Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Đây cũng là thời điểm nhiều cơ sở gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, thời điểm này, thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch về đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe.
Qua đó nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Ngoài thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng tăng cường truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TW gồm Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trong thời gian cao điểm từ ngày 15/12/2022 đến hết 12/3/2023. Bên cạnh đó, các địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp từ tỉnh tới xã.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường thực hiện kiểm tra.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, TP.HCM sẽ bắt đầu kiểm tra từ ngày 19/12/2022 đến 12/3/2023, nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm dịp lễ tết. Tập trung kiểm tra các sản phẩm phục vụ Tết như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ quả, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đồng thời, chú trọng kiểm soát đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Song song với kiểm tra là lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm.
Theo bà Lan, dịp cuối năm là thời điểm nguy cơ lớn mất an toàn thực phẩm. Thứ nhất là thực phẩm quá hạn dùng được tích trữ trong hệ thống kho lạnh và đưa ra thị trường nhân dịp cận tết hoặc dùng làm các thực phẩm chế biến. Nguy cơ tiếp theo là thực trạng các hóa chất độc hại luôn tồn tại trong các thực phẩm (thuốc bảo vệ thực vật). Nguy cơ khác là các mặt hàng quà tặng, biếu như bánh, mứt, kẹo, rượu… quá hạn dùng được phù phép trở lại, đóng nhãn, hạn dùng khác đưa đi tiêu thụ.
“Lo ngại nhất là một số người dân sẽ tiết giảm tiêu thụ, mua hàng trôi nổi, như vậy nguy cơ mất an toàn thực phẩm càng lớn. Nếu có điều kiện ít thì ăn ít, mua hàng có nơi có nguồn xuất xứ, cơ sở hợp pháp, để ủng hộ kinh doanh hợp pháp, nơi làm thực phẩm sạch”, bà Lan nói.
Đoàn số 1, do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp các đơn vị tiến hành kiểm tra tại tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam;
Đoàn số 2, do thanh tra (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp các đơn vị kiểm tra tại Thành phố Hà Nội, Thanh Hóa;
Đoàn số 3, do thanh tra (Bộ NN-PTNT) chủ trì, phối hợp các đơn vị kiểm tra TP.HCM và Bến Tre;
Đoàn số 4, do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) chủ trì, phối hợp các đơn vị kiểm tra tại Nam Định, Thái Bình;
Đoàn số 5, do Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp các đơn vị kiểm tra tại Đồng Nai, Long An;
Đoàn số 6, do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) chủ trì, phối hợp các đơn vị kiểm tra tại tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long.