Dù Việt Nam đang tự tin với khả năng khống chế dịch bệnh, nhưng Covid-19 bùng phát dữ dội tại Hàn Quốc và Nhật Bản lại dấy lên những âu lo khác trong tâm lý người dân nước ta. Ngay cả việc chốt lịch học cho các trường trên phạm vi toàn quốc, cũng chưa ngã ngũ một cách rõ ràng.
Bộ GD-ĐT cho rằng Covid-19 là một tình huống đặc biệt nên phải xin ý kiến Chính phủ và đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh thành cân nhắc vào từng hoàn cảnh địa phương và dựa theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để có giải pháp riêng.
Bộ GD-ĐT không dám quyết định cho nghỉ học hết tháng 3/2020 nhằm bảo bảm an toàn tuyệt đối sức khỏe và tính mạng học sinh, vì sợ sẽ gặp khó khăn cho kế hoạch năm học sau phải triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hàng triệu học sinh không đến trường, cũng gây xáo trộn không nhỏ cho xã hội. Phụ huynh có sự lúng túng của phụ huynh, thì giáo viên cũng có sự oái oăm của giáo viên.
Nếu các trường phổ thông tương đối ổn định về doanh thu để cầm cự, thì hầu hết các trường mầm non phải chịu đựng gánh nặng tài chính. Nhất là hệ thống trường mầm non tư thục, ngoài nỗi lo về chi phí mặt bằng còn có nỗi lo về lương bổng giáo viên.
Tại TPHCM, nhiều giáo viên mầm non đã tranh thủ không gian trường học những người đóng cửa để buôn bán tạp hóa hoặc giải khát.
Cái sạp hàng tạm bợ trước cổng trường mầm non có treo dòng chữ “giải cứu giáo viên mầm non”, thực sự làm nhiều người cám cảnh và day dứt.
Mùa dịch, “giải cứu nông sản” đã đáng buồn, mà “giải cứu giáo viên mầm non” còn đáng buồn hơn!
Nếu chủ trương nghỉ học hết tháng 3/2020 của UBND TPHCM được triển khai, thì không ít trường mầm non tư thục phải đối diện với nguy cơ phá sản.
Hiện tại, gần 300 trường mầm non tư thục ở đô thị lớn nhất phương nam đã bắt đầu kêu… khổ. Học phí mầm non luôn thu hàng tháng, các cháu không đến trường thì tài khoản trống trơn. Không ít trường mầm non tư thục khẳng định chỉ có thể trả lương cơ bản cho giáo viên trong tháng 2/2020, còn tháng 3/2020 thì ngoài tầm kiểm soát.
Làm sao “giải cứu giáo viên mầm non” hiệu quả? Giáo viên mầm non là một nghề nhiều áp lực nhưng ít thu nhập. Hàng ngàn giáo viên mầm non ở các trường tư thục sẽ sống bằng gì trong mùa dịch, để tiếp tục gìn giữ tấm lòng nâng niu trẻ thơ?
Đã đến lúc ngành bảo hiểm xã hội phải có trách nhiệm san sẻ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho đội ngũ giáo viên mầm non. Đồng thời, ngân sách lâu nay được dự trữ cho các chương trình bình ổn giá trên thị trường, cũng nên được sử dụng linh hoạt để bình ổn cuộc sống cho những người nuôi dạy trẻ.
Nếu sau đợt dịch Covid-19, mà hệ thống mầm non tư thục cũng giải thể, thì lại nảy sinh hệ lụy không nhỏ trong sinh hoạt cộng đồng. Muốn “giải cứu giáo viên mầm non”, chính quyền cơ sở phải có hành động hỗ trợ thiện chí và kịp thời.