| Hotline: 0983.970.780

Làng hoa An Lạc mong chờ một cái tết ấm

Thứ Sáu 12/01/2024 , 09:18 (GMT+7)

Làng Hoa An Lạc mang đến nhiềm vui đến cho biết bao gia đình mỗi độ Tết đến, Xuân về. Nhưng ít ai biết, làng hoa này đã trải qua biết bao thăng trầm.

Người dân làng hoa An Lạc tập trung sang chậu, chăm sóc, tỉa cành để mong có một vụ hoa thắng lợi. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân làng hoa An Lạc tập trung sang chậu, chăm sóc, tỉa cành để mong có một vụ hoa thắng lợi. Ảnh: Võ Dũng.

Ăn nằm ở vườn hoa

Đầu tháng 11 âm lịch hàng năm cũng là thời điểm những vườn hoa cúc tại làng hoa An Lạc, phường Đông Giang, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị ngắt đèn điện thắp sáng trong vườn. Người trồng hoa cho biết, việc thắp điện sáng hàng tháng trời vào ban đêm là nhằm mục đích để các loài hoa, đặc biệt hoa cúc phát triển chiều cao. Khi Cúc đã đủ chiều cao mong muốn, việc ngắt điện sáng cộng với kỹ thuật bón phân, phun nước sẽ giúp cây bắt đầu tạo búp để nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Bài liên quan

Một nhân công trồng hoa tại vườn hoa của ông Hoàng Kim Trương, khu phố 1, phường Đông Giang cho hay, vườn hoa này phục vụ nhu cầu quanh năm của khách hàng. Bắt đầu từ tháng 2 hàng năm, những chậu hoa đồng tiền được chủ vườn nhập về ươm. Các loài hoa khác chủ yếu đưa về từ tháng 9, 10 để chăm sóc nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, vườn hoa của ông Hoàng Kim Trương nhập về gần 4 nghìn chậu hoa các loại. Chủ yếu là cúc đóa, đồng tiền, dạ yến thảo, mắt nai, hoa pháo, đông thiên môn... Số lượng chậu hoa đêm về phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn cũng tương đương với số lượng năm Quý Mão.

Những chậu cúc đóa đã đạt chiều cao được các nhân công cắm cọc định vị dáng cây. Dạ yến thảo, mắt nai, hoa pháo, đông thiên môn thời điểm này đã lác đác nở hoa được treo thành từng giỏ trên giàn. Hoa đồng tiền nở sớm sẽ được các nhân công cắt bán cành; thân cây còn lại vẫn sẽ phát triển và cho hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Cúc đóa đã đủ chiều cao mong muốn, người trồng hoa ngắt điện, định vị dáng cây kích thích phát triển nụ. Ảnh: Võ Dũng.

Cúc đóa đã đủ chiều cao mong muốn, người trồng hoa ngắt điện, định vị dáng cây kích thích phát triển nụ. Ảnh: Võ Dũng.

“Hiện nay, các nhân công của vườn hoa đang tích cực sang chậu, chăm sóc, cắt tỉa để có những chậu hoa đẹp nhất phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán. Dịp này hàng năm, nhân công thường làm việc hết công suất. Chỉ vài tuần nữa thôi, khách hàng sẽ đổ về các vườn hoa để mua sắm Tết”, một nhân công ở vườn hoa ông Hoàng Kim Trương chia sẻ.

Thường, đến cuối tháng 11 âm lịch hàng năm sẽ có khách hàng đến mua hoa về chưng tết. Nhưng phải đến giữa tháng 12, làng hoa An Lạc mới thực sự nhộn nhịp. Thời điểm đó, các loài hoa nở rộ, không chỉ người đến mua hoa mà người đến ngắm cảnh, chụp ảnh cũng ngày một đông.

Ông Hoàng Nhật Trinh, một hộ trồng hoa tại khu phố 3 cho biết, năm nay gia đình ông cũng nhập từ Đà Lạt về 1,5 nghìn chậu hoa cúc đóa, cúc mâm xôi. Năm được giá, mỗi chậu hoa có thể bán được 200 -250 nghìn đồng. Năm rớt giá thì giá bán khoảng 150 nghìn đồng. Thời điểm này, gia đình ông cũng đã ngắt điện để hoa bắt đầu phát triển nụ.

