Bao đời nay, xã Văn Giang, huyện Ninh Giang (Hải Dương) nổi tiếng với nghề rượu nếp truyền thống.
Hiện toàn xã có khoảng 250 hộ làm nghề nấu rượu, chiếm 30% tổng số gia đình trong xã. Hàng tháng địa phương cung cấp cho thị trường từ 2.500 - 3.000 lít rượu, tạo việc làm tại chỗ cho gần 2.000 lao động. Mỗi năm, doanh thu từ nghề nấu rượu của làng đạt hơn 3 tỷ đồng, chiếm 50% doanh thu cả xã. Năm 2007, xã Văn Giang được UBND tỉnh Hải Dương công nhận làng nghề nấu rượu nếp. Đây là niềm vui và cũng là thách thức cho rượu Văn Giang trong việc xây dựng thương hiệu.
Do chưa xây dựng được thương hiệu, nên rượu Văn Giang chỉ được đóng thành can không có tem và nhãn mác
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, rượu Văn Giang không chỉ nổi tiếng trong vùng về chất lượng mà còn ở phương pháp nấu: Hầu hết men dùng để nấu rượu được làm bằng 24 vị thuốc bắc, nấu bằng gạo nếp được ủ theo quy trình 9 ngày về mùa đông, 7 ngày về mùa hè, do vậy luôn có hương vị riêng .
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Quyền - Chủ tịch UBND xã cho biết: Hàng chục năm nay, rượu Văn Giang luôn là nguồn thu nhập chính cho nhân dân và chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế của địa phương. Do địa phương là vùng sâu vùng xa nên nghề nấu rượu chưa phát huy được thế mạnh. Trong khi các gia đình nấu rượu thường bán cho các mối quen. Quy trình sản xuất nhỏ lẻ không tập trung, đặc biệt không có sự liên doanh liên kết giữa các hộ nấu rượu với nhau và chưa đầu tư máy móc theo quy trình nên không chú ý đến việc xây dựng thương hiệu.
Trên thực tế, nhiều năm qua chính quyền xã Văn Giang luôn quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề. Nhưng do tính cố hữu của các hộ nấu rượu, không có nguồn vốn để đầu tư mua máy móc nên địa phương không thể triển khai được các bước tiếp theo.