| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để vùng nông nghiệp hút du khách Trung Quốc?

Thứ Sáu 19/05/2017 , 14:05 (GMT+7)

Những năm gần đây, ngày càng đông du khách Trung Quốc đến Việt Nam nói chung và vùng nông nghiệp ĐBSCL nói riêng, do sự hấp dẫn của thực phẩm sạch với môi trường trong lành.

Tuy nhiên, thực tế chưa tương xứng tiềm năng. Chuyên gia du lịch Phan Đình Huê, Giám đốc Cty Du lịch Vòng Tròn Việt (Vietcircle Travel) ở TP Hồ Chí Minh, cho biết:

Ở ĐBSCL có hai địa phương thu hút khách du lịch Trung Quốc, đông nhất là tỉnh Tiền Giang và huyện đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang. Một số tour cho khách Trung Quốc hoạt động khá tấp nập như tour 3 ngày 2 đêm: TP Hồ Chí Minh - Mỹ Tho; 5 ngày 4 đêm: TP Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Củ Chi - VũngTàu; 9 ngày 8 đêm: TP Hồ Chí Minh - các tỉnh Miền Nam; nghỉ dưỡng 4 - 5 ngày ở Phú Quốc.

13-22-14_1805171
Ông Phan Đình Huê

Sức hấp dẫn nào của ĐBSCL với du khách Trung Quốc?

ĐBSCL hấp dẫn du khách Trung Quốc vì họ thích nơi có môi trường sạch, do các thành phố lớn ở Trung Quốc rất ô nhiễm. Đa số du khách Trung Quốc lại từ nội địa nước họ nên họ thích đi biển và sông. Cho nên, ngoài ĐBSCL thì Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng thu hút du khách Trung Quốc. Trong năm 2016, thành phố Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa nổi lên là điểm đến ưa chuộng nhất của của du khách Trung Quốc.

Có dư luận cho rằng du khách Trung Quốc chi tiêu ít, đúng không?

Không đúng. Khách Trung Quốc chi tiêu nhiều nhất thế giới, thứ nhất vì Trung Quốc đông dân. Thống kê của Học viện Du lịch Trung Quốc, khách Trung Quốc du lịch nuớc ngoài trong 3 năm gần đây: năm 2014 là 107 triệu người, năm 2015 là 117 triệu (tăng 9,2%) sang năm 2016 tăng lên 122 triệu (tăng 4,3%). Tổng chi tiêu của du khách Trung Quốc năm 2016 là 109,8 tỷ USD. Tính ra, bình quân một du khách Trung Quốc chi tiêu 900 USD, không phải là ít.

Năm 2016, nước ta nằm trong top 10 điểm đến được ưa chuộng nhất của du khách Trung Quốc và đứng đầu về mức tăng trưởng, tăng đến 166% so với năm trước đó. Nước thứ hai về tăng trưởng du khách Trung Quốc trong năm 2016 là Philipines với 124%, còn các nước khác đều tăng dưới 100%. Cụ thể, khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2016 có 2,7 triệu lượt người, chiếm 27% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm 2017, khách Trung Quốc đến Việt Nam 950.000 người (tăng 62% so với cùng kỳ năm trước) và dự báo cả năm 2017 có 4 triệu, chiếm 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Chi tiết chi tiêu cho chuyến đi của khách Trung Quốc thế nào, thưa ông?

Du khách Trung Quốc chi tiêu cho chuyến đi như sau: lớn nhất là chi cho đi lại chiếm 33,7%; sau đó là cho tham quan, ăn uống, mua sắm. Đáng chú ý, họ chi phí cho những vấn đề về thời tiết chiếm 3,5%, chi phí phiên dịch chiếm 2,9%.

Ông có thể giới thiệu vài đặc điểm của du khách Trung Quốc?

Trước hết, du khách Trung Quốc đến Việt Nam đều thích mua thực phẩm sạch, an toàn, còn họ đi các nước phát triển thì thích mua hàng hiệu. Vì du khách Trung Quốc chi tiêu mua sắm nhiều nên đã hình thành một số nơi bán tour “0 đồng” nhưng thu lại từ hoa hồng bán hàng.

