| Hotline: 0983.970.780

Lần đầu tiên có giống bắp tím thuần

Thứ Năm 10/11/2011 , 11:51 (GMT+7)

Theo nhận xét thực tế của nhiều người dân địa phương, giống bắp nếp tím Fancy 111 và tím trắng 212 đạt nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với giống bắp đối chứng.

Hàng chục hộ dân kéo nhau ra vây quanh ruộng bắp của gia đình ông Võ Phát Tâm, ấp Ninh An, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) để được tận mắt chứng kiến những cây bắp nếp tím thuần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đang cho thu hoạch, trái nào cũng to múp, hạt mẩy đều răm rắp... khiến ai cũng khen ngợi hết lời.

Chúng tôi cùng có mặt với nhiều nông dân địa phương ghi nhận tại ruộng bắp có diện tích khoảng 9.000 m2 của hộ ông Võ Phát Tâm đang vào thời điểm cho thu hoạch. Nhìn những liếp bắp nếp tím thẳng hàng, cây, lá còn xanh mởn, không hề có biểu hiện sâu bệnh, cây nào trái cũng to đều như nhau.

Chỉ xuống ruộng bắp, ông Tâm hào hứng khoe: “Gia đình tôi trồng nhiều giống bắp nhưng chưa bao giờ trông thấy loại bắp tím lịm nhìn “ngon” như vầy. Giống bắp nếp tím 111 và tím trắng 212 của Công ty Advanta đấy, nhìn cây bắp khoẻ mạnh, cho trái to đều thế này thì ăn đứt những giống bắp cũ”.

Nói rồi, ông Tâm khuyến khích mọi người cùng lội xuống ruộng bẻ trái bắp lên chiêm ngưỡng thực tế cho đã mắt. Quả thực, khi bóc vỏ ra nhìn những hạt bắp tím đậm, hạt nào cũng đều răm rắp, múp cùi và chẳng hề bị sâu bệnh như những vụ bắp trước. Theo ông Tâm, gia đình ông cũng như nhiều bà con địa phương thường sợ nhất cây bắp dính bệnh vàng lá, sọc lá thì coi như bị thất thu hoặc mất trắng. Thực tế, đã có những vụ bắp không chỉ ở Tây Ninh mà nhiều địa phương khác khi dính phải tình trạng bệnh này đã bị “cháy” cả đồng bắp, thất thu toàn bộ diện tích.  

Người dân tham quan thực tế mô hình bắp nếp tím của hộ ông Tâm

Do vậy, đến nay khi có những giống bắp nếp tím mới, lạ (Fancy 111 và Fancy 212) lại có khả năng kháng được sâu bệnh, cho năng suất cao và hiện đang trồng khảo nghiệm ở nhiều địa phương thì gia đình ông Tâm cũng tự tin mạnh dạn đề nghị với công ty đem giống bắp này về trồng khảo nghiệm trên ruộng nhà mình.

Để tiến hành thử nghiệm, ông Tâm chia đôi mảnh ruộng ra một bên trồng giống bắp nếp tím Fancy 111 và tím trắng Fancy 212 (giống mới), còn một bên trồng giống bắp dẻo 926 (giống cũ, địa phương thường trồng) với các chế độ chăm sóc, bón phân như nhau để làm đối chứng. Sau hơn 2 tháng (khoảng 65 ngày) cả ba giống bắp đều cho thu hoạch.

Theo nhận xét thực tế của nhiều người dân địa phương, giống bắp nếp tím Fancy 111 và tím trắng 212 đạt nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với giống bắp đối chứng. “Ưu điểm lớn nhất của hai giống bắp mới này là không thấy có biểu hiện bị sâu bệnh, vàng lá, sọc lá hay nhiễm một số bệnh nấm khác. Mặc dù, cùng thời gian sinh trưởng với các loại giống bắp khác nhưng giống Fancy 111 và 212 cho trái to, cây cứng khỏe, chịu mưa” - ông Tâm cho biết. 

