| Hotline: 0983.970.780

Làng quê những ngày cận Tết

Thứ Sáu 17/01/2020 , 07:01 (GMT+7)

Khi cái tết con Chuột như đã bước chân vào cửa ngõ mỗi nhà thì không khí tết cũng rộn ràng náo nức lạ.

Bỏ lại sau lưng phố thị với những sắc đèn màu, với những bảng hiệu quảng cáo lung linh, tôi về những vùng quê đang rộn ràng cho tết…
 

Mai vàng được khách, được giá…

Miền Trung vào đông nhưng cũng chẳng được mấy ngày rét lạnh. Chủ yếu là nắng khê vàng ngày nối ngày. Mai vàng chỉ chịu với những cái se lạnh để khi áp tết có những ngày nắng thì bật hoa đúng vào chiều 30 tết. Năm nay, nắng nhiều nên mai vàng nở sớm. Còn những tuần nữa mới đón tết mà cây mai nào cũng đã bung biêng nở rực lên dưới cái nắng vàng cuối đông.

Gia đình ông Mai Phúc ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vui vẻ khi đón khách vào nhà. Trước sân, hai cây mai cổ thụ vươn sắc vàng đón nắng. Ông Phúc mời khách uống nước rồi kể, hai cây mai này khi anh cu đầu lòng lên 6 là ông ra vùng động cát đào cây mai rừng đưa về trồng.

14-54-51_nnvn__1-_hi_cy_mi
Hai cây mai của nhà ông Phúc được ngã giá cao.

Bây giờ, đã hơn 30 năm, hai cây mai đội nắng mưa cho sắc vàng mỗi độ xuân về. Nhiều người đến xem mai và đánh tiếng mua. Có người ngã giá gần hai trăm triệu đồng. Ông Phúc bảo: “Có khách từ phương xa đến hỏi, nhưng tui không bán mô. Để lại đó thì còn đó. Bán đi là mất. Mai cổ trong vùng cũng chẳng còn được mấy cây”.

Xóm dưới, nhà ông Diệp có cây mai mọc sau lùm cây góc vườn. Ngoảnh đi ngoảnh lại, bây giờ mai đã nên thế, nên cành. Hay tin, anh Cu Quép ở tận thị xã Ba Đòn đánh ô tô tìm tận nơi. Sau một hồi ngó nghiêng, anh Cu Quép nói như súng bắn: “Thôi ông nhé, cây mai này cháu ngã tiền là 57 triệu. Được không?”.

Ông Diệp nghe thủng số tiền lớn quá nên cứ ấp úng định nói câu đồng ý. Thấy ông Diệp cứ như hụt hơi, sợ ông đổi ý, anh Cu Quét phát luôn: “Thôi cháu chốt thêm 3 triệu nữa là chẵn 6 chục triệu ông nhé”. Ông Diệp chỉ biết chụp lấy tay anh Cu Quép mà lắc: “Ừ thì là con, là cháu bán rẻ cho chút cũng được mà”.

Nhà ông Nguyễn Tỵ ở mặt tiền đường 1A. Vườn mai có gần năm chục cây nở rực vàng cả vùng trời. Khách đi qua ai cũng phải ngoái đầu nhìn lại. Ông Tỵ bảo, năm nay người đi mua mai nhiều lắm. Dù mai có nở hoa sớm thì họ cũng mua. Không chỉ người trong tỉnh mà còn ở phía Bắc vào tìm mua. Vườn mai của ông chủ yếu là trồng từ lúc cây còn nhỏ mới lên. Số còn lại cũng là mua của bà con quanh vùng đem về.

Mai vùng cát hoa nhỏ, cánh mỏng nên có màu vàng óng ả và hoa cứ nở bung đầy tròn quanh cành. Tất cả mai trồng trong chậu hay trong vườn thì đều phát triển tự nhiên chứ không hề uốn, tỉa cành theo kiểu chơi bon sai. Đứng bên một cây mai lớn, ông Tỵ cho hay: “Hôm qua, có người đến ngã giá mua cây mai này bốn chục triệu rồi đó. Nhưng cũng chưa bán được. Giá bây giờ chừng năm chục triệu”.

14-54-49_nnvn__2-_vuon_mi_ong_ty
Bên vườn mai nhà ông Tỵ.

Ông Tỵ cũng kể có anh Châu ở trong xã dịp này đi lùng mua mai của bà con rồi đưa về thành phố Đồng Hới trưng bày ra bán. Đông khách, đắt hàng nên chục hôm nay anh cũng bán được hơn hai chục cây. “Mỗi cây chỉ kiếm lời triệu bạc thôi cũng đủ dư để có cái tết ấm áp rồi”, ông Tỵ kể thêm.
 

Cùng đi xem mai với tôi có bố con anh Đặng. Thằng cu Nam (gọi tôi bằng ông trẻ trong họ tộc) cưới vợ năm ngoái, được cho làm nhà ở riêng có khoảnh vườn hơn mẫu đất tỏ vẻ khoái lắm.
Cu cậu xứ xoắn lấy tôi: “Ông xem ở đâu có cây mai nhỏ bảo tiếng để cháu mua về trồng hẳn một vườn. Hơn hai chục năm sau nữa, thằng cu nhà cháu lớn lên bán đi cũng đủ tiền mua đất, làm nhà lớn ông nhỉ”.
Anh Đặng thấy thằng con trai dù ăn chưa no những đã biết lo xa mắng yêu: “Bố anh, cứ hoắng lên. Ra Giêng đến nhà cụ Tỵ, cụ Phúc xin nắm hạt mai già về ươm lấy mà trồng. Đến cả vài mẫu đất cũng không hết giống ấy chứ”.

