sự việc, tuy nhiên, cũng có thể cách thức làm việc còn chưa tạo điều kiện tốt nhất để đại biểu đi đến cùng sự việc.

Ảnh: Đinh Tùng.
Cơ chế chống tham nhũng của chúng ta còn chưa rõ ràng. Kê khai tài sản rồi để đấy, không xác minh, không làm rõ đến cùng. Đây là những vấn đề rất không tốt, gây nhiều tác hại. 

Trong khóa XIII, Quốc hội đưa vấn đề liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp ra bàn. Chủ trương này đã có gần 20 năm rồi nhưng đến khóa XIII vẫn tranh luận xem nhà nào có trách nhiệm chính. Mỗi người nói một kiểu nhưng rồi chúng ta chưa đi đến cùng và cũng chưa có kết luận gì cả. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mỗi nhà không được làm rõ, nhà nào là quan trọng nhất.

Gần đây có chủ trương hỏi nhanh đáp gọn, đó là một sáng kiến nhưng cũng có khía cạnh phải bàn thêm...
 

Đổi mới của Quốc hội là rất đáng trân trọng

Từ vai trò để đáp ứng sự kỳ vọng đến những hạn chế của đại biểu Quốc hội như ông nói, trong bối cảnh ấy, ông thấy những đóng góp của họ như thế nào?

Tổng quát về hoạt động nghị trường của Quốc hội Việt Nam trong mấy chục năm vừa qua phải khẳng định chúng ta có những thành tựu nổi bật, đặc biệt là sau Đổi mới từ 1986 đến nay.

Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 chúng ta nhấn mạnh Đổi mới toàn diện. Tuy nhiên, thực tiễn mấy chục năm vừa qua cho thấy ở một số khâu chúng ta còn chậm. Cũng cần nói rõ, trong bối cảnh ấy thì đổi mới của Quốc hội là rất đáng trân trọng. Tôi vẫn nhớ như in, Quốc hội khóa VIII, với  vai trò Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ đạo: “Không thể để Quốc hội là cây cảnh”, tức cần là nơi chủ động giải quyết công việc.

Nhờ đó, một luồng gió Đổi mới đầy tinh thần trách nhiệm từ khâu tổ chức, chỉ đạo đã tạo điều kiện cho các đại biểu thể hiện vai trò khá rõ nét, bằng tinh thần trách nhiệm rất cao để thực hiện có kết quả rất nhiều vấn đề. Đơn cử là, với tư tưởng hội nhập, muốn xây dựng mối quan hệ hòa khí với các nước, chúng ta đã bỏ tên của những kẻ xâm lược trong Hiến pháp. Tất nhiên, việc làm đó không có nghĩa là chúng ta quên mà thể hiện chúng ta khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Rõ ràng đó là một sự đổi mới tư duy hết sức quan trọng.

Quốc hội còn tạo bước đột phá trong việc phát huy dân chủ. Những vấn đề phức tạp đã được thảo luận rất thẳng thắn, sôi nổi và hoàn toàn tích cực, xây dựng để đi đến cùng của vấn đề...
 

Cần gì để đại biểu Quốc hội có thể… nói hết? 

Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, có nhiều ý kiến cho rằng, đại biểu Quốc hội là “hạt nhân” của Quốc hội, do vậy, cần nâng cao năng lực và đề cao thẩm quyền và trách nhiệm hơn nữa cho đại biểu Quốc hội. Cũng rất nhiều lần chúng ta được nghe rằng “đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội”, được quyền thực hiện cơ chế giám sát và phản biện, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Trước hết xin được nêu rõ, phản biện là cách thức rất quan trọng để cùng nhau tìm ra lẽ phải và những giá trị chung, và trách nhiệm của chúng ta là cần tìm ra hành lang pháp lý để chúng ta đối thoại được với nhau. 

Để phát huy hết được vai trò của đại biểu Quốc hội hơn nữa thì theo tôi đòi hỏi chúng ta tiếp tục phải có những đổi mới để có được những đại biểu chất lượng hơn.

Ảnh: Đinh Tùng.
Việc kiểm soát quyền lực rất quan trọng. Lòng tham con người ai cũng cũng có, nhưng đã vào cương vị lãnh đạo thì phải rèn luyện, kiềm chế vì nắm quyền lực mà tham nữa thì chết Đất nước rồi.  Đấy là quốc nạn.

Trong phương thức sinh hoạt Quốc hội, khâu chất vấn tôi cho rằng cần phải được coi trọng hơn nữa. Có thể bớt đi một vài nội dung hoặc rút ngắn thời gian thảo luận kinh tế - xã hội (nên bỏ thảo luận ở tổ về nội dung này vì trùng với thảo luận ở hội trường). Trên cơ sở đó, có thêm thời gian cho chất vấn. Những lời hứa phải được giám sát và công bố cho cử tri được biết.

Theo tôi cần nghiên cứu cải tiến kỳ họp Quốc hội theo hướng:

Một là, một số buổi thảo luận về các vấn đề mang tính chuyên ngành, chuyên sâu thì không nhất thiết yêu cầu tất cả đại biểu ngồi nghe liên tục. Một số đại biểu có thể giải quyết công việc của mình, nhưng quan trọng là lúc biểu quyết phải có mặt đầy đủ.

Hai là, có thể tổ chức một kỳ họp chia thành hai đợt. Đợt đầu độ nửa tháng. Tất cả các vấn đề trình bày, thảo luận thì phải đủ, sau đó về nửa tháng hoặc 20 ngày, bộ phận soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện văn bản. Sau đó lại họp lại 10 - 15 ngày để thông qua. Như vậy, tổng thời gian họp Quốc hội có thể là chưa đầy một tháng.

Trên đây là những vấn đề tôi nêu ra để tham khảo và cần có thời gian để thảo luận xem xét kỹ càng.

Đảng và Nhà nước luôn kêu gọi các ý kiến đóng góp xây dựng, nhưng “nói thật đôi khi mất lòng”, thậm chí có thể khiến có người giảm động lực đấu tranh, thúc đẩy  phát triển. Ông nghĩ sao?

Chúng ta vẫn mang đậm phong cách Á Đông, lối sống Á Đông, đó là nể nang, ngại ngùng. Đôi khi bằng mặt mà không bằng lòng. Đấy là một khía cạnh xấu. Ngại va chạm, dĩ hòa vi quý là một tồn tại. Tôi từng sinh hoạt từ cấp cơ sở đến trung ương thì thấy có cảm giác sinh hoạt ở cơ sở có khi còn thẳng thắn hơn. Chúng ta cần tạo điều kiện cởi mở cho mọi người được tham gia ý kiến.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.