| Hotline: 0983.970.780

'Làng liệt sĩ' quyết giữ rừng cách mạng

Thứ Tư 17/04/2019 , 08:54 (GMT+7)

Trải qua bao thế hệ sinh sống, người dân thôn Hải Môn, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) vẫn luôn nhắc nhở nhau về ý thức gìn giữ và bảo vệ khu rừng cách mạng Sầu Đâu, như một cách để nhớ về kí ức lịch sử oanh liệt ngày đó...

13-13-04_1
Rừng Sầu Đâu sum suê xanh tốt khi được dân làng Hải Môn chung tay bảo vệ

Thôn Hải Môn có 210 hộ, trong đó có 21 mẹ Việt Nam anh hùng và 151 liệt sĩ. Người dân Hải Môn luôn tự hào về quá khứ oanh liệt của các thế hệ đi trước trong làng, về những chiến công oai hùng được kể lại tại khu rừng cách mạng Sầu Đâu...

Rừng Sầu Đâu có diện tích gần 7ha đã tồn tại hàng chục năm, những cây cao nhất có thể đến 50m. Đây không chỉ là khu rừng mang ý nghĩa lịch sử mà còn là “thần hộ mệnh” che chắn và bảo vệ 210 hộ dân tại thôn Hải Môn trước những trận cuồng phong từ cửa biển Mỹ Á suốt bao đời nay.

Theo người dân trong làng, cửa biển Mỹ Á nằm giữa động cát và núi Cửa, là cửa hứng gió nên dù không phải là mùa mưa bão, gió vẫn thổi rất mạnh. Vậy nên nếu không có sự che chắn của rừng Sầu Đâu thì có lẽ cuộc sống của dân làng Hải Môn không thể bình yên được như bây giờ.

Cũng chính vì nhận thấy được tầm quan trọng của rừng Sầu Đâu, mà từ thời xa xưa, dân chúng trong làng đều rất ý thức trong việc giữ rừng. Thậm chí, các vị bô lão trong làng còn đặt ra tục lệ vô cùng nghiêm ngặt đối với việc bảo vệ rừng.

Cụ Lê Công Thu (85 tuổi, thôn Hải Môn) nhớ lại, ngày trước, trong làng có quy định cấm không được vào rừng khi chưa được sự cho phép của các vị chức sắc và bô lão trong làng. Hàng năm, cư dân trong làng chỉ được phép vào rừng lấy củi một ngày, và chỉ được gom củi khô chứ tuyệt đối không được bẻ cành cây tươi.

13-13-04_2
Nhiều loại cây lâu năm đến nay đã to cao, thân gần bằng vòng tay người ôm

“Ngày xưa ai cũng khổ, cái gì cũng thiếu, nhưng không vì thế mà dân làng làm trái với quy định. Thiếu củi thì tận dụng rác khô hoặc rơm rạ để đun nấu chứ quyết không lén vào rừng chặt cây đốn củi, nếu không sẽ bị phạt rất nặng”, cụ Thu kể.

Cũng theo lời cụ Thu, tác dụng của rừng quan trọng, nhưng kí ức chiến tranh oanh liệt gắn liền với khu rừng này còn quan trọng hơn. Thế hệ dân làng sống trong thời chiến tranh bom đạn như cụ có lẽ chẳng ai có thể quên được những tháng ngày khốc liệt đó.

Nhấp ngụm trà nóng, ông Võ Đi (67 tuổi, ngụ thôn Hải Môn) trầm ngâm nhớ về những ngày chiến đấu ác liệt. Ông kể, rừng Sầu Đâu ngày ấy là nơi trú ẩn của cán bộ và du kích xã Phổ Minh. Khi giặc càn quét bao vây tứ phía, người dân trong làng tập hợp lại, người cuốc, người xẻng hì hục đào bốn tuyến địa đạo trong rừng với tổng chiều dài khoảng 500m, cao 2m và rộng 1,5m, nhằm làm nơi ẩn nấp.

Ông Đi kể thêm, lúc địch phát hiện có du kích trú ẩn trong rừng, chúng điên cuồng nã pháo vào tàn phá cây cối. Rồi tới mùa khô năm 1969 thì rừng Sầu Đâu bị máy bay Mỹ thả bom thiêu rụi, dân làng lúc đó ai nấy đều đau lòng, dắt nhau đi khắp nơi. Đến năm 1975, hòa bình lập lại, người dân thôn Hải Môn trở về làng, rừng Sầu Đâu cháy rụi trước đó nay đã bắt đầu mọc lên những mầm xanh.

Vượt qua mấy đoạn dốc, len lỏi qua những đoạn dây leo chằng chịt, chúng tôi mới vào được khu vực địa đạo trong rừng Sầu Đâu. Ông Huỳnh Thanh Mười, trưởng thôn Hải Môn, cũng là người trực tiếp tham gia du kích và từng ẩn nấp dưới khe đá trong khu rừng này bồi hồi nhắc lại những chiến tích năm xưa.

13-13-04_3
Ông Võ Đi bên cạnh địa đạo, nơi ẩn nấp của du kích xã năm xưa

Ông kể, ngày đó ác liệt lắm, nếu không có rừng Sầu Đâu che chắn, không có địa đạo để ẩn nấp thì có lẽ quân dân ta sẽ không thể đánh lại được, không thể thăm dò thông tin địch và báo cáo cán bộ chỉ huy.

“Một khu rừng có quá nhiều ý nghĩa như thế này thì chẳng có lý do gì mà chúng tôi không hợp sức giữ gìn và bảo vệ nó cả. Rừng Sầu Đâu không những là “lá phổi xanh” của làng, che chắn bảo vệ làng trước bão giông, mà còn là nơi in dấu những chiến tích hào hùng của lịch sử kháng chiến. Vậy nên chúng tôi luôn dạy cho con cháu, lớp trẻ sau này rằng, bằng mọi giá phải bảo vệ khu rừng này”, ông Mười tâm sự.

Ông Mười cho biết thêm, cây cối trong rừng hồi trước giờ sao thì bây giờ vẫn vậy, chưa từng bị chặt đốn, phá hoại. Nhiều loại cây lâu năm như bìn nin, sến, dum, ngành ngạnh... hàng chục thậm chí hàng trăm năm bây giờ đã to cỡ vòng tay người ôm, sum suê xanh tốt.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Phó Chủ tịch HĐND xã Phổ Minh cho biết, xã cũng đã thành lập ban quản lý rừng, vận động người dân trong làng phối hợp với cán bộ xã tham gia gìn giữ và bảo vệ rừng. “Nhìn chung, ý thức bảo vệ rừng của người dân trước giờ rất tốt, đặc biệt thôn Hải Môn chủ yếu sống bằng nghề nông và nuôi trồng thủy sản, cư dân trong làng không ai phát triển kinh tế bằng cách phá rừng làm rẫy. Bởi vì họ ý thức được tầm quan trọng của khu rừng này”, ông Phát nói.

 

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.