Đây là thời điểm rất quan trọng, cây hoa cần được chăm sóc và kiểm tra sâu bệnh thường xuyên. Ảnh: Võ Dũng.

Đây là thời điểm rất quan trọng, cây hoa cần được chăm sóc và kiểm tra sâu bệnh thường xuyên. Ảnh: Võ Dũng.

“Thời điểm này, quan trọng nhất là kích thích ra nụ đúng thời điểm. Một số loài nấm cũng có thể tấn công vườn hoa. Người trồng hoa phải thăm vườn thường xuyên để phát hiện, phun trừ. Giờ đến giáp Tết Nguyên đán các hộ trồng hoa như chúng tôi gần như ăn nằm ở ngoài vườn” – ông Trinh cho hay.

Ông Hoàng Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Giang cho biết, toàn phường hiện có 2 ha trồng hoa tập trung. Ngoài ra còn có khoảng 1 ha trồng hoa tại vườn của các hộ dân. Do địa phương chưa thể ươm giống hoa cúc nên người dân phải nhập giống từ Đà Lạt, Hà Nội về để vào chậu, chăm sóc phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Một vài hộ dân cũng đã thử cắt cành hoa cúc, tự ươm. Tuy nhiên, chất lượng hoa không đảm bảo nên từ lâu, nguồn giống hoa cúc tại làng hoa An Lạc vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị cung ứng tại Hà Nội và Đà Lạt.

Mong chờ một cái Tết “ấm”

Làng Hoa An Lạc hình thành, phát triển từ rất lâu đời, khi còn là ngôi làng thuộc xã Cam An (huyện Cam Lộ). Năm 1991, xã Cam An được tách ra thành xã Cam Thanh (huyện Cam Lộ) và phường Đông Giang (TP. Đông Hà). Làng hoa An Lạc thuộc phường Đông Giang, có lợi thế nằm dọc dòng sông Hiếu, đất đai màu mỡ, lại gần trung tâm thành phố nên nghề trồng hoa ngày càng có cơ hội phát triển. Có thời điểm, làng hoa An Lạc có 6-7 ha trồng hoa các loại.

Hoa đồng tiền nở sớm sẽ được ngắt đem bán. Thân cây còn lại sẽ phát triển bình thường, nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Võ Dũng.

Hoa đồng tiền nở sớm sẽ được ngắt đem bán. Thân cây còn lại sẽ phát triển bình thường, nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, một làng hoa gần trung tâm thành phố cũng mang đến nhiều nỗi lo cho người trồng hoa. Quá trình đô thị hóa nhanh khiến đất đai dành cho việc trồng hoa, đất nông nghiệp được chuyển đổi quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, làng hoa An Lạc chỉ còn 2 ha trồng hoa tập trung; 1-2 ha trồng trong vườn nhà dân. Nhiều hộ đã chuyển từ việc trồng hoa quanh năm sang trồng hoa thời vụ phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Cũng như nhiều nghề khác, nghề trồng hoa cũng không phải năm nào cũng thắng lợi. Có năm, hoa bán không hết, một số tự hủy, một số bán rẻ bán tháo. Có năm, cận ngày Tết Nguyên đán, một số loài hoa nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Thực tế đã xẩy ra vào năm 2022 với vườn hoa của ông Hoàng Kim Trương, khu phố 1. Trên 3 nghìn chậu hoa đồng tiền đã chết rũ khi chỉ cách Tết Nguyên đán Quý Mão vài chục ngày.

Cuối năm 2022, Ông Trịnh Đức Quang, khu phố 3, trồng các loại hoa, chủ yếu là hoa cúc trên 1,2 nghìn m2. Nếu được mùa, được giá, gia đình ông có thể lãi ròng khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, giáp Tết Quý Mão, toàn bộ diện tích hoa cúc của gia đình ông nhiễm bệnh nấm chết sạch. Một vụ hoa thất bát kéo theo một cái Tết buồn đối với gia đình ông Quang.

