Nông dân Diên Điền sản xuất "khỏe re" trên cánh đồng DĐĐT vì đưa cơ giới hóa vào đồng bộ
Nông dân Lương Văn Trung ở thôn Đại Điền Trung 3, xã Diên Điền cho biết, từ vụ ĐX 2013 - 2014 khi địa phương thực hiện thành công DĐĐT đã giúp họ sản xuất khỏe re. Bởi sức lao động của con người đã được giải phóng rất lớn do đưa cơ giới đồng bộ vào đồng ruộng. Hiện gia đình ông có khoảng 3.500m2 (6 sào) trên cánh đồng DĐĐT. Đến nay, ông đã sản xuất 6 vụ, cho năng suất trung bình đạt 70 tạ/ha.
Theo ông Trung, trước đây với diện tích trên ông có tới 12 thửa ruộng, nhỏ nhất vài chục mét vuông, còn lớn nhất là 1 sào. Do diện tích ruộng manh mún, lại nằm rải rác nhiều cánh đồng khác nhau nên đến mùa gieo cấy và thu hoạch rất vất vả.
“Nhưng giờ việc canh tác của gia đình tôi khác hoàn toàn. Bởi lợi ích từ DĐĐT đã giúp chúng tôi đổi mới tư duy sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT, tưới tiêu, chăm sóc, thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân”, ông Trung chia sẻ.
Nhờ DĐĐT nên các thửa được thiết kế có kênh mương tưới kết hợp mương tiêu
Theo UBND xã Diên Điền, dự án DĐĐT nằm ở các thôn Đại Điền Trung 1, Đại Điền Trung 2 và Đại Điền Trung 3 với hơn 56ha gồm 1.017 thửa của 394 hộ sản xuất. Sau khi triển khai xong tạo thành 7 lô ruộng chính và chỉ còn 220 thửa, diện tích hơn 49ha, trong đó lô nhỏ nhất là 2.000m2. Dự án đã xây dựng 9 tuyến đường giao thông mới và nâng cấp, sửa chữa 2 tuyến đường. Các thửa ruộng đều được thiết kế hệ thống mương tưới kết hợp với mương tiêu... Kinh phí thực hiện dự án trên hơn 14 tỷ đồng. |
Còn ông Trần Hào, người cùng thôn có thửa ruộng 2.000m2 trong cánh đồng DĐĐT.
3 vụ sản xuất gần đây gia đình ông gặt lúa đều bội thu trên 70 tạ/ha, trong khi trước đây ruộng chia nhiều mảnh nhỏ thu hoạch nơi được mùa, nơi mất.
Nguyên nhân do mỗi ruộng sử dụng mỗi giống, kỹ thuật canh tác khác nhau.
Đặc biệt thủy lợi không được đầu tư đồng bộ như ở cánh đồng DĐĐT đó là, mỗi ruộng có ít nhất một cạnh giáp với kênh mương và đường giao thông.
Ông Ngô Quốc Bình, Giám đốc HTXNN Diên Điền 1 cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất sau DĐĐT đơn vị đã triển khai cho nông dân thực hiện cánh đồng mẫu sản xuất lúa năng suất cao.
Thông qua đó đã giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún để hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân.
“Chúng tôi đang liên kết với Cty CP Giống cây trồng Nha Hố (Ninh Thuận) để sản xuất lúa giống. Nông dân thực hiện “4 cùng”: Sản xuất cùng một giống, xuống giống cùng thời điểm, cùng chăm sóc và thu hoạch đồng loạt nên sản phẩm bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường”, ông Bình chia sẻ.
Còn ông Phan Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Diên Điền nhìn nhận từ công tác DĐĐT đã giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác. Song, hiện DN tham gia vào chuỗi liên kết chưa nhiều.
Do đó địa phương đang tiếp tục kêu gọi DN tham gia vào chuỗi liên kết với nông dân để tối ưu hóa lợi nhuận của các bên, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Nông dân rất đồng tình với triển khai DĐĐT của địa phương
Trong giai đoạn 2013 - 2015, toàn tỉnh có 4 dự án DĐĐT được triển khai với tổng diện tích 109,2ha, nguồn vốn đầu tư gần 25 tỷ đồng. Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác DĐĐT giai đoạn 2013 - 2015 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở NN-PTNT phải khảo sát, nghiên cứu từng địa phương để tìm cây trồng, vật nuôi phù hợp; từ đó chọn ít nhất mỗi huyện 1 mô hình để xây dựng DĐĐT. |