Yêu cầu của đa số khách Trung Quốc là nghỉ khách sạn 3 - 4 sao nội địa với giá bình quân từ 550.000 - 900.000 đồng/phòng. Ăn uống từ 120.000 - 200.000 đồng/khách/bữa chính. Họ cũng yêu cầu các điểm du lịch có người biết tiếng Hoa phổ thông.

Theo ông, trong kinh doanh du lịch, ĐBSCL cần xác định thị trường Trung Quốc ở mức độ nào?

Lớn và nhiều tiềm năng. Theo chỗ tôi biết, tất cả các nước trên thế giới đều coi khách Trung Quốc là thị trường lớn, dù họ có đi lại ồn ào và ăn ở phần nào như ta hay nói là “không ngăn nắp”. Thành phố Las Vegas (Mỹ) thậm chí đang xây hai sòng bài rất lớn dành cho khách Trung Quốc. Người Thái Lan dù rất khó chịu với du khách Trung Quốc nhưng họ chưa bao giờ nói không với khách này.

Thiết nghĩ, các tỉnh và thành phố ở ĐBSCL cũng như người dân cần tách bạch kinh doanh và chính trị trong vấn đề phục vụ khách Trung Quốc. Du khách Trung Quốc đa số còn tương đối dễ tính thì lại phù hợp với khả năng cung ứng dịch vụ của các cơ sở du lịch ở ĐBSCL hiện nay.

Các địa phương ở ĐBSCL cần làm gì trước mắt và lâu dài?

Xây dựng sản phẩm cho khách Trung Quốc. Các địa phương sau đây có nhiều tiềm năng đón khách Trung Quốc là Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, Kiên Giang cần xây dựng sản phẩm riêng dành cho khách Trung Quốc và các khu vực khách sạn cho riêng họ.

Trái cây ngon bán ở bến phà đông du khách qua sông Hậu, từ tỉnh Sóc Trăng sang Trà Vinh, nhưng không có bao bì và xuất xứ

Về xúc tiến du lịch, đây là khâu yếu nhất nếu không muốn nói là… ĐBSCL chưa làm bao giờ. Cần tiếp thị sản phẩm đến hội chợ du lịch Trung Quốc và mời các hãng lữ hành Trung Quốc đến khảo sát. Hiệp hội du lịch ĐBSCL nên phối hợp các trung tâm xúc tiến du lịch tổ chức các hoạt động này.

Ở trên ông có nói, du khách Trung Quốc đến Việt Nam đều thích mua thực phẩm sạch và an toàn, về vấn đề này ĐBSCL cần khắc phục điều gì?

Cần khắc phục tình trạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nói đến ĐBSCL, du khách thường nhớ đến sông nước và trái cây. Trong lúc, thực trạng trái cây ĐBSCL hầu hết không có bao bì, chỉ đựng trong cần xé hoặc chất đống rồi cân bán thô. Chất lượng trái cây lại không đồng đều, hay lẫn trái sâu và không rõ ràng là có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay không.

Các sản phẩm chế biến từ nông sản hầu hết cũng thiếu bao bì và còn không có thương hiệu. Thương hiệu là phải gắn liền với cơ sở sản xuất và chỉ dẫn địa lý, những thông tin về chất lượng và nguồn gốc nguyên liệu. Nhưng ở ĐBSCL thường thấy như tôm và cá khô chất đống ngoài chợ, không rõ chất lượng và không có nhãn hiệu. Bánh tét, bánh ít khá ngon nhưng cũng không có bao bì, nhãn hiệu. Mật ong rừng tràm U Minh nổi tiếng nhưng nhiều nơi đựng trong vỏ chai nước suối, can nhựa.

Tôi xin nhắc lại, du khách Trung Quốc đang chi tiêu nhiều nhất thế giới. Họ đã giàu có và nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao.

Nếu du lịch vùng nông nghiệp quốc gia làm được những điều ông vừa phân tích, có thể kỳ vọng thế nào?

Năm 2017, trong số du khách Trung Quốc đến Việt Nam, có 10% đến ĐBSCL và từ năm 2018 là 20% trở lên.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm