| Hotline: 0983.970.780

Du lịch cộng đồng - Nông thôn kiểu mẫu: Làng chài làm du lịch

Thứ Tư 02/09/2020 , 08:35 (GMT+7)

Cửa Vạn là làng chài có quy mô lớn nhất trong số 7 làng chài nổi trên vịnh Hạ Long, được tổ chức khai thác du lịch gắn với văn hóa truyền thống bản địa.

Toàn cảnh làng chài Cửa Vạn nằm trong khu vực kín đáo, lặng sóng của Vịnh Hạ Long. Ảnh. Tùng Đinh.

Toàn cảnh làng chài Cửa Vạn nằm trong khu vực kín đáo, lặng sóng của Vịnh Hạ Long. Ảnh. Tùng Đinh.

Trước đây, ngôi làng này là nơi sinh sống của 123 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu làm nghề chài lưới, trong đó có Nguyễn Thị Hằng, nữ hướng dẫn viên du lịch trên tuyến tham quan số 3 của vịnh Hạ Long.

Sau khi thành phố có chính sách đưa ngư dân lên bờ định cư vào năm 2014, hiện nay làng còn 13 hộ làm nghề nuôi trồng thủy sản sinh sống trên biển với khoảng hơn 40 lao động. Ngoài sản xuất, họ còn tham gia vào các hoạt động phục vụ khách du lịch khi đến đây tham quan như chèo thuyền, làm ngư cụ, biểu diễn các hoạt động văn hóa…

Người thì lên bờ

7h sáng, khoác chiếc áo chống nắng kín mít để bảo vệ da, Hằng lên tàu của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long để ra làng chài Cửa Vạn, nơi cô sinh ra và gắn bó cả tuổi thơ. Sinh năm 1986, là em út trong một gia đình ngư phủ có đến 9 người con, Hằng có 26 năm sống trên biển, mãi đến năm 2012 cô mới cùng bố mẹ lên bờ định cư, dù trước đó đã có 5 - 6 thế hệ sinh ra, lớn lên và mất đi ở Cửa Vạn.

“Ngày đó cả nhà sống bằng nghề chài lưới, sống luôn trên thuyền, sợ nhất là những lúc sóng gió mưa bão”, nữ hướng dẫn viên kể lại trong lúc đi từ bờ ra Cửa Vạn, thường hết khoảng hơn 1 tiếng. Với công việc hiện nay, cô ra khỏi nhà lúc 6h sáng và trở về nhà lúc 6h tối, như vậy thời gian trên biển chỉ còn một nửa so với trước đây.

Như bao đứa trẻ làng chài khác, sinh ra Hằng sống trên biển, cho đến khi 12 tuổi, thành phố có chính sách xóa nạn mù chữ cô mới được học hành nhưng là học tại nhà chứ không có trường lớp gì. Sau đó 2 năm, đến năm 2000 thì lớp học nổi của làng mới được thành lập để trẻ em đi học tập trung.

Nhờ chuyển hướng từ đánh bắt sang nuôi trồng và kết hợp du lịch, người dân Cửa Vạn không chỉ có cuộc sống ổn định, ấm no hơn mà còn gìn giữ được văn hóa của cha ông và ngày càng quảng bá được nhiều hơn đến du khách quốc tế. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhờ chuyển hướng từ đánh bắt sang nuôi trồng và kết hợp du lịch, người dân Cửa Vạn không chỉ có cuộc sống ổn định, ấm no hơn mà còn gìn giữ được văn hóa của cha ông và ngày càng quảng bá được nhiều hơn đến du khách quốc tế. Ảnh: Tùng Đinh.

Rồi với sự tài trợ của Chính phủ Na Uy, khu bảo tồn Văn hóa biển Cửa Vạn được xây dựng vào năm 2006 với nhà bảo tàng, lớp học nổi, nhà bè, thư viện… Đó cũng là lúc tuyến tham quan số 3 ở Vịnh Hạ Long ra đời và Hằng thôi nghề đánh câu, đánh lưới theo bố mẹ chuyển sang làm du lịch.

“Bây giờ có mô hình du lịch này, vừa phục vụ khách tham quan, vừa gìn giữ được những nét văn hóa của ông cha để lại mà thu nhập cũng ổn định, không bấp bênh như đi biển nữa”, Hằng nói.

Theo nữ hướng dẫn viên này, bây giờ mỗi tháng được nghỉ 8 ngày, thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng nhưng đều đặn, đỡ vất vả, còn trước kia đi biển thì có mùa được mùa không, tháng được tháng không, ngày được ngày không, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. 

Không chỉ Hằng, mà nhiều con em của làng Cửa Vạn bây giờ cũng tham gia vào hoạt động du lịch, từ lái thuyền, lái đò cho đến biểu diễn các hoạt động văn hóa truyền thống.

Về an sinh xã hội, trước đây, phường Hùng Thắng phải tổ chức các chuyến tàu chưa cán bộ, bác sỹ ra làng để khám chữa bệnh hay làm hộ khẩu cho bà con ngư dân vì hầu hết không biết chữ.

Sau khi về đất liền, có nhà văn hóa, trạm y tế, nhà mẫu giáo, trường học đặc biệt là điện và nước nên cuộc sống bà con làng chài ổn định hơn và được nâng lên rất nhiều.

Khi ở Cửa Vạn, nước ngọt được bán với giá 20.000 - 30.000 đồng/phuy và chỉ có thể sử dụng trong 2 - 3 ngày là hết. Điện thì trước đây phải đốt đèn dầu, rồi dần dần mới có bình ắc quy, còn hiện nay những hộ nuôi trồng thủy sản ở đây đã có máy phát.

Đấy là với người sống, còn với người chết, từ khi về bờ việc lo ma chay, tang lễ cũng chỉn chu, đàng hoàng hơn. Hằng kể, trước kia sống nay đây mai đó nên khi trong làng có người mất thì lấy bè gỡ ra làm quan tài, sau khi cúng thì tìm một bãi cát rộng, đẹp trong vịnh để mai táng.

Sau đó 3 năm, người thân mới quay lại cải táng trước khi đem đi chôn ở khu vực khác. “Hồi đó, nếu vào bờ phải mua đất, chi phí xung quanh cũng nhiều mà dân chài thì không có tiền mấy nên cứ sống chết ngoài biển thôi. Bây giờ thì yên tâm, ổn định hơn rồi”, nữ hướng dẫn viên tâm sự thêm.

Trẻ em Cửa Vạn bây giờ có nhà trên đất liền, được đi học, được chăm sóc y tế đầy đủ nhưng khi nghỉ vẫn theo bố mẹ ra làng nổi và có thể bơi lội, chèo thuyền thành thục khi còn rất nhỏ. Ảnh: Tùng Đinh.

Trẻ em Cửa Vạn bây giờ có nhà trên đất liền, được đi học, được chăm sóc y tế đầy đủ nhưng khi nghỉ vẫn theo bố mẹ ra làng nổi và có thể bơi lội, chèo thuyền thành thục khi còn rất nhỏ. Ảnh: Tùng Đinh.

Người vẫn bám biển

Trong 9 anh chị em nhà Hằng, hiện nay có 6 người, 3 nam, 3 nữ làm nghề nuôi trồng thủy sản lồng bè ở Cửa Vạn. Sau khi được chính quyền hỗ trợ định cư năm 2014, họ đưa con cái lên bờ rồi đi đi về về, lấy nghề truyền thống trên biển làm nền tảng phát triển kinh tế.

Mặc dù học được cách nuôi lồng bè từ năm 1996 nhưng phải đến sau 2014, các hộ dân ở đây mới thực sự phát triển được thế mạnh của nghề này. Đến nay, anh Nguyễn Văn Dương, người con thứ 4 của gia đình đang là chủ của khoảng hơn 10 lồng cá vược, cá song ở Cửa Vạn.

Cách bến đầu làng vài phút đi thuyền, trên nhà bè của mình, anh Dương cho biết, mỗi năm gia đình thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ giao động xung quanh 1 tấn cá nên thu nhập cũng được đảm bảo. Ngoài ra, khi khách du lịch đông, các lồng nuôi cá của anh cũng trở thành một trong những điểm thu hút người đến thăm.

Anh Nguyễn Văn Dương (áo trắng), chủ nhà bè ở Cửa Vạn với hơn 10 lồng nuôi cá song, cá vược đang kể chuyện về những thay đổi trong cuộc sống của gia đình sau khi chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Nguyễn Văn Dương (áo trắng), chủ nhà bè ở Cửa Vạn với hơn 10 lồng nuôi cá song, cá vược đang kể chuyện về những thay đổi trong cuộc sống của gia đình sau khi chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng. Ảnh: Tùng Đinh.

So sánh với trước đây, thời còn đi đánh bắt, người ngư dân này khẳng định rằng đời sống đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. “Ngày xưa làm đâu ở đấy, lang thang trên biển chứ không sống tập trung được như lúc biết nuôi cá bè, rồi lúc được lên bờ”, anh nói.

Cá vược, cá song nuôi ở đây được luôn có đại lý đến thu mua, đa phần là cất cả lồng lên bán, mỗi lần vài tạ. Giá cá song hiện nay giao động từ 180.000 - 250.000 đồng/kg, tùy theo hình thức bán lẻ hay bán buôn, mua càng ít thì giá càng cao.

Tương tự như vậy, 12 hộ nuôi trồng thủy sản còn lại của Làng chài Cửa Vạn vẫn đang duy trì được kinh tế ổn định, vừa có nghề, vừa hỗ trợ phát triển du lịch, lại vẫn có nơi đi về trên bờ.

Những đứa trẻ dù không được sinh ra trên biển như thế hệ của Hằng, Dương nữa nhưng chúng vẫn là một phần của biển cả, của Cửa Vạn. Người lớn ở đây nói, trẻ con làng này đẻ ở đâu thì cũng bơi lội, chèo thuyền giỏi như trẻ con trên bờ đi xe đạp.

Rồi khi lớn lên, dù có nối nghiệp cha ông nữa hay không nhưng luôn có một nơi để con em của làng có thể tìm về để tìm hiểu về nguồn cội của mình, một làng chài nổi nổi tiếng trên miền Di sản thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội

Tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cuốn pháo tự chế gây nổ lớn ở Bắc Giang

Cuốn pháo tự chế, một người đàn ông ở huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) đã thiệt mạng trong vụ nổ lớn xảy ra tối 2/12. Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra.