| Hotline: 0983.970.780

Lạng Sơn đề xuất hỗ trợ cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn 5.600 tỷ đồng

Thứ Sáu 08/03/2024 , 19:19 (GMT+7)

UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất Thủ tướng đồng ý chủ trương hỗ trợ khoảng 5.600 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương cho dự án này.

Đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn 5.600 tỉ đồng. Ảnh: Anh Duy/VnExpress.

Đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn 5.600 tỉ đồng. Ảnh: Anh Duy/VnExpress.

UBND tỉnh Lạng Sơn có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để đảm bảo phương án tài chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, kết hợp tăng cường mặt đường quốc lộ 1 (gọi tắt là dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn).

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thực hiện theo hợp đồng BOT, do UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bàn giao quyền và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải vào tháng 5/2018.

Tổng mức đầu tư 12.188 tỉ đồng từ nguồn vốn của nhà đầu tư, vốn vay Ngân hàng VietinBank, không có hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước.

Dự án được đưa vào khai thác, thu phí hợp phần tăng cường quốc lộ 1 từ ngày 1/6/2018; hợp phần cao tốc thông xe tháng 9/2019, thu phí từ ngày 18/2/2020.

Theo phương án tài chính ban đầu, dự án được thu phí hoàn vốn tại 2 trạm trên quốc lộ 1 và các trạm trên tuyến cao tốc, dự kiến doanh thu là 93 tỉ đồng/tháng.

Tuy nhiên, do các yếu tố khách quan nên doanh thu thu phí hiện nay của dự án chỉ còn khoảng 30 tỉ đồng/tháng, đạt khoảng 32% phương án tài chính ban đầu. Việc này dẫn đến thâm hụt dòng tiền hoàn vốn của dự án, không đủ trả nợ gốc và lãi vay với ngân hàng.

UBND tỉnh Lạng Sơn lý giải các nguyên nhân khiến dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có doanh thu thấp gồm:

Việc cắt giảm 1 trạm thu phí tại km24+800 trên quốc lộ 1 so với phương án 2 trạm thu phí trên quốc lộ này nhưng không có phương thức hỗ trợ thay thế, dẫn đến giảm nguồn thu trong suốt thời gian thu phí. Người dân có xu hướng đi trên tuyến quốc lộ 1, đoạn không phải trả phí, thay vì đi trên đường cao tốc làm giảm nguồn thu của dự án.

Việc chưa tăng giá vé cao tốc, quốc lộ 1 theo phương án tài chính được duyệt, áp dụng miễn giảm cho hơn 4.200 xe xung quanh trạm thu phí tại km93+160 quốc lộ 1 gây sụt giảm nguồn thu của dự án.

Do chưa hoàn thành cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng để nối thông tuyến cao tốc đến thành phố Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị theo kế hoạch.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19, chính sách biên mậu của Trung Quốc đối với các cửa khẩu dẫn đến tốc độ tăng trưởng và phân bổ lưu lượng xe trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn không đảm bảo như dự báo trong phương án tài chính.

Các nguyên nhân trên đã làm thay đổi các thông số đầu vào của dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ và vận hành dự án.

Doanh nghiệp dự án đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét hỗ trợ bù đắp từ ngân sách nhà nước khoảng 5.600 tỉ đồng, tương ứng khoảng 49% tổng vốn đầu tư theo giá trị dự kiến quyết toán (khoảng 11.356 tỉ đồng), để dự án vận hành khai thác bình thường.

Nhưng khoản ngân sách này vượt quá khả năng của tỉnh Lạng Sơn khi hằng năm tỉnh nhận cân đối khoảng 80% từ ngân sách trung ương. Mặt khác, tỉnh cũng phải bố trí khoảng 2.500 tỉ đồng ngân sách địa phương để hỗ trợ dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Do vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Thủ tướng xem xét, đồng ý chủ trương hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 5.600 tỉ đồng (không quá 50% theo giá trị kiểm toán, quyết toán của dự án) để bù đắp dòng tiền thâm hụt trong thời gian thu phí hoàn vốn đảm bảo phương án tài chính và đảm bảo vận hành, khai thác ổn định của dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.