| Hotline: 0983.970.780

Nông dân xứ Lạng xuống đồng sản xuất vụ xuân

Thứ Ba 05/03/2024 , 18:47 (GMT+7)

LẠNG SƠN Đầu xuân, trên từng nương bãi, thửa ruộng, nông dân tỉnh Lạng Sơn xuống đồng làm đất, chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng phục vụ gieo trồng đúng khung thời vụ.

Người dân huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) cày ải đất chuẩn bị sản xuất vụ xuân. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) cày ải đất chuẩn bị sản xuất vụ xuân. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tranh thủ thời tiết khô ráo, bà con nông dân trên địa bàn huyện Văn Quan (Lạng Sơn) khẩn trương bắt tay vào sản xuất vụ xuân. Ông Nông Văn Đạt, thôn Bản Noóc, xã An Sơn (huyện Văn Quan) cho biết, vụ này, gia đình ông cấy 4 sào lúa và trồng 4 sào ngô.

"Để đảm bảo sản xuất đúng khung thời vụ, ngay từ ngày mùng 6 Tết, gia đình tôi đã ra đồng cày ải, vệ sinh ruộng, vườn. Đến thời điểm này, gia đình đã chuẩn bị đầy đủ giống và làm xong toàn bộ diện tích đất, hiện gia đình tôi đang bắt đầu trồng ngô và chuẩn bị gieo mạ xuân", ông Đạt chia sẻ.

Không chỉ gia đình ông Đạt, những ngày này, trên khắp các cánh đồng của huyện Văn Quan, người dân đang nhanh chóng làm đất, dọn mương, làm cỏ, trồng ngô. Để chuẩn bị cho vụ xuân, ngay từ đầu năm 2024, Phòng NN-PTNT huyện Văn Quan đã ban hành công văn gửi UBND các xã, thị trấn về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ xuân năm 2024.

Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, vụ xuân năm nay, toàn huyện có kế hoạch gieo trồng khoảng 9.000ha cây trồng các loại. Ngay sau khi nghỉ Tết, nông dân đã chủ động ra đồng làm đất, chuẩn bị sản xuất. Thời điểm này, người dân toàn huyện đã cày ải được gần 2.000ha đất, trồng được 50ha ngô…

Cùng với huyện Văn Quan, trên khắp các cánh đồng huyện Hữu Lũng, người dân cũng tích cực làm đất, vệ sinh đồng ruộng để sản xuất vụ xuân. Bà Nông Thị Huyền Trang, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, hiện nay, bà con nông dân đang tiến hành cày ải chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Người dân tại một số xã đã thực hiện ngâm ủ giống, gieo mạ. Đến nay, các cửa hàng cung ứng giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện đã nhập dự trữ khoảng 25 tấn giống lúa các loại, 6 tấn ngô giống, hơn 3.000 tấn phân bón để cung ứng cho bà con sản xuất vụ xuân.

Người dân huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn trồng thạch đen. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn trồng thạch đen. Ảnh: Nguyễn Thành.

Để đảm bảo khung thời vụ và cơ cấu giống hợp lý, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn về cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc và kế hoạch ứng phó với không khí lạnh, rét đậm, rét hại, đồng thời tập trung chuẩn bị tốt vật tư nông nghiệp, chú trọng làm công tác thuỷ lợi.

Tính đến nay, các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn đã nhập kho khoảng 21.000 tấn phân bón và 360 tấn giống các loại để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi thường xuyên rà soát, kiểm tra, điều tiết nước hợp lý, đảm bảo trữ nước cho vụ xuân. Tính đến nay, diện tích cày ải trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 13.000ha, người dân gieo trồng được trên 6.450ha, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Phùng Thị Kim Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn cho biết, vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng trên 43.000ha cây trồng các loại. Trong đó, cơ cấu cây trồng chủ yếu là lúa khoảng 15.000ha, ngô 14.000ha, rau 6.000ha. Đồng thời, khuyến cáo người dân gieo trồng lúa, ngô… trong khung thời vụ, tránh xuống giống khi nhiệt độ dưới 15 độ C và áp dụng các biện pháp chống rét phù hợp cho cây trồng; sử dụng các giống lúa, ngô cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn tốt..

Đối với rau màu, khuyến cáo người dân chăm sóc các loại rau màu vụ xuân, tưới đủ ẩm, bón thêm kali, phân lân kết hợp phủ gốc bằng mùn, rơm, rạ… để giữ ấm, giữ ẩm cho cây; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.