Hoa lê, hoa mận xuống phố giá cao vẫn hút người mua. Cục Trồng trọt ra mắt sổ tay hướng dẫn cơ giới hoá gieo sạ. Phát triển thủy lợi nhỏ giúp tăng diện tích đất nông nghiệp được tưới. Bình Định tập trung bảo vệ đàn heo trước nguy cơ dịch bệnh.
Hoa lê, hoa mận xuống phố giá cao nhưng vẫn hút người mua
Hùng Khang sản xuất
Dù còn hơn 2 tháng nữa mới đếntết Nguyên đán2024, thế nhưng tại nhiều tuyến phố của thủ đô Hà Nội, người dân đã bày bán các loại hoa rừng như hoa lê, hoa mận.
Tại chợ hoa Quảng An hay trên vỉa hè tuyến đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, những cành hoa lê, hoa mận rừng chúm chím được bày bán. Tại đây những cành hoa rừng này có giá từ 800 đến 1 triệu 500 nghìn đồng một cành tủy thộc vào độ to nhỏ.
Theo các tiểu thương, những cành hoa rừng này được nhập từ nhiều tỉnh miền núi phía bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La... Với đặc tính thân cây xù xì, hoa thường nở thành chùm lớn, lâu tàn do đã quen với thời tiết khắc nghiệt. Thời điểm này các cành hoa lê, hoa mận nhập về chỉ điểm xuyết một vài bông hoa nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp đặc trưng nên được nhiều khách hàng chọn lựa.
Cục Trồng trọt ra mắt sổ tay hướng dẫn cơ giới hoá gieo sạ
Thanh Thủy - Quỳnh Chi sản xuất
Ngày 14/12 tại Cần Thơ, Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức “Hội thảo Chiến lược quản lý trồng trọt thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam”. Thông qua diễn đàn này, Bộ NN-PTNT chia sẻ kinh nghiệm với khoảng 100 nhà khoa học quốc tế, thể hiện cam kết về xây dựng chính sách thúc đẩy thực hành nông nghiệp bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cảm ơn các tổ chức nghiên cứu phi chính phủ, đồng thời bày tỏ: “Với nhiều giải pháp cụ thể như cải tiến, phục tráng giống lúa, phát triển hệ thống canh tác, bón phân thông minh, và gần đây nhất là nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính đã hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua”.
Cũng nhân dịp này, Cục Trồng trọt ra mắt “Sổ tay hướng dẫn quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ”. Đây sẽ là cẩm nang của nông dân vùng ĐBSCL những năm tiếp theo Chương trình 1 triệu ha, phục vụ cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải.
Phát triển thủy lợi nhỏ giúp tăng diện tích đất nông nghiệp được tưới
Minh Phúc – Phạm Huy sx
Trong những năm qua, nhờ có sự lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách hỗ trợ của nhà nước thông qua các Chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với sự đóng góp đáng kể của người dân đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng công trình thủy lợi nhỏ được tăng lên rõ rệt.
Nhiều công trình thủy lợi nhỏ như: Hồ chứa nước, đập dâng, trạm bơm điện, cống được đầu tư xây dựng đã góp phần làm tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới bởi công trình thủy lợi.
Theo số liệu kết quả điều tra về quản lý, khai thác công trình thủy lợi cập nhật mới nhất cho thấy, hiện cả nước có trên 66.200 công trình thủy lợi nhỏ, chiếm 91% so với tổng số công trình thủy lợi trên toàn quốc. Trong đó có 4.280 hồ chứa nước nhỏ có dung tích từ 50 nghìn đến 500 nghìn m3; gần 16.000 đập dâng kiên cố có chiều cao nhỏ hơn 10m; gần 10.700 đập tạm; hơn 17 nghìn trạm bơm có tổng lưu lượng nhỏ hơn 3.600 m3/h, còn lại là các công trình khác.
Bình Định tập trung bảo vệ đàn heo trước nguy cơ dịch bệnh
Thực hiện: Vũ Đình Thung
Hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn heo để chuẩn bị nguồn cung thịt cho thị trường cuối năm. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết phức tạp, nên nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát và ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi của người dân là rất lớn.
Để đảm bảo an toàn cho đàn heo phát triển khỏe mạnh, việc tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng là những biện pháp đang được bà con chăn nuôi thực hiện để hạn chế mầm bệnh lây nhiễm vào đàn gia súc.
Đồng thời, ngành nông nghiệp của Bình Định cũng đã và đang tăng cường triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Trong đó, tăng cường khâu giám sát để chủ động phát hiện sớm các ca bệnh, ổ dịch tả heo châu Phi để kịp thời xử lý; kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ, các điểm thu mua, tiêu thụ, sản phẩm…