Bắc Giang làm, Bắc Ninh chịu
Sông Cầu chảy qua địa phận 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có chiều dài 69km. Theo thống kê, năm 2014, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 3 dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐVN) làm chủ đầu tư (2 dự án trên sông Đuống, 1 dự án trên sông Cầu). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã xảy ra việc lợi dụng việc thực hiện dự án để khai thác cát trái phép, gây bức xúc cho nhân dân.
Bắc Ninh họp công bố thông tin
Bằng chứng là tại các kỳ họp HĐND huyện Quế Võ, HĐND tỉnh Bắc Ninh cử tri đã phản ánh nhiều lần. Các ý kiến phản ánh việc núp bóng dự án để khai thác cát trái phép khiến đất đai bị sạt lở.
Điển hình vào ngày 1/3/2016, tại vị trí tương ứng K74+400 ÷ K74+500 đê hữu Cầu, bờ, bãi sông đã bị sạt lở đứng thành với chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào bãi từ 5 ÷ 10m, vị trí sạt lở gần nhất cách chân đê 25m.
Một trong những nguyên nhân gây sạt lở là do Công ty Cổ phần trục vớt luồng hạ lưu triển khai thi công dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm từ Km1+000 đến Km30+000 thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Tỉnh Bắc Ninh đang phải bố trí 30 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh để xử lý sự cố trên.
Nhìn thấy các hậu quả nặng nề của việc thực hiện dự án, từ năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã không cấp phép và được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao, tình hình an ninh nông thôn ổn định.
Tuy nhiên, từ tháng 11/2016, trên địa bàn sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện lại việc thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng ĐTNĐ kết hợp tận thu sản phẩm, gây bức xúc cho nhân dân, đồng thời gây mất an ninh nông thôn tại các xã Việt Thống, Quế Tân, Phù Lương, Phù Lãng, huyện Quế Võ. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, các tàu hút vận hành cả ngày lẫn đêm, trung bình có khoảng 40 tàu thực hiện.
Khúc sông Cầu nơi thực hiện dự án
UBND tỉnh Bắc Ninh liên tục có các văn bản trình các bộ, ngành trung ương yêu cầu xem xét. Đáng lưu ý nhất là văn bản 374/UBND-NN.TN ngày 29/11/2016 gửi Bộ trưởng các Bộ GT-VT, TN-MT, NN-PTNT và Thứ trưởng phụ trách các Bộ này về việc đề nghị dừng ngay việc thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu thuộc 2 địa phận tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang.
Lập chuyên án điều tra đối tượng đe dọa lãnh đạo Trả lời câu hỏi về việc cán bộ từ Trung ương đến địa phương bảo kê, đe doạ lãnh đạo và cán bộ tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Long, PGĐ Công an tỉnh Bắc Ninh cung cấp: Chúng tôi khẳng định có việc nhắn tin đe doạ lãnh đạo tỉnh và cán bộ, ban ngành của một số sở, ngành. Công an tỉnh đã vào cuộc, lãnh đạo tỉnh và một số cán cán bộ đã chuyển lại những tin nhắn đe doạ. BGĐ Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo điều tra làm rõ. Chúng tôi đã thành lập ban chuyên án, điều tra làm rõ, và xử lý đối tượng. Về nội dung đe doạ, chúng tôi xin phép chưa cung cấp vì đây là tài liệu điều tra, khi nào có kết quả chúng tôi sẽ cung cấp cụ thể. |
Tại văn bản trên, UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định: UBND tỉnh Bắc Ninh trân trọng đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ GT-VT, Bộ trưởng Bộ TN-MT, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và các đồng chí Thứ trưởng của 3 Bộ chỉ đạo chủ đầu tư là Cục ĐTNĐVN và UBND tỉnh Bắc Giang dừng ngay việc triển khai thực hiện dự án, tổ chức khảo sát lại toàn tuyến sông Cầu để thấy rằng tính cấp thiết của dự án có cần phải thực hiện hay không… UBND tỉnh Bắc Ninh cam kết nếu có tàu mắc cạn sẽ bỏ ngân sách của địa phương để khắc phục.
Tàu thuyền không mắc cạn thì nạo vét cái gì?
Mặc dù UBND tỉnh Bắc Ninh đã cam kết nếu có tàu mắc cạn trên sông Cầu thì tỉnh này sẽ bỏ ngân sách của địa phương để xử lý, cũng như yêu cầu Trung ương dừng dự án. Tuy nhiên, thỉnh cầu ấy đã bị phớt lờ.