Các loài hoa đã bắt đầu nở và sẽ nở rộ vào giữa tháng Chạp. Ảnh: Võ Dũng.

Các loài hoa đã bắt đầu nở và sẽ nở rộ vào giữa tháng Chạp. Ảnh: Võ Dũng.

Chúng tôi về thăm làng hoa An Lạc khi người trồng hoa ở đây đang tích cực thăm vườn, chăm sóc. Ông Hoàng Nhật Trinh cho biết, 1,5 nghìn chậu hoa cúc các loại là nguồn sống cả năm trời của gia đình ông. Thắng thua đều phụ thuộc ở vụ hoa tết này. Vì vậy, ông thường xuyên thăm vườn và phun thuốc diệt nấm ngay khi phát hiện.

“Nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời thì mất Tết như chơi. Nghề trồng hoa năm được năm mất, một phần vì thời tiết, giá cả thị trường nhưng điều quan trọng là người trồng hoa cũng phải tỷ mẩn từng tý một, thường xuyên sâu sát, kiểm tra vườn để phát hiện sâu bệnh” – ông Trinh lý giải.

Ông Hoàng Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Giang cho biết, hiện nay, thành phố Đông Hà đã quy hoạch thêm 2 ha trồng hoa tập trung tại phường. Nếu điều này sớm thành hiện thực thì làng hoa An Lạc sẽ có 4 ha trồng hoa tập trung. Theo định hướng của thành phố Đông Hà thì làng hoa An Lạc sẽ tiếp tục được mở rộng thành 7 ha trồng hoa tập trung.

“Mỗi năm, làng hoa An Lạc cung cấp ra thị trường khoảng 50 nghìn chậu hoa các loại, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 60-70 lao động. Hiện nay có 50 hộ trồng hoa chuyên canh quanh năm. Làng hoa An Lạc mỗi năm thu về 4-5 tỷ đồng, lãi ròng 1,5-1,8 tỷ đồng. Làng hoa có nhiều thăng trầm nên diện tích có thay đổi. Người trồng hoa có năm thắng lớn nhưng có năm trắng tay. Làng hoa An Lạc đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể. Nếu thành phố quy hoạch các khu trồng hoa tập trung, được đầu tư hạ tầng thì người dân sẽ yên tâm sản xuất, làng hoa sẽ tiếp tục phát triển.”, ông Anh cho hay.

Nhập chú thích ảnh

Một số hộ dân đã đầu tư nhà lưới trồng hoa nhưng diện tích chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hoàng Hữu Khiêm, tổ trưởng làng hoa An Lạc cho biết, điều kiện thời tiết tại Quảng Trị rất khắc nghiệt. Vì vậy, cây giống các loài cúc phải phụ thuộc vào nhà cung cấp. Bên cạnh đó, các giống hoa có giá trị kinh tế cao như hoa ly trồng cũng rất khó thành công. Vì vậy, trồng hoa tại đây giá trị kinh tế chưa cao như mong đợi nhưng nếu so với các loại cây trồng khác thì vẫn cao hơn rất nhiều. Theo ông Khiêm, 3 năm qua, làng hoa An Lạc gặp rất nhiều khó khăn, cần được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ để duy trì và phát triển.

“Năm 2020, khu vực này bị lũ lụt, cây hoa không phát triển được. Các năm tiếp theo, ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế eo hẹp nên nhu cầu hoa cũng giảm. Chúng tôi chỉ mong, thành phố sớm quy hoạch các vùng trồng hoa tập trung để người trồng hoa đỡ vất vả”, ông Khiêm cho hay.

“Vài năm gần đây, người trồng hoa đã đầu tư nhà lưới, du nhập một số giống hoa mới về trồng. Tuy nhiên, với nguồn vốn eo hẹp, diện tích nhà lưới chưa nhiều. Khu quy hoạch trồng hoa tập trung cần sớm đi vào hoạt động và người trồng hoa cần được hỗ trợ thêm để nghề trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Hoàng Hữu Khiêm, tổ trưởng làng hoa An Lạc.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.