Nhìn giống bắp nếp tím lạ, nhiều thương lái rất quan tâm

Để mọi người cùng thưởng thức giống bắp tím mới lạ và tự đánh giá chất lượng, gia đình ông Tâm đã cho luộc những trái bắp nếp tím 111 và tím trắng 212 còn tươi rói đem ra tận ruộng để phục vụ bà con. Cầm trái bắp trên tay, ông Lê Công Danh, ấp Ninh Hiệp tấm tắc khen: “Lạ thật, nhìn trái bắp tím lịm à! Trái nào cũng to như bắp tay, bắp chân thế này nhìn thích thật, rất bắt mắt. Nhất là nó kháng được bệnh vàng lá, sọc lá, còn cho năng suất cao như vầy thiệt bà con thấy ưng quá”.

Ông Danh ăn thử trái bắp luộc xong cũng nhận xét, loại bắp nếp tím mới này không bị lòi cùi, ăn ngọt, mềm dẻo, thơm ngon hơn so với giống bắp cũ bà con đang trồng. Do vậy, chắc chắn nếu thị trường ưng thì mai mốt cân bán cho thương lái sẽ được giá cao hơn.

Theo tính toán của anh Trần Quốc Toản (người trực tiếp chăm sóc khu ruộng khảo nghiệm này), giống bắp nếp tím 111 và 212 cho thu hoạch đạt từ 4.000- 4.500 trái/công; trong khi giống bắp đối chứng cũng cho khoảng 4.200 trái/công. Tuy nhiên, do giống bắp nếp tím còn quá mới nên thị trường tiêu thụ còn rất hạn chế.

Đồng quan điểm, ông Tám Sang, một thương lái chuyên thu mua hàng bắp “liên tỉnh” cũng chung nhận xét: “Chưa biết chất lượng thế nào nhưng nhìn trái bắp tím thấy lạ và khá bắt mắt. Thị trường bắp có lúc cũng như hàng hoa vậy, phải tươi rói, thơm, trái to, hạt mẩy thì bán mới chạy hàng”. Theo ông Sang, sau vụ trồng thử nghiệm này, thăm dò thị trường nếu ưa chuộng hàng bắp tím thì ông sẽ tích cực vận động bà con mạnh dạn xuống giống trồng và đặt hàng thu mua.

Giống bắp tím trắng trồng trên đồng ruộng Tiền Giang

“Theo TS. Trần Công Luận - GĐ Trung tâm Sâm và dược liệu TP.HCM, bắp tím (tên khoa học là Zea mays L.) hiện đang trồng khảo nghiệm ở Việt Nam là giống bắp lai, gồm cả tím thuần và tím trắng xen lẫn, có xuất xứ từ Thái Lan, được lai tạo giống nhằm cải thiện năng suất và phù hợp nhiều loại đất trồng. Đặc biệt, màu tím hạt bắp được quy định bởi sắc tố anthocyanin rất có ích cho sức khỏe”.

Trao đổi với PV NNVN, ông Mười Bi, Hội Nông dân xã Bàu Năng cho biết: Hiện trên thị trường có nhiều giống bắp và bà con địa phương thường quen sử dụng giống bắp 926 đã mấy năm nay. Thời gian đầu giống bắp này cũng cho năng suất cao, nhưng mấy vụ qua thấy biểu biện sâu bệnh tăng, năng suất giảm hẳn khiến bà con cũng nản. Còn nay khi tham quan ruộng bắp nếp tím và tím trắng thấy cũng đạt, mặc dù cùng chế độ chăm sóc, phun xịt thuốc nhưng thấy cây khỏe, trái to đều hơn so với những giống bắp cũ.

Nguyễn Quốc Thắng, GĐ Cty Advanta tại VN cho biết: Hai giống bắp nếp Fancy 111 và Fancy 212 được Cty Advanta nghiên cứu sản xuất tại Thái Lan, có thời gian sinh trưởng khoảng từ 63- 65 ngày là cho thu hoạch. Hiện hai giống này vừa được nhập về VN, đang trồng khảo nghiệm tại một số tỉnh như Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh và bước đầu đã cho kết quả rất khả quan. Do vậy, sắp tới sẽ tiếp tục cho mở rộng địa bàn trồng khảo nghiệm thực tế ở An Giang, Đồng Tháp và một số tỉnh miền Bắc để cho kết quả chính xác nhất. Kế hoạch đến giữa năm 2012 sẽ đưa hai giống bắp này vào sản xuất đại trà nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.