Ngày 27/10/2016, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản về việc gia hạn cho Công ty Cổ phần trục vớt luồng hạ lưu nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia và kết hợp tận thu cát làm vật liệu san lấp trên sông Cầu địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Và chỉ trong vòng 3 ngày, từ 1-3/3/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh liên tiếp nhận được các văn bản số 1689/BGTVT-KCHT ngày 22/2/2017 của Bộ GT-VT; số 266/CĐTNĐ-KHĐT ngày 1/3/2017 của Cục ĐTNĐVN về việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn từ Km1+000-Km30+000 trên sông Cầu. Lập tức, Bắc Ninh phải làm văn bản “cầu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ.
Trong văn bản trình Thủ tướng, UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Tại các vị trí trên, theo khảo sát của tỉnh Bắc Ninh lòng sông có chiều rộng từ 150m đến 220m, có độ sâu trong phạm vi nạo vét luồng đường thủy nội địa từ -15m đến -25m, do vậy có thể khẳng định không có việc tàu mắc cạn khi lưu thông trên các khu vực này.
Cụ thể, ngày 10/2/2017, UBND tỉnh nhận được đơn kiến nghị của 17 chủ phương tiện tàu thủy phản ánh đoạn sông Cầu có nhiều đoạn cạn, gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa đi lại của các phương tiện tàu thủy.
Tàu khai thác cát tại dự án
Một ngày sau, UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh và Công an tỉnh làm việc trực tiếp, kết quả: Các phương tiện thủy nội địa lưu thông của 17 chủ phương tiện tàu thủy trên sông Cầu không đúng quy định về trọng tải, vì theo Thông tư ngày 13/9/2012 của Bộ GTVT quy định phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa và Quyết định ngày 31/12/2009 của Bộ KH-CN ban hành kèm theo Tiêu chuẩn Việt Nam về phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa quy định: Tuyến sông Cầu là sông cấp 3, phương tiện thủy nội địa có trọng tải đến 300 tấn được di chuyển vào, toàn bộ 17 phương tiện thủy nội địa trên đều có trọng tải từ 498 tấn đến 888 tấn. Các hộ dân cũng xác nhận việc viết đơn kiến nghị trên là do thiếu hiểu biết, chưa nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật và không có ý kiến gì khác.
Ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh: Chúng tôi rất bức xúc Chiều 16/3, ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chủ trì cuộc họp thông tin về việc đề nghị dừng dự án nạo vét, tận thu cát sông Cầu và công văn “cầu cứu” Thủ tướng về việc lãnh đạo, cán bộ tỉnh bị nhiều đối tượng đe doạ. Liên quan đến vấn đề có cần thiết thực hiện dự án hay không, ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sau khi UBND tỉnh có văn bản đề nghị tạm dừng. Bộ GTVT giao Cục ĐTNĐVN và Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra làm rõ. Cục ĐTNĐVN đã dùng máy móc của họ tiến hành đo 4 điểm khan cạn trên sông Cầu, tuy nhiên kết quả đo không được gửi cho tỉnh Bắc Ninh. Chính vì vậy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở GTVT tiến hành đo đạc kiểm tra. Từ ngày 16/2, Sở GTVT Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra, đo đạc 3 vị trí được xác định là các đoạn cạn trên sông Cầu. Kết quả đo đạc xác định như sau: - Km7+350 - Km7+575 vó bề rộng lòng sông từ 115m đến 130m và có chiều sâu mực nước từ -7,2m đến -7,70m. - Km8+325 - Km8+450 có bề rộng lòng sông từ 129m đến 157m và có chiều sâu mực nước từ -6,8m đến -10,0m. - Km10+300 - Km10+625 có bề rộng lòng sông từ 210m đến 245m và có chiều sâu mực nước từ -3,3 đến -760m. Sở GTVT kết luận theo phân cấp sông Cầu là sông cấp 3, mực nước tối thiểu là 2,8m. Như vậy với chiều sâu mực nước đo được tại các vị trí trên đảm bảo cho các phương tiện giao thông vận tải thuỷ hoạt động bình thường vì sông cấp 3 tàu đi lại chỉ từ 300 tấn trở xuống. Về số lượng tàu tham gia dự án, mấy năm nay tỉnh Bắc Ninh đã thành lập tổ phản ứng nhanh đặc biệt trên địa bàn huyện Quế Võ và phát hiện: Mỗi ngày trên sông Cầu đoạn qua xã Việt Thống có khoảng 20-25 tàu, tại xã Quế Tân có khoảng 15 tàu, tại xã Phù Lãng có khoảng 20-25 tàu hoạt động cả ngày lẫn đêm. Ông Nguyễn Hữu Thành cho biết: "Chúng tôi rất bức xúc việc khai thác cát, khai thác trộm, khai thác trái phép, và lợi dụng việc nạo vét luồng lạch để khai thác cát. Nếu chúng ta không quyết liệt, thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình thì việc khai thác cát diễn ra sẽ gây bức xúc nhân dân. Mục đích đấu tranh để tăng cường khả năng phòng chống thiên tai các công trình và tăng cường quản lý chính quyền các cấp trong việc xử lý tệ nạn này". |