Lợn, gà dư dả

Nghe gọi ơi ới, hóa ra bà Nhàn (bà con bên họ nội ở làng tôi ở Gia Ninh). Bà tất tả chạy đến, nín thở nói một hơi: “Chú ghé nhà uống chén rượu. Cha hắn (ý nói anh Minh chồng chị) rủ bạn bè về làm con heo lai rừng rồi. Cháu cản mãi không được nên tức mình cháu bỏ đi luôn. May lại gặp chú, chú đến mắng cho cha hắn một trận”.

Chúng tôi ghé nhà ông Minh thấy đã đông người, cười nói rôm rả. Trong nhà, có mấy trung niên đã quây thành mâm với hũ rượu ngâm củ đinh lăng trồng vườn nhà đợi nồi luộc lòng lợn sôi lên ùng ục.

Bà Nhàn (vợ ông Minh) bấy giờ đã vui vẻ thu tiền bán thịt hỏi chồng: “Còn dành để thịt cho nhà mình không?”. Dưới bếp, tiếng ông Minh vọng lên: “Thì còn ở nong thịt đó chớ”.

Bà Nhàn lắc đầu: “Mải thu tiền, bà con chia nhau hết rồi, chẳng còn chi để lại cả”. Ông Minh an ủi vợ: “Hết thì thôi. Mai nhà Thịnh nó mổ lợn thì mình lấy lại một ít cũng được mà”.

Theo bà Nhàn, mỗi lần mổ lợn cũng lãi trên 3 triệu đồng. Trước đây khoảng tháng thì lợn bà con mổ bán thịt khoảng 100 - 120 ngàn đồng/ký. “Bây giờ thì giá bán về lại 80-90 ngàn đồng/ký. Nhưng ai đến chậm chân thì cũng không có mà mua”, bà Nhàn mách.

Thôn Bắc Ngũ (huyện Quảng Ninh) có gần 300 nóc nhà chia thành 3 xóm nhỏ. Ông Mai Đông, trưởng thôn cho hay, hầu hết bà con nuôi lợn không dùng thức ăn công nghiệp mà chỉ cho ăn rau, chuối, cám gạo… Sau khoảng 3-4 tháng thì làm thịt chia nhau.

 Cũng nhiều gia đình, đợi đến cuối tuần cho con cháu trên thành phố về chơi mới mổ lợn và chia nhau dăm, bảy ký mang về để tủ lạnh ăn dần. “Chuẩn bị thực phẩm tết, bà con đã ghép nhau vài ba nhà chung một con lợn để chia nhau lấy xương, thịt dùng trong ba ngày tết. Ngoài ra còn gà, cá nuôi được. Thành ra, tết này không phải lo thiếu hay giá cả lên xuống chi hết”.

Cũng có nhiều người mua lợn theo “kênh” đưa từ các bản làng xa xôi về gọi là “lợn bản” hay “lợn mọi”. Tôi gặp Long “mọ”, trước hay sang Lào làm nghề thầu xây dựng, nay mở thêm nghề tay trái này.

 Long “mọ” cho hay, lợn này được bà con nuôi thả rông bên đó nên thịt ngon như lợn rừng. Chịu khó lùng tìm ở các bản là có hàng đưa về. Đánh bạo, tôi đặt cho Long “mọ” mua dùm cho con lợn chừng năm chục ký. Hai bên giao kèo giá 120 ngàn đồng/ký hơi, lợn được trao tận nơi.

Sáng sớm, điện thoại nhảy réo dựng đứng tôi dậy. Đầu đây, Long “mọ” nói hể hả: “Lợn cho ông có rồi. Nhưng không phải giá cũ nữa mà do hàng khan nên lên mười bốn rồi nhé”. Lỡ đặt hàng nên tôi gật đầu.

14-54-49_nnvn__3-_nguoi_dn_nuoi
Bà con nuôi gà quê chuẩn bị cho tết.

Chiều hôm sau, tự Long “mọ” áp tải lợn đến cho tôi. Gặp, hắn ngoác miệng cười kiểu cầu tài: “Nể ông bác quá nên em phải ốp hàng về tận nơi. Chứ chỉ cần qua khẩu (cửa khẩu) là đám cò nó đè em xuống hớt hàng trên tay luôn. Của hiếm là đắt hàng mà”.

Nhà bà Xê ở cuối thôn. Chồng mất sớm, bà một mình nách bốn đứa con nhỏ. Dần dà qua đi, cả bốn đứa lớn lên nhờ củ khoai, củ sắn và tình thương của bà con. Con gái đi lấy chồng, hai cậu con trai làm công nhân ở miền Nam. Bà ở nhà một mình cũng chăm thêm ao cá, đàn gà.

Bà bảo, tết nay cả mấy đứa con, cháu cùng về vui lắm. Cá thì dưới ao còn hơn chục con trắm cỏ. Bà nhờ người kéo lưới bắt lên một con chừng 4 ký làm sạch cho vào tủ lạnh để con về là có thức ăn dùng ngay, không phải lội ao kéo lưới. Đàn gà hơn chục con cũng to tướng. Mấy con gà trống con nào cũng nặng 2-3 ký.

“Rau sạch ở vườn, thịt lợn chia với hàng xóm, cá, gà nhà có đủ. Chỉ chờ con cháu về sum vầy vui xuân, đón Tết”, bà Xê nói trong sự mong chờ.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.