| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 28/03/2019 , 08:49 (GMT+7)

08:49 - 28/03/2019

Làm sao ngăn chặn nạn buôn người?

Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới, có khoảng 800.000 - 1.000.000 người bị mua bán. Như vậy khoảng 3.000 người bị mua bán mỗi ngày. Việt Nam là một nước nằm trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và cũng là điểm đi, đến, trung chuyển của tệ nạn mua bán người.

ảnh minh họa

Tại cuộc tập huấn hướng dẫn áp dụng điều luật về tội mua bán người, do Tòa án nhân dân tối cao phối hợp tổ chức cùng Cơ quan phòng chống tội phạm của Liên hợp quốc, đại diện Bộ Công an cho biết, từ năm 2011 đến năm 2018, trên cả nước ta đã xảy ra hơn 3.000 vụ mua bán người. Đây là một con số thống kê đáng giật mình, bởi lẽ không ai ngờ tệ nạn tàn ác này vẫn tồn tại và gieo rắc nỗi kinh hoàng ngay cả khi nhân loại văn minh đã bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Cụ thể hơn, nạn nhân chủ yếu của bọn buôn người vẫn là những đối tượng ở vùng nông thôn.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới, có khoảng 800.000 - 1.000.000 người bị mua bán. Như vậy khoảng 3.000 người bị mua bán mỗi ngày. Việt Nam là một nước nằm trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và cũng là điểm đi, đến, trung chuyển của tệ nạn mua bán người. Đối tượng bị mua bán không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn có gần 50 trường hợp là nam giới. Nguồn tin từ cơ quan điều tra đã khẳng định 90% số vụ mua bán người là để đưa ra nước ngoài và tập trung ở các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc (70%), còn lại là tuyến biên giới Lào, Campuchia, Thái Lan, và một số trường hợp ra nước ngoài qua cửa khẩu sân bay.

Có ba lĩnh vực đen tối mang lại siêu lợi nhuận cao mà tội phạm quốc tế vẫn theo đuổi là buôn vũ khí, buôn ma túy và buôn người. Ước tính, lợi nhuận có được từ mua bán người khoảng 150 tỷ USD mỗi năm. Không còn đơn giản buôn người để làm bóc lột sức lao động trong các hầm mỏ hoặc các đồn điền, nạn nhân bây giờ còn bị làm nô lệ tình dục và bị sát hại để lấy nội tạng. Sự man rợ của tội phạm buôn người, ai cũng nhìn thấy, nhưng muốn ngăn chặn cần có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Câu hỏi đặt ra: Có phải tội phạm quốc tế trực tiếp xâm nhập vào Việt Nam để thực hiện các cuộc buôn người không? Rất ít, vì những cơ quan chức năng giám sát rất chặt chẽ. Trực tiếp gặp gỡ và dụ dỗ nạn nhân sập bẫy của đường dây buôn người, chủ yếu là những kẻ vô công rỗi nghề ở từng địa phương. Thậm chí, có nạn nhân của vụ buôn người đã quay lại làm kẻ buôn người ngay nơi sinh sống của mình. Mặt khác, sự khác biệt về chính sách pháp luật của các quốc gia chưa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phòng chống nạn buôn người, cũng như bảo vệ và giải cứu nạn nhân kịp thời.

Từ 3 năm nay, Chính phủ đã chọn ngày 30/7 làm “Ngày toàn dân phòng chống nạn buôn người”, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Một trong những nguyên nhân đáng quan tâm là giải quyết việc làm ở nông thôn. Khi thanh niên kéo lên đô thị để làm thuê, thì phía sau lũy tre làng chỉ còn người già và trẻ em, chính là môi trường thuận lợi cho bọn buôn người tác oai tác quái. Xây dựng đời sống nông thôn với mục tiêu “ly nông không ly hương” sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả nạn buôn người.