| Hotline: 0983.970.780

Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Thứ Hai 25/11/2024 , 07:00 (GMT+7)

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Chị Đỗ Thị Thương (sinh năm 1989, người làng Trung Lập, xã Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa) xuất thân trong gia đình có truyền thống 4 đời làm bánh lá răng bừa. Theo chị Thương, đây là loại đặc sản tiến vua, có nguồn gốc từ nghi lễ Tịch điền của vua Lê Đại Hành xưa kia.

"Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm, đất nước thái bình, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, vua Lê Đại Hành lại đích thân xuống đồng cày ruộng để mở đầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất.

Để tỏ lòng biết ơn, sau này, người dân trong xã đã góp gạo ngon và thịt lợn để làm nên một loại bánh với hương vị riêng dâng lên vua. Hình dáng chiếc bánh thon dài, dẹt hai đầu, phần giữa phình to như lưỡi nhỏ của răng bừa, nên người dân địa phương quen gọi với tên bánh lá răng bừa. Điều đặc biệt là, đa phần người trong làng đều biết gói bánh lá răng bừa. Bởi vậy, nam thanh, nữ tú đến tuổi dựng vợ, gả chồng đều được tiếng là cần cù, chịu khó", chị Thương nói.

Gia đình chị Đỗ Thị Thương có truyền thống 4 đời làm bánh răng bừa. Ảnh: Quốc Toản.

Gia đình chị Đỗ Thị Thương có truyền thống 4 đời làm bánh răng bừa. Ảnh: Quốc Toản.

Theo truyền thống của xã Xuân Lập, bánh lá răng bừa thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán, hoặc lễ hội hay những khi gia đình có công việc. Ngày nay bánh lá răng bừa được làm quanh năm để phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt sản phẩm rất đắt hàng vào dịp Lễ hội đền thờ Lê Hoàn.

Chị Thương cho biết, điều đặc biệt của chiếc bánh lá răng bừa nằm ở chất lượng hạt gạo: “Gạo 13/2 là loại gạo có thời gian sinh trưởng lâu, được trồng ở làng Trung Lập từ xa xưa. Loại gạo này có độ dẻo nhưng không ngậy như gạo nếp. Gạo sau khi xay xát được ngâm nước 3-4 giờ đồng hồ, sau đó vò kỹ và nghiền thành bột.

Bột được đặt lên bếp nấu, dùng tay khuấy liên tục sao cho bột không bị vón cục nhưng không quá chín. Đến khi nồi bột gạo đặc sền sệt thì đem ra ngoài để gói bánh. Lá để gói bánh thường là lá chuối tươi cắt ở vườn nhà, rửa sạch đã được hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá và khỏi rách. Trung bình mỗi người thợ sẽ gói được 300-500 bánh mỗi ngày", chị Thương nói.

Nhân bánh lá răng bừa gồm hành khô, thịt ba chỉ băm nhỏ, mộc nhĩ trộn với hạt tiêu, muối vừa đủ. Sau khi gói xong, những chiếc bánh lá răng bừa bằng ngón tay trỏ được xếp ngay ngắn vào nồi, sau đó đổ nước đun sôi rồi luộc chín. Bánh lá răng bừa khi chín sẽ có vị thơm nồng nàn quen thuộc của lá chuối, vị béo của bột và vị ngọt của nhân thịt băm.

Bánh lá răng bừa được nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ảnh: Quốc Toản.

Bánh lá răng bừa được nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ảnh: Quốc Toản.

Sau nhiều năm lưu truyền, bánh lá răng bừa đã trở thành món ăn quen thuộc được xếp vào hàng "đặc sản" của huyện Thọ Xuân nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Vài năm trở lại đây, loại bánh này được nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh yêu thích, đặt hàng. Nhờ đó mà không ít hộ dân ở xã Xuân Lập đã mở rộng quy mô, kinh doanh và khấm khá nhờ nghề truyền thống.

Hiện nay, toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa. Mỗi năm, xã Xuân Lập cung ứng ra thị trường hàng triệu triệu sản phẩm. 

Ông Tống Cảnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân cho biết, bánh lá răng bừa Xuân Lập đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện, địa phương đã hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để được công nhận bánh lá răng bừa Xuân Lập là sản phẩm OCOP 4 sao.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

DT Group nhận giải thưởng Sao Vàng đất Việt

Khánh Hòa Việc DT Group được vinh danh với giải thưởng Sao Vàng đất Việt đã khẳng định cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, uy tín và chất lượng của thương hiệu rong nho.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.